Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm rừng thực nghiệm của ĐH Lâm nghiệp (Ảnh: Mai Chiến) |
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, những năm gần đây, ngành lâm nghiệp đã và đang đẩy mạnh các ứng dụng khoa học công nghệ cao, nhất là vào các lĩnh vực như chọn tạo và nhân giống cây lâm nghiệp; quản lí và bảo vệ tài nguyên rừng; khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản lâm sản... Điển hình trong công tác chọn tạo và nhân giống cây lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp đang định hướng từng bước hoàn thiện công nghệ nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào các loài cây trồng rừng chính có năng suất, chất lượng cao nhằm phục vụ trồng rừng kinh tế, rừng gỗ lớn. Các đơn vị nghiên cứu phối hợp với các DN để SX cây giống nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng SX đại trà tại các địa phương. Sử dụng công nghệ gen để phân lập các gen đích có giá trị kinh tế, có tính chống chịu, tạo ra một số dòng cây chuyển gen mang gen đích có năng suất cao, sạch bệnh..., các giống lai mới có ưu thế; tạo các cây đa bội bằng đột biến có định hướng và tạo cây lai tam bội sinh trưởng vượt trội...
Theo GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp: Tại Đại học Lâm nghiệp, nhà trường hiện đã xây dựng “Định hướng hoạt động KH-CN giai đoạn 2018-2025” với mục đích xây dựng và phát triển Trường ĐH Lâm nghiệp thành một trung tâm khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, chế biến lâm sản, phòng chống giảm nhẹ thiên tai nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành lâm nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành...
Trong những năm gần đây cũng như định hướng thời gian tới, Trường ĐH Lâm nghiệp sẽ từng bước ứng dụng công nghệ cao trong các chương trình nghiên cứu, trong đó tập trung vào 3 mũi nhọn là ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại vào chọn tạo giống và nhân giống cây lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra quản lí tài nguyên rừng và công nghệ chế biến lâm sản. “Tới đây, nhà trường đã có kế hoạch cụ thể cho việc đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các trung tâm nghiên cứu trọng điểm về nông – lâm nghiệp thông minh. Vừa qua, chúng tôi cũng đã cử 5 chuyên gia sang Trung Quốc để hợp tác với các đơn vị nghiên cứu của nước bạn về lĩnh vực công nghệ cao trong lâm nghiệp” – ông Chứ cho biết.
Nhiều ý kiến tâm huyết của các DN trong ngành chế biến gỗ đã được đưa ra tại hội thảo (Ảnh: Mai Chiến) |
Hội thảo thu hút hàng trăm nhà khoa học lớn trong ngành lâm nghiệp (Ảnh: Mai Chiến) |
Tại hội thảo, khoảng 200 đại biểu là các nhà quản lí đến từ Tổng cục Lâm nghiệp, Sở NN-PTNT các tỉnh, các nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng đông đảo các DN trong ngành lâm nghiệp, nhất là chế biến gỗ đã có mặt và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho chiến lược đưa ứng dụng thông minh vào SX lâm nghiệp cũng như ngành công nghiệp chế biến gỗ. Nhiều DN trong ngành chế biến gỗ đề nghị: Hiện nay, vấn đề nhân lực, nhất là lực lượng lao động trẻ và có trình độ cao phục vụ trong ngành chế biến gỗ đang rất khan hiếm. Vì vậy, Trường ĐH Lâm nghiệp chính là nơi đóng vai trò quan trọng để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực này cho các DN, tránh tình trạng DN tuyển lao động vào phải đào tạo lại rất lãng phí... “Chúng tôi sẵn sàng trả lương và hỗ trợ kinh phí để nhà trường hợp tác trong đào tạo nhân lực, nhất là nghiên cứu các ứng dụng công nghệ trong chế biến gỗ” – GĐ một DN chế biến gỗ đến từ Nam Định cho biết.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, nhiều đại biểu là đại diện các DN chế biến gỗ cũng bày tỏ mong muốn Trường ĐH Lâm nghiệp nói riêng, các đơn vị khoa học trong ngành lâm nghiệp nói chung cần đầu tư hơn nữa, trên cơ sở hợp tác với các DN để tập trung nguồn lực cho việc nghiên cứu các công nghệ sấy gỗ, sơn gỗ giảm thiểu ô nhiễm, tăng giá trị cho đồ gỗ, nhất là nghiên cứu về giống cây lâm nghiệp trồng rừng SX theo hướng gỗ lớn có giá trị cao. Bởi hiện nay, chủng loại cây lâm nghiệp còn quá nghèo nàn, chủ yếu chỉ có keo và bạch đàn. Trong khi đó, đa số người dân trồng rừng phải “ăn non”, khai thác rừng khi chỉ có 4-5 tuổi. Vì vậy, cần phải có các giống cây lầm nghiệp để trồng rừng SX thu gỗ lớn, ít nhất chu kỳ phải từ 7 năm trở lên.