| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó bão Noru: 'Cẩn tắc vô áy náy'

Thứ Hai 26/09/2022 , 18:35 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh phương châm ứng phó với bão Noru phải 'cẩn tắc vô áy náy', đặc biệt lưu ý nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền núi.

Ngày 26/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình ứng phó bão số 4 (Noru) ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Empty

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (áo xanh kẻ sọc) kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lê Khánh.

Tại Quảng Ngãi, để ứng phó với bão số 4, lãnh đạo tỉnh này đã gấp rút triển khai các phương án tối ưu, đảm bảo an toàn nhất cho người, phương tiện, tài sản, chủ động mọi tình huống trước khi bão đổ bộ, không để xảy ra những sự cố do lỗi chủ quan, trừ những trường hợp bất khả kháng.

Kinh nghiệm từ những cơn bão trước, lãnh đạo tỉnh này cho rằng, vấn đề lo ngại nhất vẫn là sau khi cơn bão đi qua, ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu bão không thể chủ quan. Một số người dân cho rằng bão đã kết thúc và đi về nhà, vẫn liều lĩnh qua các khu vực nguy hiểm dù đã có đặt biển cảnh báo. Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi cương quyết sẽ không để những trường hợp này xảy ra bằng việc chỉ đạo lực lượng dân quân chốt chặn ở những địa điểm này.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, trong chiều 26/9, tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, rà soát hết tất cả hết các phương án chỉ đạo, đồng thời nghe các huyện báo cáo về tình hình thực hiện công tác phòng chống bão. Điều quan tâm nhất là đảm bảo tính mạng cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Empty

Người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hối hả phòng chống bão Noru. Ảnh: Lê Khánh.

“Hiện nay, phần lớn tàu thuyền của tỉnh đã được chỉ đạo neo đậu đảm bảo an toàn, đồng thời lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kêu gọi để tàu thuyền, người dân còn trên biển nhanh chóng thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hiện tỉnh Quảng Ngãi đã công bố lệnh cấm biển.

Đối với tỉnh Quảng Ngãi, chủ yếu sẽ tập trung cho 5 huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Lý Sơn được xác định là vùng đầu tiên ảnh hưởng nặng của bão nên ngày 25/9, lực lượng quân đội đã giúp bà con chằng chống nhà cửa và thực hiện các phương án ứng phó. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo công tác ứng phó tại các huyện miền núi”, bà Vân nói.

Đối với tỉnh Quảng Nam, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi bão Noru đổ bộ, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này đã chỉ đạo các địa phương tổ chức sơ tán nhân dân khỏi khu vực nguy hiểm; tập trung sơ tán dân ven biển đến nơi an toàn đến tối thiểu nhà cấp 3 có sàn bê tông chắc chắn; những nơi không đảm bảo an toàn thì không thực hiện sơ tán đến.

Theo kế hoạch, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện sơ tán hơn 182.000 người đối với bão mạnh, hơn 400.000 người trong tình huống có siêu bão. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9 giờ ngày 27/9, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

“Hiện, tỉnh còn 14 tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm, trong đó 2 tàu sắp về tránh trú tại cảng Kỳ Hà. Chậm nhất 17h chiều nay, số tàu này sẽ tránh trú an toàn, đảm bảo phòng tránh bão. Các tàu thuyền neo đậu sẽ được tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền hoặc lồng bè trước 12h ngày 27/9.”, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương chú ý đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực miền núi khi có bão xảy ra. Ảnh: Lê Khánh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận sự tích cực, chủ động ứng phó bão của lãnh đạo các tỉnh. Đồng thời, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, tích cực tuyên truyền nhân dân, sẵn sàng mọi phương án ứng phó theo từng cấp độ rủi ro của bão, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Đặc biệt, đề nghị các tỉnh chỉ đạo các lực lượng xung kích, tình nguyện sẵn sàng vào cuộc để chủ động mọi kịch bản để khi cần có thể huy động nhân lực, vật lực một cách nhanh nhất.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ở các tỉnh miền Trung, khi thiên tai xảy ra thì ở khu vực miền núi rất khó lường bởi nền đất, cấu trúc địa chất ở đây không thể tiên lượng trước để chủ động được. Do đó, cái khó nhất là đối phó với sạt lở đất. Những mùa mưa bão trước, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Thừa Thiên – Huế, các vụ việc nghiêm trọng đều do sạt lở ở các huyện miền núi.

“Ngoài chủ động kịch bản ứng phó, di dời dân, chúng ta cần có những lực lượng canh chừng, kiểm tra hàng ngày. Thường xuyên bên cạnh bà con để khi có sự cố sẽ nhanh chóng kiểm soát được tình hình. Bà con nhiều lúc cũng chủ quan dẫn đến mùa bão lũ hàng năm đều có trường hợp thương tâm xảy ra. Bên cạnh sự chủ quan của bà con cũng có một phần trách nhiệm của chúng ta, nếu ngay lúc đó có lực lượng kịp thời, vừa động viên thậm chí cưỡng chế thì sẽ giảm thiểu được rủi ro. Vì vậy, phương châm ứng phó với bão Noru phải “cẩn tắc vô áy náy”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến tạng

Ngày 19/5, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động phong trào 'Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi'.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.