Được tỉnh bao che, Cty Thế Anh ngang nhiên vi phạm Luật Đê điều. |
Sau 8 năm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Cty Thế Anh vẫn không được Cục Đường thủy nội địa chấp thuận để hoạt động cầu cảng, cũng không có đất để thực hiện dự án. Vẽ dự án trên 80 tỉ nhưng không có tính khả thi nên lợi ích kinh tế cho địa phương chẳng thấy đâu, chỉ thấy thiệt hại cho môi trường đầu tư, thiệt hại cho doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả là Cảng Phú Thái.
Đối với chính quyền, ngân sách để chi phí cho các cuộc họp bàn tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án của các Sở, ngành và của UBND tỉnh, chi phí cho các đoàn thanh tra, kiểm tra theo đơn thư tố cáo… trong suốt thời gian dài hàng chục năm cũng không hề nhỏ.
Cả một thời gian dài, dự án của Cty Thế Anh chỉ nằm trên giấy. Năm 2016, Cty Thế Anh xin chấm dứt hoạt động dự án “Cơ sở sửa chữa đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng”. Ngày 6/6/2016 UBND tỉnh Hải Dương có thông báo số 92, chấp thuận chủ trương thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Cty Thế Anh.
Thế nhưng, đồng thời với chủ trương chấm dứt dự án của Cty Thế Anh, UBND tỉnh Hải Dương lại chấp thuận chủ trương Dự án Cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng của Cty TNHH Quyền Phúc trên diện tích đất trước đây UBND tỉnh chấp thuận và cho Cty Thế Anh thuê để thực hiện dự án.
Việc UBND tỉnh Hải Dương bỗng nhiên chấp thuận chủ trương cho Cty Quyền Phúc đầu tư là một biểu hiện bất thường, không phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ nhất, dự án của Cty Thế Anh đang bế tắc vì thủ tục pháp lý không đầy đủ, không có đất để triển khai. Giờ giao cho Cty Quyền Phúc cũng chỉ là chuyển dự án từ pháp nhân công ty này sang pháp nhân công ty khác. Không giải quyết được vướng mắc nội tại.
Thứ hai, theo luật định, để có được chủ trương đầu tư một dự án quy mô trên 80 tỉ đồng, Cty Quyền Phúc cần phải thực hiện toàn bộ quy trình xây dựng dự án, thẩm định dự án xin ý kiến qua các Sở, ngành. Mà nếu làm quy trình này thì Cty Quyền Phúc không có cơ hội “dây dưa” tới mảnh đất 12.404m2 mà UBND tỉnh Hải Dương đã cấp cho Cảng Phú Thái. Cũng như UBND tỉnh Hải Dương không thể một lần nữa ra quyết định thu hồi đất sai pháp luật. Nên có thể hiểu, thực chất đây là một cuộc trao đổi, chuyển nhượng dự án giữa Cty Thế Anh và Cty Quyền Phúc. Mà chuyển nhượng dự án chỉ tồn tại trên giấy thì cũng là hoàn toàn sai với quy định của pháp luật.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao UBND tỉnh Hải Dương biết dự án không khả thi mà vẫn chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp khác? Đơn giản là vì, lãnh đạo tỉnh Hải Dương muốn giúp Cty Thế Anh thoát khỏi dự án tranh chấp và đẩy “rủi ro” sang Cty Quyền Phúc.
Do nôn nóng giúp Cty Thế Anh mà lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã ra một chủ trương sai lầm. Để rồi, hai năm sau, UBND tỉnh Hải Dương lại phải thông báo bãi bỏ chủ trương chấp thuận Dự án Cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng của Cty Quyền Phúc đồng thời tiếp tục điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án của Cty Thế Anh.
Chuyện thật như đùa! Vì lợi ích của một doanh nghiệp mà lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, lãnh đạo các Sở, ngành sẵn sàng lăn xả, liên tục ra những văn bản, quyết định và những chủ trương trái với quy định của pháp luật. Cty Thế Anh muốn thôn tính đất đã giao cho Cảng Phú Thái thì UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định thu hồi đất của Cảng Phú Thái. Cty Thế Anh muốn trả dự án để cho Cty Quyền Phúc tiếp nhận, UBND tỉnh Hải Dương cũng chấp thuận. Cty Thế Anh muốn tiếp tục triển khai dự án, UBND tỉnh Hải Dương lại bãi bỏ chủ trương cho Cty Quyền Phúc đầu tư.
Xem ra, tất cả những gì Cty Thế Anh muốn, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đều đáp ứng!