| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng eCDT VN: [Bài 2] Mong các chủ tàu đầu tư máy tính bảng để mạnh dạn áp dụng

Thứ Sáu 04/10/2024 , 08:05 (GMT+7)

Khó khăn hiện nay trong việc triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) là trình độ và kỹ năng của ngư dân còn hạn chế.

Cán bộ tại Cảng cá Ngọc Hải, Hải Phòng hỗ trợ các chủ tàu cá, ngư dân sử dụng phần mềm eCDT VN. Ảnh: Duy Học.

Cán bộ tại Cảng cá Ngọc Hải, Hải Phòng hỗ trợ các chủ tàu cá, ngư dân sử dụng phần mềm eCDT VN. Ảnh: Duy Học.

Yêu cầu minh bạch nguồn gốc thủy sản khai thác

Nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) và khắc phục những tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để đưa vào sử dụng “Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN)” từ đầu năm 2024.

Việc triển khai eCDT VN là một trong những nội dung rất quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện 2 khuyến nghị lớn của EC, gồm: Triển khai cơ sở dữ liệu kiểm soát sản lượng do Cục Thủy sản đang triển khai đến tất cả các tỉnh để giúp kiểm soát hiệu quả hơn đội tàu, sản lượng cập bến của từng địa phương, ngay cả các tàu đó cập cảng và bốc dỡ tại các cảng cá thuộc địa phương khác. Triển khai xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý các giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân: “Việc sử dụng phần mềm khá đơn giản, vì vậy rất mong các chủ tàu sẽ đầu tư một chiếc máy tính bảng để mạnh dạn áp dụng”.

Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, sau các đợt kiểm tra của Đoàn Thanh tra EC, EC đã khuyến cáo Việt Nam rất nhiều lần cần cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác một cách chắc chắn nhất, đầy đủ nhất và giảm thiểu lỗi.

Cục Thủy sản đã phát triển hệ thống eCDT VN nhằm đáp ứng các yêu cầu của EC. Hiện tại, phần mềm đã hoạt động trong toàn trình quản lý của hoạt động khai thác, từ quản lý tàu xuất bến cho đến giám sát sản lượng, cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (SC) và Chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC) để chúng ta có thể có nguyên liệu đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, có thể xuất khẩu đi thị trường châu Âu nói riêng, cũng như tất cả thị trường đòi hỏi có truy xuất nguồn gốc một cách minh bạch, khách quan và chính xác.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho hay, phục vụ công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính và quan trọng là minh bạch trong khâu truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản khai thác, vừa qua Cục Thủy sản cùng các đơn vị chuyên môn đã thiết kế phần mềm eCDT VN.

Phần mềm eCDT VN đã được thiết kế rất bài bản trong tất cả chuỗi liên quan đến hoạt động và kinh doanh các sản phẩm khai thác thủy sản, từ chủ tàu gắn với các tàu cá, cảng cá, đơn vị biên phòng, các chi cục và doanh nghiệp để giúp chúng ta có thể truy xuất được chuỗi các sản phẩm thủy sản khai thác.

“Trong việc ứng dụng eCDT VN, tất cả thành viên tham gia đều có vai trò, vị trí rất quan trọng để có thể đảm bảo minh bạch trong cả quá trình tàu xuất bến, khai thác thủy sản trên biển cho đến khi tàu cập bến được các cơ quan chức năng xác định, xác nhận là đã tuân thủ các quy định của pháp luật”, Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Làm gì để tháo gỡ khó khăn?

Theo ông Vũ Duyên Hải, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai thực hiện eCDT VN là năng lực công nghệ thông tin, kỹ năng và kiến thức của cán bộ, nhân viên tại các cảng cá nhằm hỗ trợ ngư dân truy cập hệ thống còn thiếu. Khó khăn thứ hai là hiện nay trình độ và kỹ năng của ngư dân còn hạn chế.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cũng thừa nhận, việc triển khai thực hiện và ứng dụng eCDT trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, do bước đầu chuyển từ khai báo bằng giấy sang ứng dụng công nghệ thông tin nên còn nhiều bỡ ngỡ.

“Ngoài ra, do đâu đó vẫn còn các thành viên tham gia trong chuỗi chưa tự tin và tin tưởng vào việc ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo minh bạch, chính xác”, ông Luân nói thêm.

Minh bạch nguồn gốc thủy sản khai thác là yếu tố quan trọng đảm bảo tính hợp pháp, bền vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Ảnh: Hồng Thắm.

Minh bạch nguồn gốc thủy sản khai thác là yếu tố quan trọng đảm bảo tính hợp pháp, bền vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Ảnh: Hồng Thắm.

Cục trưởng Trần Đình Luân cho biết, từ những vướng mắc đó, thời gian vừa qua, Cục Thủy sản đã làm việc với các đơn vị như: Cảng cá, ngư dân, chi cục, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) và các doanh nghiệp để các bên thấy rõ vai trò, lợi ích của việc sử dụng eCDT VN là giúp công tác quản lý nhẹ nhàng hơn, ít người thực hiện hơn và chính xác hơn. “Chúng tôi thấy rằng, hiện nay nhiều địa phương đã thấy rõ lợi ích của phần mềm eCDT VN và bắt đầu áp dụng. Thời gian gần đây, số lượng người sử dụng phần mềm eCDT VN để quản lý tàu ra vào cảng tăng lên và cũng đã bắt đầu cấp được giấy SC và CC. Chúng tôi tin rằng, trong thời gian tới cùng với các cơ quan chuyên môn và các doanh nghiệp, việc ứng dụng phần mềm eCDT VN sẽ tăng lên rõ rệt”, Cục trưởng Cục Thủy sản thông tin.

Đồng thời, ông Trần Đình Luân kỳ vọng: “Cục Thủy sản thiết kế phần mềm eCDT VN có thể ứng dụng được trên cả hệ điều hành Androi và IOS. Việc sử dụng phần mềm khá đơn giản, vì vậy rất mong các chủ tàu sẽ đầu tư một chiếc máy tính bảng để mạnh dạn áp dụng, từ đó được cấp các giấy tờ thuận lợi hơn, đảm bảo độ chính xác cao hơn mà không cần phải đến trực tiếp”.

Xem thêm
Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tảo xoắn

Đà Nẵng Sản phẩm từ tảo xoắn của cô gái trẻ ở TP Đà Nẵng hiện không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà còn xuất khẩu.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.