Đây là 3 khu đất toàn thùng vũng, ao đầm. Khi HTX ngừng thu sản phẩm, các xã viên đã bỏ rất nhiều công sức san lấp, cải tạo thành đất cấy lúa, và nộp thuế cho nhà nước. Từ năm 2001, khi nhà nước miễn thuế đất nông nghiệp, thì các hộ đó mới ngừng nộp thuế. Từ năm 2012, các hộ dân đã trồng cây lâu năm trên đó, và cây đã cho thu hoạch ổn định cho đến nay.
Cả 3 khu đất đều không còn 1 mẩu đất trống chứ hoàn toàn không bỏ hoang. |
Nhưng năm 2018, UBND xã Yên Sơn bỗng ra thông báo yêu cầu các hộ đang canh tác trên 3 khu đất trên ngừng sản xuất, để UBND xã thu hồi 3 khu đất đó cho ông Hoàng Văn Mai thuê, mà không có bất cứ sự đền bù nào về công cải tạo, san lấp cũng như cây cối, các tài sản trên đất khác cho dân, và thu hồi đất cũng không phải là thẩm quyền của xã. Việc làm này đã gây bức xúc cho các hộ dân, họ đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi.
Ngày 17/5/2019, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, đã kí quyết định số 80/QĐ-UBND “về việc giải quyết khiếu nại của các ông, bà Phạm Xuân Thành, Nguyễn Đức Thành, Phạm Thị Huệ”. Trong quyết định trên, UBND xã Yên Sơn đưa ra hai căn cứ để thu hồi diện tích đất tại 3 khu đất trên.
Thứ nhất, 3 khu đất Thiều trên 3, Bến 4, Dài 4 là đất bãi bồi. Theo điều 49 Luật Đất đai năm 1993 và điều 80 Luật Đất đai năm 2003, thì “đất bãi bồi ở xã, phường nào do UBND xã, phường đó quản lí.
Thứ hai, 3 khu đất Thiều trên 3, Bến 4, Dài 4 là quỹ đất 2, do UBND xã Yên Sơn quản lí.
Đúng là điều 49 Luật Đất đai năm 1993 và điều 80 Luật Đất đai 2003 có quy định “đất bãi bồi thuộc địa bàn xã, phường nào thì UBND xã, phường đó quản lí”. Nhưng nếu là đất bãi bồi thì trước hết phải được cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, đo đạc, xác định đó là diện tích đất tăng thêm so với diện tích cũ của xã, phường. Tiếp theo, cấp có thẩm quyền phải có quyết định công nhận đó là đất bãi bồi, và giao diện tích bãi bồi đó cho UBND địa phương quản lí.
Chỉ khi đó UBND địa phương mới được quản lí phần bãi bồi này, chứ không phải cứ thích chỗ nào thì chỉ vào chỗ đó bảo là đất bãi bồi, rồi đuổi dân ra khỏi đó để “quản lí”. Hiện nay, UBND xã Yên Sơn không có bất cứ một tài liệu, chứng cứ nào chứng minh 3 khu đất Thiều trên 3, Bến 4, dài 4 là đất bãi bồi, và UBND xã đã được cấp có thẩm quyền giao quản lí 3 khu đất đó.
Thứ hai, thực chất đất quỹ 2 là đất gì? Nghị định 64/CP của Chính phủ về giao đất nông nghiệp lâu dài cho nông dân không có một dòng nào nói đến đất quỹ 2. Nghị định chỉ khẳng định “ngoài 5% tổng diện tích đất nông nghiệp được để lại, giao cho UBND xã, phường làm đất công ích (thực tế hiện nay UBND xã Yên Sơn đang quản lí 10% tổng diện tích đất canh tác, vượt 5% so với nghị định 64/CP), UBND xã, phường không quản lí bất cứ một diện tích nào khác. Toàn bộ đất canh tác, kể cả ao, đầm, hồ, vũng... đều phải giao hết cho dân.
Cái gọi là “đất quỹ 2” đó, chính là đất do các địa phương dấu bớt đi để sử dụng vào mục đích riêng, không chia hết cho dân. Vì vậy, nó là đất được UBND hoặc HTX các địa phương quản lí một cách trái với quy định tại nghị định 64/CP của Chính phủ.
Từ năm 1981, khi chưa có Luật Đất đai đầu tiên (1987), 3 khu đất Thiều trên 3, Bến 4, Dài 4 đã được HTXNN Yên Sơn giao cho các hộ dân rồi, thì không có bất cứ lí do gì để UBND xã Yên Sơn nhận là đất của mình cả.
Trường hợp thu hồi, thì chỉ UBND huyện Quốc Oai mới có thẩm quyền, và chỉ được thu hồi khi có lí do chính đáng, đã thực hiện xong việc bồi thường cho dân theo đúng chính sách về đất đai của Nhà nước.