| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú gà giống Cao Khanh

Thứ Sáu 16/01/2015 , 07:45 (GMT+7)

Từ khi vào nghề ấp trứng gà ta bán giống, chỉ sau 10 năm, ông Cao Văn Khanh (1968) ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước, Bình Định) nhanh chóng trở thành nông dân tỷ phú.

Mê chăn nuôi

Học xong phổ thông, vì điều kiện gia đình khó khăn, ông Cao Văn Khanh không thể tiếp tục việc học. Ba mẹ ông Khanh động viên: “Con học lấy cái nghề để sau này làm ăn nuôi vợ nuôi con”. Rồi hướng cho con: “Con học nghề sửa xe đạp hay thợ hồ cũng được, những nghề này học nhanh và dễ kiếm tiền”. Nhưng ông Khanh nằng nặc xin ba mẹ cho đi học nghề ấp trứng.

Thời bấy giờ, nghề thợ vàng và ấp trứng là 2 nghề “thời thượng”, những hộ làm nghề không bao giờ truyền lại cho những người ngoài gia tộc để giữ độc quyền. Thế nhưng chủ một lò ấp trứng trong làng, ông Phan Vĩnh Hưng, cảm được sự đam mê chăn nuôi của ông Khanh nên đồng ý dạy nghề. “Để học nghề, tôi phải đóng cho thầy 2 chỉ vàng, tiền này dùng để mua trứng về ấp để học theo kiểu cầm tay chỉ việc”, ông Khanh nói.

Sau 2 năm theo học, ông Khanh nắm được mọi bí quyết. Trước tiên là cách lựa trứng. Trứng vịt trước khi đưa vào lò ấp phải được chọn kỹ. Có 3 loại trứng phải phải loại ra, đó là trứng đôi (2 lòng đỏ), trứng vỏ mỏng và vỏ có gân sọc dưa; bởi các loại trứng này ít có khả năng nở con. 

Trước khi đưa lên giàn nở, trứng phải được phơi ngoài nắng để lấy nhiệt, mùa mưa dùng lò sưởi. Nếu công đoạn lấy nhiệt không đúng độ trứng sẽ bị mất phôi, không nở con được.

“Công đoạn soi trứng để đưa lên giàn ấp cũng được xem là khó. Người thợ cầm quả trứng soi trước ngọn đèn dầu, dùng mắt nhìn qua vỏ trứng để nhận biết phôi thai, nước ối, bầu hơi… của quả trứng có đủ tiêu chuẩn nở hay không mới đưa lên giàn ấp. Hồi ấy, nghề ấp trứng hoàn toàn bằng thủ công nên quyết định sự thành bại phải dựa vào kinh nghiệm của người thợ”, ông Khanh cho biết thêm.

10-43-47_g-t-2
Gà giống vừa ra khỏi máy ấp

Từ thợ ấp thành tỷ phú

Cuối năm 1987 ông Khanh ra làm nghề. Do không có vốn mở cơ sở riêng nên ông đi làm thuê cho các lò ấp trứng trong vùng. Sau 10 năm tích dành dụm tích góp, năm 1997 ông Khanh bắt đầu mở cơ sở ấp gà quy mô nhỏ. Mẻ đầu tiên ông cho ra lò 300 con gà ta giống.

“Lúc tôi bắt đầu làm gà giống, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loại giống gà ngoại nhập đang được người chăn nuôi ưa chuộng như giống gà Tam Hoàng (Trung Quốc), gà trắng siêu thịt (Thái Lan)…

Tuy nhiên, qua nghiên cứu thị trường và tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, tôi thấy nuôi gà ta là hiệu quả nhất, lại có đầu ra ổn định do gà ta dễ chăm sóc, chất lượng thịt thơm ngon, khả năng kháng bệnh tốt.

Và đúng như phán đoán của tôi, đến thời điểm này, hầu như các giống gà ngoại nhập đã dần bị loại trừ, chỉ còn gà ta được người chăn nuôi lựa chọn”, ông Khanh chia sẻ.

10-43-47_g-t-3
Đàn gà giống hậu bị của ông Khanh

“Đàn gà ta giống bố mẹ đang nuôi tại trang trại của tôi được Bộ NN-PTNT chọn để lưu giữ, bảo vệ nguồn gen quốc gia. Tôi đang xây dựng dự án mở rộng trang trại nuôi gà giống bố mẹ với diện tích 7 ha tại thôn Hòa Hội (Cát Hanh, Phù Cát). Đồng thời, thời gian tới tôi sẽ tiến hành xúc tiến thương mại để xuất khẩu đàn gà giống sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia…”, ông Cao Văn Khanh.

Mẻ gà giống đầu tiên ấp ra ông Khanh để nuôi tất. Trong quá trình nuôi, ông Khanh mời bạn bè đến nhà uống rượu để tham quan trại gà thương phẩm của ông. Ai muốn học hỏi, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

“Đó cũng là 1 kiểu kích cầu. Người tham quan thấy mô hình hiệu quả sẽ mua gà giống về nuôi”, ông Khanh nói. Vừa nuôi, ông Khanh vừa chọn lọc để có đàn gà giống bố mẹ 200 con. Chính 200 con gà giống bố mẹ này đã đưa ông Khanh bước lên hàng tỷ phú trong ngành chăn nuôi ở Bình Định.

Phong trào nuôi gà ta trên địa bàn mạnh dần, đến năm 2007 ông Khanh chuyển đổi SX sang hướng công nghiệp. Hiện nay, hệ thống trang trại chăn nuôi và cơ sở lò ấp Cao Khanh của ông đã mở rộng đến 8 ha, gồm khu trang trại chăn nuôi gà giống bố mẹ 6 ha tại thôn Hữu Hạnh (Cát Tân, Phù Cát) và khu ấp nở gà giống rộng 2 ha tại thôn Hòa Dõng (Cát Tân).

Năm 2012, ông Khanh mở rộng thêm 1 cơ sở chăn nuôi gà hậu bị và SX gà giống tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) với diện tích 2 ha. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ với hệ thống chuồng trại khép kín, hệ thống máy ấp hiện đại được nhập từ Canada để SX con giống.

“Đến nay, trang trại chăn nuôi của tôi đang có đàn gà giống bố mẹ 60.000 con, gồm 2 giống gà ta được chọn lọc qua nhiều thế hệ với dòng tía đỏ và dòng tía đen được người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Hằng tháng, cơ sở SX giống gà của tôi cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 1 triệu con giống gà ta. Doanh thu mỗi năm từ việc bán gà giống trên 100 tỷ đồng. Hiện trang trại của tôi giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động tại địa phương với mức lương bình quân từ  3 - 5 triệu đồng/người/tháng”, ông Khanh cho hay.

Với thành tích phát triển chăn nuôi quy mô lớn có hiệu quả, năm 2013, ông Cao Văn Khanh được Bộ NN-PTNT trao danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu vì sự phát triển nông nghiệp, nông thôn”; tháng 3/2014 được Bộ Công Thương trao chứng nhận “Thương hiệu danh tiếng Việt Nam” cho gà giống Cao Khanh.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm