| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Nông sản sạch khẳng định giá trị

Thứ Tư 04/09/2019 , 11:08 (GMT+7)

Phát triển nông nghiệp tốt là mục tiêu mà chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang luôn hướng tới. Nhiều mặt hàng của địa phương đã có thương hiệu và khẳng định được giá trên thị trường.

Khởi sắc

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phát triển nông nghiệp là một trong những khâu đột phá. Do đó, tỉnh tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông, thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt tập trung đối với một số cây trồng chủ lực như nguyên liệu giấy, mía, chè, cam, lạc.

Cam sành Hàm Yên được công nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam. Ảnh: Đào Thanh.

Để làm được điều này, các ngành chức năng của tỉnh tích cực đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa với quy mô phù hợp. Khuyến khích tích tụ đất đai, liên kết để sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Đến nay, toàn tỉnh có 808,3 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững Rainforest. Có 311,7 ha cam đủ tiêu chuẩn VietGAP, tăng 116 ha so năm 2017. Trong chăn nuôi, nhiều cơ sở đã áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Hiện tỉnh có 1 trang trại chăn nuôi bò sữa được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP, 3 cơ sở chăn nuôi lợn tiêu chuẩn VietGAP, 22 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm... Giá trị sản xuất trồng trọt năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 4.088 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2017.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, so với đầu nhiệm kỳ, đến nay nhiều mặt hàng nông sản của địa phương đã có chỗ đứng trên thị trường. Toàn tỉnh hiện có 42 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa; 35 cơ sở có sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc, thuộc các nhóm sản phẩm cam sành, bưởi, chè, thịt trâu, thịt lợn, rau, dưa lê của các HTX, trang trại trên địa bàn tỉnh.

Chè VietGAP của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều sản phẩm nông sản của địa phương khẳng định được thương hiệu như: Bưởi Xuân Vân đứng top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018; cam sành Hàm Yên được công nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, lọt top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng; Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, Mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017… Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên.

Trong bối cảnh có sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường nông sản thì việc phát triển nông sản tốt gắn liền với xây dựng được thương hiệu, uy tín là bài toán đặt ra với mỗi địa phương. Để làm được điều đó tỉnh Tuyên Quang đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm nông sản tốt…
 

Mỗi xã một sản phẩm

Thực hiện chương tình OCOP, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu đến năm 2020, mỗi huyện, thành phố sẽ xây dựng được 1 sản phẩm chủ lực có quy mô cấp huyện. Mỗi xã có 1 sản phẩm đạt quy mô hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, thực hành nông nghiệp tốt hoặc các quy chuẩn an toàn khác.

Đến nay tỉnh đã triển khai thực hiện hỗ trợ tiêu chuẩn hóa 74 sản phẩm. Đặc biệt tập trung vào giúp đỡ các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị. Tổng nguồn kinh phí thực hiện đến năm 2020 là hơn 52,2 tỷ đồng.

Năm 2019, na Lực Hành đang hoàn thiện hồ sơ để được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu. Ảnh: Đào Thanh.

Riêng trong năm 2019, tỉnh đã giải ngân 800 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 8 sản phẩm. Trong đó, có Thảo mộc Lâm Bình, huyện Lâm Bình; bún khô Đà Vị, huyện Na Hang; lạc Chiêm Hóa; gạo Minh Hương, huyện Hàm Yên; na dai đặc sản Lực Hành, huyện Yên Sơn; gà sạch Minh Tâm, huyện Sơn Dương và gà đỏ Đồng Dầy, cá đặc sản Tràng Đà, TP Tuyên Quang. Mỗi sản phẩm được hỗ trợ 100 triệu đồng.

Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho 10 HTX, kinh phí đề nghị hỗ trợ 500 triệu đồng. Hỗ trợ 9 HTX tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, với tổng kinh phí thực hiện là 180 triệu đồng.

Sở NN-PTNT phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các HTX thực hiện các nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh. Đến nay, có 4 HTX được hỗ trợ vay vốn để đầu tư vào sản xuất hàng hóa với tổng số vốn được vay là 2,767 tỷ đồng…

Từ các chương trình, chính sách, nhiều sản phẩm nông sản đã bước đầu có những bước đi vững chắc. Như Mật ong Phong Thổ, ngoài sản phẩm mật ong còn có sản phẩm phấn hoa, rượu ong; chè Sử Anh có các sản phẩm chè matcha, chè xanh đông lạnh, chè xanh đóng gói; cá sông Gâm có các sản phẩm cá khúc đông lạnh, ruốc cá…

Cây lê ở đất Hồng Thái là sản phẩm đặc thù của địa phương. Nơi đây nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển cộng chất đất khá phù hợp cho cây lê có vị chát ngọt phát triển. Để quả lê trở thành sản phẩm OCOP chính quyền hỗ trợ người dân địa phương thực hiện trồng theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, thiết kế mẫu má đóng gói bắt mắt.

Lê Hồng Thái cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc. Cùng với cây lê, xã Hồng Thái đang mở rộng phát triển vùng vùng rau an toàn với quy mô khoảng 30 ha; gần 100 ha chè đặc sản.

Lê Hồng Thái sản phẩm mang đặc điểm riêng của vùng miền ở xứ Tuyên. Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình chị Bàn Thị Thương, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái có 240 cây lê, trong đó 40 cây đã cho thu hái. Mỗi năm bình quân chị thu từ 2 đến 3 tấn quả. Vụ này, gia đình chị thu khoảng trên 40 triệu đồng.

Chị Thương cho biết, được cán bộ tỉnh, huyện tập huấn kiến thức làm OCOP bà con hiểu ra nhiều điều, nhất là những kiến thức làm nông sản sạch rất bổ ích. Vừa rồi lê xã Hồng Thái được hỗ trợ 20.000 tem truy xuất nguồn gốc, bà con đồng thuận hưởng ứng. Vì lê có thương hiệu, được giá người được hưởng lợi đầu tiên chính là bà con.

Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản là một trong những hướng đi trọng tâm rất cần thiết để phát triển nông nghiệp bền vững ở Tuyên Quang. Nông sản có thương hiệu giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp chuyển từ xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành cho biết, nâng cao kiến thức OCOP cho cán bộ và nhân dân, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã mở các lớp tập huấn cho các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX, cá nhân hộ gia đình.

Từ đó, các tổ chức, cá nhân nắm bắt được các cơ chế, chính sách trong phát triển xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, lãi suất tín dụng, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đảm bảo theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.