| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy du lịch nông thôn

Uống 'trà Thủ tướng' ở làng hạnh phúc

Thứ Năm 28/04/2022 , 08:14 (GMT+7)

Buổi sáng mù sương, tôi nâng tách 'trà Thủ tướng' của ông Phố trao, hít hà mùi hương, uống rồi lặng nghe chuyện kể, khởi đầu bằng vị đắng chát, sau đó là ngọt hậu...

Xem tin mà quên cả ăn cơm

Ông Đặng Ngọc Phố dân tộc Dao nhưng trước thoát ly làng bản đi làm cai thầu khắp chốn, cuối cùng gần phá sản mới phải bỏ phố, về quê. Quê ông, xã Hồng Thái huyện Na Hang nằm ở độ cao 1.200m, khí hậu quanh năm mát mẻ, được coi là "tiểu Sa Pa" của tỉnh Tuyên Quang, vốn có tới 64ha chè shan tuyết trong đó 1/3 là cổ thụ, vài trăm năm tuổi.  

Nhưng dù là chè shan cổ thụ hay chè shan trồng rừng theo Chương trình 327, 661 thì dân vẫn chỉ chặt cành về… làm củi hay lấy lá tắm chữa ngứa, thỉnh thoảng buồn mồm mới uống chơi. Một buổi, nhìn những đồi chè hoang đó ông Phố bỗng bật ra ý tưởng, rồi lên gặp lãnh đạo tỉnh, huyện để trình bày về lập xưởng sao chè và được hỗ trợ 320 triệu để mua 2 cái lò sấy bằng củi. HTX Sơn Trà được thành lập do ông làm giám đốc, có 7 thành viên nhưng hoạt động sau 3 năm chỉ còn có 2 người, mà còn lúc làm lúc không bởi chất lượng trà làm ra quá tệ, nước đỏ, không có mùi thơm, cho không đắt, biếu không xong, chứ đừng nói đến chuyện bán.

Ông Phố đang kiểm tra chất lượng một mẻ chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phố đang kiểm tra chất lượng một mẻ chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phố đi khắp các vùng chè ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang… hỏi kinh nghiệm, một số nói, một số không, nên phải thuê kỹ thuật với ngày công 2 triệu, chưa kể đón rước. Mỗi người chỉ cho ông một cách nhưng không ai mách hết. Càng sản xuất lại càng cụt vốn, gần như phá sản, không thể vay mượn được thêm nên cuối năm 2017 ông phải bán lô đất 32 m dài mặt đường trung tâm xã, cùng một cái xe máy để sống chết với nghề. Lúc này có một người am hiểu về chè mới chân tình khuyên: “Nếu ông cứ dùng lò củi để sao chè như thế thì cả đời cũng không thành công đâu”.

Bừng tỉnh, ông đầu tư 4 lò cả gas lẫn điện, nhờ đó điều chỉnh được nhiệt độ, vòng tua máy cũng như thời gian sao, năng suất đạt, trăm mẻ đều như một, cánh trà đẹp, nước trà xanh, hương trà đượm, vị trà lúc đầu chát, hơi đắng nhưng sau lại ngọt. Lúc đầu, sản phẩm bán cho các cơ quan xã, huyện, tỉnh thấy khách đều quay lại hỏi mua ông Phố mừng quá mới đem biếu Bí thư Tỉnh ủy. Bí thư Tỉnh ủy uống thấy ngon quá mới đem biếu Văn phòng Chính phủ rồi đến tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để cuối cùng làm quà tặng cho Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng trà shan tuyết của HTX Sơn Trà cho Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: Chụp lại hình tư liệu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng trà shan tuyết của HTX Sơn Trà cho Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: Chụp lại hình tư liệu.

“Bữa đó cả nhà đang vừa ăn cơm vừa xem thời sự, đứa con tôi mới reo: “Ơ trà của mình này bố ơi”. Tôi xem mà quên cả ăn cơm tiếp, ngồi không yên, đứng cũng không yên, rút điện thoại gọi các thành viên  HTX: “Các anh xem thấy cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng trà shan tuyết của mình cho Thủ tướng Malaysia không? Có nằm mơ cũng không được như thế nên giờ đây chúng ta phải gắng làm cho tốt vào”. Kể từ đó, nhiều khách hàng gọi cho ông Phố cứ một mực đòi mua loại “trà Thủ tướng” ấy. Ông cười rồi giải thích, “Trà Thủ tướng” chính là loại 1 tôm 1 lá, giá 1,2 triệu/kg. Ngoài ra, còn có trà đinh sản lượng mỗi năm chỉ 50-70 kg giá tới 5 triệu/kg; trà 1 tôm 2 lá hàng tuyển giá 700.000đ/kg; 1 tôm 2 lá hàng thường giá 250.000đ/kg…

Lúc này trời đã gần trưa, dân hái chè về xếp hàng dài để bán cho xưởng. Chị Lý Thị Luyên 33 tuổi vẫn địu đứa con nhỏ sau lưng, trút những búp chè xuống để cho ông Phố kiểm tra từng cái lá một. Chị bảo: “Chồng mình cũng làm ở xưởng trà, lương tháng 7 triệu còn mình thì lo việc hái, nhà có 3 ha chè trồng đã hơn 20 năm, mỗi ngày nếu hái nhanh bán được 300.000đ, còn nếu hái chậm thì bán được 250.000đ”. 

Chị Lý Thị Luyên vừa địu con, vừa đi hái chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Lý Thị Luyên vừa địu con, vừa đi hái chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hương ước của các xóm ở xã Hồng Thái là cấm sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, không chỉ trên chè mà cả trên rau, ngô, lúa, ai phát hiện sẽ bị phạt, ai tố giác sẽ được thưởng.

Những vườn rau, vườn lê, chuồng lợn trên mây

Anh Đằng Đức Hầu trước đây dựng một quán bán hàng gần UBND, bôn ba đủ nghề từ nấu rượu, nuôi lợn đến chạy xe, kinh tế không nói là nhất chứ nhì xã ít ai dám đọ. Đến năm 2018 anh đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp Tân Hợp với 11 thành viên nhưng sau đó một số bỏ đi xuất khẩu lao động, giờ chỉ còn 7. HTX tự trồng 2-3 ha rau và liên kết với 20-30 hộ nữa để bao tiêu sản phẩm. Đúng vụ thì trồng ít để nội tiêu, còn trái vụ thì trồng nhiều để bán cho khách dưới xuôi. Ngôi nhà gỗ lợp ngói âm dương ở thôn Khuổi Phầy anh còn định kết hợp làm homestay để bán cho khách những trải nghiệm từ bắt gà, hái rau đến làm lợn khô, trâu sấy.

Hôm đó, vợ anh đãi trâu khô xào măng, lợn khô xào tỏi và một món ăn mà người lang thang khắp các nẻo đường rừng như tôi cũng chưa từng ăn là mầm bắp cải. Ở đây anh chị chặt xong bắp cải nhưng không nhổ gốc lên mà cứ để đó cho nó mọc mầm rồi hái để ăn chứ không bán. Nó có hương vị nửa của bắp cải nửa của lá su hào, thơm ngon, giòn bùi và đầy hậu vị. Thấy tôi gắp lấy gắp để, gật gù khen, anh Hầu sai vợ ra vườn chặt nốt số mầm bắp cải còn lại rồi nhét vào cốp xe của tôi cùng ít thịt lợn đen hun khói.  

Vườn lê của Đặng Lương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn lê của Đặng Lương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đang ăn cơm thì Đặng Lương người ướt đầm vì dầm mưa mang đến 1  bọc xôi mẹ cậu làm từ sớm, 2 bọc gà nướng cậu tự tay làm, tất cả vẫn còn đang nóng hổi. Cậu trai trẻ người Dao ấy là chủ vườn lê đẹp nổi tiếng đất Hồng Thái này, mỗi vụ hoa thu cả trăm triệu từ dịch vụ cho khách đến chụp ảnh. Chiều hôm đó Nguyễn Thị Cẩm Ly-Giám đốc HTX Cam sành Sơn Nữ dẫn tôi đi thăm vườn của cậu, ngắm những quả lê non mới đang nhú, em bảo: “Quả lê khi chín chỉ để được một thời gian ngắn, hơn thế nữa lúc thu hái hay bị thâm đen, bị sâu hoặc dập nên khách thường trả lại. Người dân trên này có nhờ HTX Sơn Nữ đồng hành để xử lý vẫn đề ấy bằng cách dạy thu hái, sơ chế đồng thời bao tiêu luôn sản phẩm.

Ngoài bán tươi HTX còn đang thử nghiệm sấy lạnh để bảo quản lê được 6 tháng-1 năm, vừa giữ được dinh dưỡng, vừa tiện cho việc ăn nhanh hay chuẩn bị cho những bữa sáng trong 5 phút. Có thể mùa lê năm sau khách đến đây du lịch sẽ ra về với những túi lê sấy làm quà. Sắp tới chúng em còn thử nghiệm kết hợp lê với sâm cát cánh giống như sản phẩm nước lê sâm trị ho của Hàn Quốc.

Chụp ảnh cùng quả lê mới nhú. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chụp ảnh cùng quả lê mới nhú. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngoài lê ra, chúng em còn liên kết với dân để trồng dược liệu và bao tiêu sản phẩm. Thế mạnh của Sơn Nữ là phát triển những sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu gồm farmlab (trang trại kết hợp nghiên cứu), farmshop (trang trại kết hợp cửa hàng) và farmtour (trang trại gắn với du lịch)”.

Hết xem lê, tôi lại lên trang trại lợn rộng hơn 1 ha của Bàn Xuân Thủy- một anh chàng người Dao vừa tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sương mù xuống dày đặc khiến cảnh vật thêm mờ ảo. “Lợn thì gia đình em nuôi lâu rồi, nhưng trước toàn nhốt, rất vất vả vì suốt ngày phải cho ăn, còn ở đây chỉ cho ăn chút buổi sáng và chiều. Nếu không mưa thì tối lợn ngủ ở gốc cây, lùm cỏ, chỉ con nái mới nhốt trong chuồng. Tổng đàn hiện có gần 100 con với 2 giống lợn đen bản địa và lợn rừng lai.

Diện tích quanh trại em trồng cỏ sả, ngô và chuối làm thức ăn cho lợn cùng với các loại thảo dược khác như hoàn ngọc, đinh lăng, chè khổng lồ. Nhờ thế, thịt rất thơm ngon, bán 120-150.000đ/kg cho các homestay trong vùng và cấp cho chính homestay Mác Cọp của nhà. Sắp tới em còn định mở farmstay để cho du khách được trải nghiệm cuộc sống như nông dân”.  

Trại lợn của Bàn Xuân Thủy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trại lợn của Bàn Xuân Thủy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hạnh phúc là đây

Anh Đặng Trung Dũng-Chủ tịch xã Hồng Thái kể cho tôi về chuyện huyện đã phê duyệt đề án làng thông minh tại thôn Khau Tràng. Ở đó mạng 4G chung dùng miễn phí, các hoạt động đều sử dụng công nghệ cao để quản lý, điều hành, từng cây lê cũng được mã hóa để quả hái ra là biết bao nhiêu tuổi, chăm bón thế nào, vườn của ai.

Anh Đặng Trung Dũng - Chủ tịch xã Hồng Thái kiểm tra rau của HTX Tâm Hương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đặng Trung Dũng - Chủ tịch xã Hồng Thái kiểm tra rau của HTX Tâm Hương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn về làng hạnh phúc của Công ty TNHH Một thành viên One Health nhà đầu tư đã chọn ra 2 điểm để khảo sát, đề xuất việc du lịch sức khỏe kết hợp với du lịch nông nghiệp. Nhưng dù phát triển kiểu làng gì đi chăng nữa theo anh Dũng vẫn phải dựa trên bản sắc văn hóa. Khoảng 70% gia đình ở Hồng Thái đang sống trong nhà cổ của người Dao tiền dạng 3 gian 2 chái hay 5 gian 2 chái, lợp ngói âm dương. Chính sách của tỉnh đang hỗ trợ những nhà làm homestay đón từ 10 khách trở lên 80 triệu để trở về với kiến trúc cổ, những nhà không đăng ký mà xây dựng lai căng, lộn xộn thì kiên quyết đình chỉ.

Dự án làng hạnh phúc có thể tiến hành, có thể không nhưng ở một nơi cảnh đẹp như tiên, người hiền như bụt và sống không phải lo nghĩ nhiều  như ở Hồng Thái thì tôi nghĩ đó chính là làng hạnh phúc trong cuộc đời thực rồi.

Anh Tô Viết Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Na Hang: “Dự án Làng hạnh phúc ở Hồng Thái là đề xuất mới với tỉnh, huyện nhưng với dân và nhà quản lý cần hiểu nội hàm của hạnh phúc cụ thể ra sao, phải định lượng được nó kiểu như tiêu chí của nông thôn mới chứ không được định tính”.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất