| Hotline: 0983.970.780

Tương lai đen tối của nông dân Australia

Thứ Sáu 17/01/2020 , 09:38 (GMT+7)

Thảm họa cháy rừng kinh hoàng tại Australia trong vài tháng qua đã cướp đi gần như mọi thứ của nông dân Tim và Warren Salway.

1124432528
Nông dân Australia tự chôn gia súc. Ảnh: AP.

Ngọn lửa dữ dội phá hủy gần như toàn bộ trang trại của Tim và Warren Salway ở gần thị trấn Cobargo, bang New South Wales, trong hai ngày đầu năm mới. Bố Robert cùng người anh Patrick của họ đều thiệt mạng khi cố bảo vệ tài sản gia đình. Trang trại giờ đây không còn gì ngoài tro tàn, đổ nát và xác của hàng trăm con gia súc.

“Tôi luôn tự nhủ rằng mọi thứ không tệ đến vậy. Nhưng thực tế thì không, mọi chuyện thật kinh khủng”, Tim, 42 tuổi, vừa lắc đầu vừa nhìn trang trại một cách bất lực.

Warren cố kìm nước mắt khi anh kể lại lúc phát hiện bố và anh trai không còn nữa và những nông dân xung quanh đã quyên tiền để giúp nhà Salway vượt qua khó khăn.

“Mọi người xuất hiện, họ đều muốn giúp chúng tôi”, Warren nói với Reuters.

Thế hệ nông dân đời thứ năm này sẽ phải nỗ lực rất nhiều để khôi phục trang trại. Máy móc bị phá hủy, cây cối đổ rạp, mặt đất cháy đen. Các thùng chứa bằng kim loại đều tan chảy, cỏ khô, đàn gia súc trị giá hàng chục nghìn USD đều không còn gì.

Nhà Salway mất 170 con bò.

“Chúng là tất cả những gì tôi có”, Warren chỉ tay về phía 30 con bò đang đứng gần đó. Phía sau chúng là khoảng trời bị bao trùm bởi khói từ đám cháy rừng vẫn chưa bị dập tắt ở bên kia thung lũng.

“Tôi sẽ không có con bê cái nào trong 3 năm tới. Chúng đều chết cháy. Nếu thay thế, tôi cần tới 207.000 USD”.

Thảm họa cháy rừng ở Australia bùng phát từ tháng 10/2019. Ngọn lửa đã lan rộng ra khu vực rộng tương đương Bulgaria, khiến 28 người thiệt mạng, phá hủy hơn 2.500 ngôi nhà, khiến hàng triệu con vật chết.

“Tiếng ồn giống như động cơ phản lực… bẻ gãy đôi các cây”, Tim mô tả cách ngọn lửa phá hủy các nông trại ở Cobargo. “Tôi nhìn lửa nuốt dần ngọn rồi và rồi uỳnh một tiếng như bom nổ. Bố và anh tôi ở đó”.

Thảm họa cháy rừng khiến nông dân Australia, vốn chật vật vì đợt hạn hán dài ba năm, thêm khốn khổ.

“Nó hủy diệt chúng tôi”, Warren nói. Anh mất hơn một ngày sử dụng máy ủi và máy xúc để chôn 145 con bò và 80 con cừu.

Trang trại của Tony Allen, cựu thị trưởng địa phương, may mắn thoát nạn. Ông cho biết cuộc khủng hoảng hiện tại chính là lời cảnh tỉnh đối với các nhà lập chính sách, họ cần hỗ trợ nhiều hơn cho ngành  nông nghiệp đang gặp khó khăn này.

“Họ cần quyết định có muốn duy trì ngành nông nghiệp không, có muốn người dân Australia dùng thực phẩm Australia không hay phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu”, Allen đặt câu hỏi.

Tim Salway không nghĩ xa đến thế. Anh lo ngại trang trại gia đình không thể truyền lại cho đời thứ sáu.

“Tôi có 4 con và trừ khi tình hình cải thiện, chúng sẽ không thừa kế trang trại”.

Belinda Attree đi về phía một con mương đã đen sì vì cháy rừng. “Càng đến gần, chúng tôi càng cảm thấy khó chịu”.

Con mương giờ trở thành “mộ tập thể” của 20 con gia súc và một con chuột túi. Chúng đều chết cháy khi ngọn lửa đi qua Corryong, nằm giữa thành phố Melbourne và Sydney.

Attree và chồng, Travis, cùng các con may mắn thoát nạn khi lửa bất ngờ xuất hiện và vây quanh ngôi nhà của họ. Khi trở về, họ thấy xác 11 con bò, một số con khác bị thương quá nặng.

“Bạn buộc phải bắn chết gia súc của chính mình”, Travis chia sẻ với BBC. “Tôi tự hào về đàn gia súc khỏe mạnh của tôi. Phải làm như vậy tôi thấy không đúng”.

Họ còn mất nhiều thứ khác như cỏ khô, hai thuyền và một xe địa hình. Khi được hỏi tại sao Travis chưa lấp hố chôn gia súc, anh đưa ra câu trả lời rất đơn giản.

“Hàng xóm của tôi vẫn chưa tìm thấy gia súc của anh ấy. Rất có thể vẫn còn thứ cần chôn”.

Rob Miller là nông dân nuôi bò lấy sữa ở bờ biển phía nam bang New South Wales với trang trại rộng 485 hecta. Ngọn lửa lan đến nơi đây hai lần trong vài tháng qua, đốt cháy 2/3 diện tích trên.

“Tôi chưa từng bị như vậy trong đời”, Miller nói.

Hiệp hội Nông dân sản xuất sữa Australia cho biết có khoảng 70 trang trại sữa bị thảm họa cháy rừng ảnh hưởng. New South Wales và Victoria có khoảng 20 – 25 trang trại, South Australia có 12 trang trại bị thiệt hại.

Các tòa nhà bị phá hủy trong trận cháy lịch sử ở Cobargo, bang New South Wales, Úc. Ảnh: AFP.

Rob ước tính mất khoảng 20% số gia súc. Anh vẫn đang thống kê bởi trong một số trường hợp, gia súc có thể chạy sang trang trại của hàng xóm. Một số con bò sữa được làm mát bằng vòi phun nước. Bò đang mang thai cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.

“Đã có 4 – 5 trường hợp sảy thai trong 48 giờ qua”.

Australia đang rất cần mưa để giúp dập lửa và cải tạo đất. 2019 là năm nóng và khô nhất của Australia. Điều kiện này khiến cháy rừng càng bùng phát mạnh. Quá trình phục hồi các khu rừng cũng cần rất nhiều nước.

Chăn nuôi không phải ngành duy nhất bị ảnh hưởng. Những người trồng nho, thông và hoa bia đều “hứng đòn”. Helen Haines, nghị sĩ độc lập bang Victoria, tin rằng phạm vi thiệt hại là trên cả Australia.

Nhà Attree đang hy vọng nếu trời mưa một chút, họ sẽ tái đàn vào tháng 5. Ngoài ra, họ không biết phải làm gì khác.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào”, Belinda nói. “Chúng tôi sẽ không bao giờ rời đi”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.