Công nghệ LED với các dải ánh sáng thích hợp cho các loại cây trồng, rất có ích trong việc cải thiện năng suất cây trồng một cách tự nhiên mà không cần phải sử dụng thêm các loại thuốc kích thích hay phân bón hóa học.
Sử dụng công nghệ LED tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu suất canh tác, tránh lãng phí.
Việc sử dụng công nghệ LED trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đã được ứng dụng tương đối phổ biến đặc biệt là các nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Pháp, Hà Lan… Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, việc ứng dụng ánh sáng đèn LED còn rất hạn chế do chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống chiếu sáng khá lớn, kỹ thuật ứng dụng chưa được phổ biến rộng nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư.
Đèn LED với các ưu điểm nổi bật, dễ tích hợp với các công nghệ điều khiển hiện đại và sử dụng phù hợp với các nguồn năng lượng tái tạo nên hoàn toàn có khả năng thay thế các loại đèn truyền thống khác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Quảng Ninh có diện tích trồng thanh long khoảng 177 ha, tập trung chủ yếu tại Uông Bí, Hoành Bồ, Ba Chẽ… Diện tích cho thu hoạch khoảng 150 ha, năng suất trung bình đạt 33,9 tạ/ha. Những năm gần đây, nhiều hộ sản xuất đã quan tâm và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, trong đó có việc ứng dụng công nghệ ánh sáng.
Tuy nhiên, việc sử dụng ánh sáng cho các vườn thanh long chỉ được áp dụng rải rác tại các địa phương ở mức độ nhỏ lẻ, tự phát, phần lớn diện tích sản xuất còn lại vẫn để ra hoa theo cách tự nhiên. Loại bóng đèn chủ yếu sử dụng bóng đèn tròn (sợi đốt) và bóng compac với mục đích tăng số lượng hoa, quả trong lứa chính vụ, vì vậy chưa giải quyết được bài toán về hiệu quả kinh tế.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh phối hợp với Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ đèn LED trong sản xuất thanh long với quy mô 1.000 bóng đèn LED/ha tại TP Uông Bí. Đây là một trong những hoạt động chính của chương trình hỗ trợ người nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, hiện đại và gia tăng hiệu quả kinh tế.
Để đảm bảo hiệu quả mô hình, ngay sau khi được phê duyệt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cùng Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và địa phương khảo sát, lựa chọn địa điểm, đối tượng tham gia đáp ứng được yêu cầu mô hình, đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật bám sát chỉ đạo, đôn đốc hộ dân thực hiện tốt các nội dung triển khai.
Đối với vườn thanh long ruột tím Malaysia, thanh long ruột đỏ TL5 (cây thanh long 3 - 4 năm tuổi), loại đèn được sử dụng là đèn LED.TL-T60 WFR/9W với nhiều ưu điểm như có phổ ánh sáng chuyên dụng cho khả năng kích thích ra hoa cao trên cây thanh long, ngoài ra, đây là loại đèn tiết kiệm điện, tuổi thọ dài.
Trong quá trình thực hiện, ngoài việc được Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hỗ trợ lắp đặt hệ thống đèn, chủ mô hình còn được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh theo sát hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, quản lý chăm sóc cây thanh long.
Đèn LED được dùng chiếu sáng bổ sung tập trung cho cây trong 2 đợt (đợt 1 từ ngày 11/9 - 28/9/2021; đợt 2 từ ngày 01 - 15/10/2021). Các chỉ tiêu theo dõi, đánh giá trong thời gian thực hiện bao gồm thời gian sử dụng ánh sáng cho mỗi đợt hoa; thời gian cảm ứng phân hóa mầm hoa, ra hoa, hoa phát triển sau thụ phấn... Hộ tham gia mô hình đã thực hiện tốt các khâu kỹ thuật nên đã đảm bảo cho hệ thống đèn hoạt động tốt, cây thanh long sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.
Sau gần 4 tháng triển khai mô hình, cây thanh long được chiếu sáng bổ sung bằng đèn LED đã tăng 2 lứa quả (không có đèn cây không ra hoa), năng suất với vụ muộn kéo dài thêm đạt trên 5,5 tấn/ha, doanh thu đạt gần 140 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 80 triệu đồng.
Hoạch toán kinh tế cho việc đầu tư thắp đèn chiếu sáng bổ sung cho cây thanh long với dự kiến 4 lứa/năm (gồm 2 lứa sớm, 2 lứa muộn) sẽ có thể thu hồi vốn ngay trong năm đầu tiên và từ năm thứ 2 trở đi sẽ cho doanh thu cao hơn từ 100 - 200 triệu/ha/năm so với diện tích không sử dụng đèn chiếu sáng bổ sung.
Từ kết quả triển khai mô hình cho thấy, việc sử dụng ánh sáng đèn LED để chiếu sáng bổ sung nhằm kích thích cho cây ra hoa, quả trái vụ đã cho những hiệu quả nhất định. Quang phổ được tạo ra từ ánh sáng LED gần với quang phổ được tạo ra từ ánh sáng mặt trời, nên cây trồng có thể hấp thụ được tối đa để chuyển hóa thành năng lượng nuôi sống cây, giúp cây phát triển tốt trong điều kiện không sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ LED cũng giúp tiết kiệm được nguồn điện năng lớn hơn nhiều so với hệ thống chiếu sáng sử dụng ánh sáng nhân tạo truyền thống khác. Với tuổi thọ và độ bền cao, đèn LED cũng giúp người dân tiết kiệm một khoản chi phí cho việc sửa chữa và thay thế.
Để bám sát chủ trương của tỉnh, của ngành và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch, hiện đại, hiệu quả, giai đoạn tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tăng cường hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng công nghệ LED cho các hộ nông dân.
Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển cây thanh long và một số loại cây trồng chủ lực khác của tỉnh theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thông qua ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng để phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ nội địa theo mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm.