| Hotline: 0983.970.780

Tường thuật từ Quan Sơn: Huy động khoảng 1.000 người tìm kiếm người mất tích do lũ

Chủ Nhật 04/08/2019 , 20:02 (GMT+7)

Chiều 4/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đến  khu vực xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) để kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả của mưa lũ sau cơn bão số 3.

Tiếp cận bản Sa Ná sau hơn 1 ngày bị cô lập hoàn toàn

Do ảnh hưởng của bão số 3, rạng sáng 3/8, một trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng đã ập đến bản Sa Ná khiến hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, 17 người mất tích. Đến thời điểm cuối ngày 4/8, nhiều bản làng vùng cao Thanh Hóa vẫn bị cô lập; đã có ít nhất 3 người chết do ảnh hưởng của bão số 3.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại Thanh Hóa.

Ngày 4/8, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT cũng đã đến  khu vực xã Na Mèo, để kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả của mưa lũ sau cơn bão số 3.

Chiều cùng ngày, ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch xã Na Mèo (Quan Sơn) cho biết lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được bản Sa Ná sau hơn 1 ngày bị cô lập.

Các lực lượng cứu hộ chuẩn bị phương án tiếp cận bản Sa Ná.

Sau khi tiếp cận được bến ca nô tại bản Bo, xã Na Mèo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã vượt sông Luồng, để cắt rừng đi bộ vào tiếp cận với người dân ở các bản bị cô lập.

Đường vào bản Sa Ná hết sức khó khăn vì bản nằm cách QL217 khoảng 7km. Nước dâng cao những ngày qua khiến việc tiếp cận Sa Ná gần như không thể. Trước đó, vào tối 3/8, một nhóm cứu hộ, cứu nạn khoảng 10 người đã vượt rừng vào đến Sa Ná nhưng chỉ đi được người không mà không thể mang theo được thiết bị cứu trợ hay lương thực, thuốc men gì khác.

 
Đưa người bị nạn ra khỏi vùng bị cô lập để điều trị.

Sáng 4/8, lực lượng chức năng  phải sử dụng tàu cao tốc để vượt sông, sau đó tiếp tục đi bộ khoảng 5km đường rừng mới có thể đến bản. Sau khi tiếp cận được bản, các lực lượng cứu hộ đã tổ chức cứu trợ và tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho nhân dân. Hiện có khoảng 1.000 người thuộc nhiều lực lượng đang tổ chức tiềm kiếm người mất tích và khẩn trương tiếp cận bản Sa Ná. 

Hiện nay trong số 17 người dân ở bản Sa Ná mất tích đã có 5 người được tìm thấy và đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn; 3 bản của xã Na Mèo, gồm: Son, bản Ché Lầu và bản Xa Ná, với 75 hộ, gồm 335 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn, thông tin liên lạc bị gián đoạn.

Ước tính thiệt hại 136 tỷ đồng

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa vừa phát đi công điện phát lệnh báo động 2 trên sông Mã và sông Bưởi.

UBND tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh đã lên các huyện miền núi phía Tây chỉ đạo khắc phục hậu quả. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã điều động 350 chiến sỹ và chỉ đạo các Đồn biên phòng; huy động 10 ô tô và 60 xe máy. Công an tỉnh Thanh Hóa huy động 200 cán bộ chiến sỹ; 2 mô tô nước; 1 xe cứu hộ; 10 xuồng máy. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động 948 người; 1 xuồng máy; 9 ô tô để phối hợp với huyện Mường Lát và huyện Quan Sơn để tìm kiếm, cứu hộ người bị nạn do mưa lũ gây ra.

Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa huy động 2.860 thùng mì tôm, 39 thùng lương khô, 520 thùng nước khoáng để hỗ trợ cho huyện Quan Sơn; chỉ đạo các chủ hồ thủy điện chủ động vận hành an toàn các hồ đập thủy điện, đảm bảo đúng quy trình; dự trữ hàng hóa đảm bảo phục vụ cứu trợ, ổn định đời sống nhân dân; quản lý thị trường chống đầu cơ, nâng giá.

Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 136 tỷ đồng.

Theo Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của bão số 3, kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa to, tổng lượng mưa tính đến 13h ngày 4/8/2019 phổ biến từ 70,0 - 200,0mm một số nơi lượng mưa trên 480 mm. 

Trên các sông đã xảy ra một đợt lũ, mực nước lũ trên sông Mã tại trạm thủy văn Hồi Xuân là 63.31 m (trên báo động II là 1,31 m), tại trạm thủy văn Cẩm Thủy là 20.60 m (trên báo động III là 0,1m); tại trạm thủy văn Lý Nhân là 10.83 m (dưới Báo động II là 0,17 m); tại trạm thủy văn kim Tân là 11.02 (trên báo động II 0,02m), dự báo mực nước lũ ở hạ lưu các sông vẫn đang tiếp tục lên.

Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã có 3 người chết, 12 người mất tích, 5 người bị thương; 59 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 65 nhà thiệt hại nặng, 176 nhà bị thiệt hại một phần và 907 nhà bị ngập. Lực lượng chức năng đã phải di dời khẩn cấp 16 hộ và sơ tán 1.154 hộ.

Toàn tỉnh có 9 điểm trường học bị ảnh hưởng; 2 nhà văn hóa thôn bản bị sập; 10 ha lúa mất trắng, 19,4 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại hoàn toàn; 80m Kè Hàm Rồng đê hữu sông Mã bị sạt lở; nhiều tuyến QL bị sạt lở tại 108 điểm với khối lượng sạt lở khoảng  37.000 m3; 19 cột điện cao thế, 19 cột hạ thế bị đổ, 4 trạm biến áp hư hỏng.

Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 136 tỷ đồng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.