| Hotline: 0983.970.780

Tuyệt đối không để người dân Quảng Bình chủ quan với bão số 10

Thứ Sáu 15/09/2017 , 06:15 (GMT+7)

Bão số 10 dự kiến đổ bộ vào chiều tối 15/9, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng nam Hà Tĩnh và Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 11, 12; giật cấp 13-15, cấp độ thiên tai mức 4. 

Người dân Quảng Bình đang căng sức để chuẩn bị cho phòng chống bão lớn. Báo NNVN đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.

17-06-40_nnvn__1
Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (bìa phải) kiểm tra khu neo đậu trước bão

Thưa ông, Quảng Bình đã làm gì để phòng chống bão lớn này?

Quảng Bình là mảnh đất hứng chịu nhiều tác động xấu của thiên tai. Năm nào hầu như cũng có bão lũ lớn xảy ra, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Do chịu nhiều thiên tai nên người dân Quảng Bình luôn đúc rút được kinh nghiệm về phòng chống. Tuy nhiên, chúng tôi không hề chủ quan mà xác định là chủ động, sẵn sàng “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 10.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh đã có các đoàn công tác đến tại các địa phương để kiểm tra việc phòng chống bão. Kế hoạch di dân, lực lượng ứng cứu, phương tiện xe máy, tàu thuyền… cũng đã được giao cho các cơ quan, ban ngành chuẩn bị sẵn sàng. Hệ thống loa truyền thanh từ nông thôn đến thành thị liên tục phát các bản tin cập nhật kịp thời về thông tin bão cho người dân và vận động nhân dân chủ động trong việc buộc, chằng, gia cố nhà cửa. Các doanh nghiệp chú trọng việc bảo vệ hàng hóa, máy móc, công trình, con người… để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra.

Tỉnh đã tính toán đến việc di dời người dân ở những vùng xung yếu, có nguy cơ cao?

Đây là nhiệm vụ hàng đầu đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cho các địa phương. Kế hoạch di dời trước bão, di dời khẩn cấp đã lên phương án sẵn sàng và giao cho lực lượng quân đội, biên phòng, công an phối hợp với các địa phương chủ động thực hiện. Nhiều địa bàn xung yếu như các xã dọc ven sông Gianh, sông Nhật Lệ, Kiến Giang… luôn trong tình trạng sẵn sàng.

17-06-40_nnvn__2
Người dân Quảng Bình chằng néo nhà cửa

Để tránh thiệt hại cũng như đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh đã lên phương án sẵn sàng di dời trên 20.000 hộ với trên 76.000 người dân trong trường hợp khẩn cấp với bão cấp 12 – 13 khỏi vùng nguy hiểm. Việc triển khai di dời được tổ chức chặt chẽ từ thôn, xã. Phương án chủ động là di dời những hộ ở thấp, nhà cấp bốn lên các nhà ở cao hơn, nhà kiên cố.

Quảng Bình cũng là tỉnh có đội tàu lớn, trước bão số 10, việc kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão như thế nào?

Toàn tỉnh có trên 8.000 tàu đánh cá. Cơ quan chức năng đã thông tin kịp thời và hướng dẫn tàu vào bờ an toàn. Sáng 14/9, toàn tỉnh còn có 569 tàu/4.641 lao động đang hoạt động trên biển khu vực Vịnh Bắc Bộ, cửa Vịnh Bắc Bộ và vùng ven bờ từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Đến chiều tối, cơ bản tàu đã vào các khu neo đậu, các lạch sông an toàn. Do 3 khu neo đậu ở Quảng Bình đã quá tải nên các cơ quan chức năng đã hướng dẫn tàu ngư dân trong, ngoài tỉnh vào các lạch sông Gianh, Nhật Lệ để neo đậu.

Tỉnh cũng đã giao cho các lực lượng biên phòng, công an kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến sông, không để tàu thuyền neo ở bờ sông, hạn chế người còn lại trên tàu để tránh tổn thất xảy ra.

17-06-40_nnvn__3
Các tàu lớn được đưa vào trú ở lạch sông Nhật Lệ

Vẫn còn tình trạng người dân chủ quan sau bão lũ đi thả lưới, vớt củi… nguy hiểm đến tính mạng?

Những lần bão lũ trước, việc an toàn tính mạng con người luôn được chú trọng. Nhưng trong thực tế, sau bão lũ, nhiều người dân chủ quan đã dẫn đến thiệt hại về con người. Phòng chống bão số 10, Quảng Bình kiên quyết chỉ đạo khắc phục vấn đề này. Tổ chức chính quyền từ thôn, xã, huyện chú trọng hơn nữa việc tuyên truyền, nhắc nhở đối với người dân. Người dân khi thấy người đi thả lưới, vớt củi… phải nhắc nhở lẫn nhau không được khinh suất hoặc báo với chính quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với ngành giáo dục, tỉnh chỉ đạo giao cho các trường học chủ động trong việc cho học sinh nghỉ học nếu thấy cần thiết. Hoặc khi gặp mưa lũ thì các trường liên hệ với phụ huynh để tổ chức đưa đón con em. Trong trường hợp không liên lạc được thì phải giữ học sinh tại trường và đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho học sinh.

Một vấn đề quan trọng nữa là việc an toàn hồ đập.Tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành kiểm tra đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều. Các hồ lớn như Phú Vinh, Thác Chuối, Rào Đá, An Mã… được chỉ đạo xả lũ đến 50% dung tích. Sau bão sẽ có lũ lớn nên cần chủ động trước. Tránh được việc lũ lớn nhưng phải xả lũ hồ. Như vậy, dù dung tích nước có thiếu nhưng việc quan trọng là đảm bảo an toàn cho nhân dân là trên hết.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Sắp xếp bộ máy địa phương trước 20/2

Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác sắp xếp, tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện hoạt động đồng bộ với việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên đỉnh mù sương

Chớm xuân, Y Tý rét cắt da cắt thịt, mây mù bao phủ khắp nơi còn người Hà Nhì đã sẵn sàng đón Tết trong những mái nhà trình tường ấm cúng.

Bình luận mới nhất