| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy du lịch nông thôn

Người phụ nữ khuyết một bàn tay đêm ngày bên khung cửi

Thứ Sáu 22/04/2022 , 07:05 (GMT+7)

Cái tay lành của chị cầm thoi, cái tay tật thì kẹp cả cùi vào mà đỡ lấy, từ đó, những hoa văn của núi rừng, làng bản cứ thoăn thoắt hiện ra…

Khung cửi cứu rỗi đời người

Lúc Nguyễn Thị Ỷ ở xóm Nà Bản, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) được sinh ra, bà mẹ cứ sờ mãi vào cái bàn tay bên phải rồi bần thần, nó không có ngón như mấy người anh em khác. Nhà nghèo, lại bị tàn tật nên năm 15 tuổi Ỷ mới được đi học lớp 1, phải chật vật tập viết bằng tay trái, theo đến lớp 4 thì xin nghỉ. Bố động viên: “Con gắng đi học để còn lấy cái chữ”. Nhưng chị trả lời rằng: “Con đi học, không có một bàn tay, xấu hổ lắm bố ạ!”.

Thiếu bàn tay phải chị lấy củi bằng bàn tay trái, cầm cày bằng tay trái, đặt mạ lên tay cụt rồi cấy bằng tay trái, kẹp liềm vào tay cụt rồi vơ lúa gặt cũng bằng tay trái, chẳng chịu thua kém bất cứ một ai. Chị ra đồng từ sáng sớm đến khi không nhìn thấy ngọn cỏ nữa mới chịu dừng tay, lên nương từ lúc cây còn đẫm sương đến khi không còn thấy lối mới chịu dừng cuốc. Một số chàng trai trong xóm vì cảm mến mà đến tìm hiểu nhưng chị đều một mực chối từ: “Bàn tay phải không có nên tôi không đảm nhiệm được vai trò của người mẹ, của người con dâu đâu mà”.

Lúc nông nhàn, ngồi ở nhà còn buồn hơn cả con rùa bị buộc bên cánh cửa, chị thấy cái khung cửi của mẹ bỏ không mới thử ngồi xuống dệt. Chiều về, mẹ hỏi: “Ơ, đứa nào dệt khung cửi của mẹ thế này?”. Chị ngượng ngùng: “Con dệt đấy!”. Mẹ bảo: “Khi con dệt, phải đổi que thì mới lên hoa văn được”. Vậy là những buổi sau, ở nhà chị tháo ra, miệt mài tập lại.

Chị Nguyễn Thị Ỷ đêm ngày bên khung cửi dệt thổ cẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Nguyễn Thị Ỷ đêm ngày bên khung cửi dệt thổ cẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xưa Thượng Lâm vốn nổi tiếng với những cánh đồng bông rộng mênh mông để phục vụ cho nghề dệt thổ cẩm. Các bà, các mẹ người Tày đã dạy cháu gái, con gái từ năm mới 11, 12 tuổi cách cán bông, se chỉ rồi dệt nhưng mẹ chị chẳng dám nghĩ rằng khúc ruột tật nguyền của mình lại có thể học được. Người bình thường dệt 1 tấm thổ cẩm chỉ mất 7-8 ngày còn chị làm mất hơn 1 tháng. Tấm vải đầu tiên dệt được, chị đem ra khoe, được mẹ khen: “Không có đủ tay sao mà con tôi làm giỏi thế?” khiến cho lòng cứ vui mãi.

Thời gian đầu tập dệt còn chậm, về sau tuy không có bàn tay phải nhưng chị dệt nhanh chẳng kém người bình thường có đủ cả hai bàn tay. Thế rồi biến cố xảy ra, bố mất, anh em mâu thuẫn, chị phải ra sống riêng trong một túp lều tre dựng trên đất đi ở nhờ. Cái khung cửi phủ bụi mờ bao năm không còn được sờ đến nữa.

Chị Ngô Thị Phin kể: “Năm 2000 tôi là giáo viên mầm non dân nuôi, đi vận động trẻ con trong xóm học, thấy gia đình nào cũng bỏ khung cửi ở xó nhà, mạng nhện chăng đầy mới bảo: “Sao các bác cứ bỏ nghề dệt thổ cẩm như thế? Em đi ở đâu cũng chẳng thấy hoa văn đẹp nào như hoa văn của dân tộc Tày mình, tự bàn tay khối óc đã thêu lên được núi rừng, đồng ruộng, cọn nước, con cua, con ốc…”.

Một cái chăn giá 4 triệu như thế này, chị Ỷ phải dệt chừng hơn 1 tháng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một cái chăn giá 4 triệu như thế này, chị Ỷ phải dệt chừng hơn 1 tháng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi đến túp lều tre của chị Ỷ để vận động đứa cháu đang ở cùng đi học, chị Phin thỉnh thoảng thấy chị Ỷ ngồi lặng lẽ khóc. Hỏi ra, mới biết rõ hoàn cảnh éo le, ngay cả túp lều dột nát cũng đang có nguy cơ phải rời đi, chẳng có nơi nào mà nương náu nữa. Vừa lấy ít tấm nylon để che cho cái lều khỏi dột, chị Phin vừa an ủi chị Ỷ. Nhờ qua lại thường xuyên mà tình chị em càng thêm gắn bó. Có lúc chị Ỷ tâm sự rằng: “Tao đi tìm đường chết bằng cách thắt cổ đây”. Chị Phin phải khuyên can mãi thì chị Ỷ mới nguôi ngoai.

Năm 2011 huyện mới Lâm Bình được thành lập, biết được chính quyền có ý tưởng khôi phục lại nghề dệt cổ truyền của người Tày, chị Phin mừng lắm, quyết đi du lịch xuyên Việt một chuyến, đến nhiều điểm có sản phẩm thổ cẩm để tìm hiểu tại sao họ vẫn duy trì. Chị bắt đầu bằng việc thuyết phục chị Ỷ: “Chị ơi có dệt được thổ cẩm nữa không?”. Chị Ỷ trả lời được, thế là chị Phin đi Nam Định nhập sợi về vì nghề trồng bông của Thượng Lâm đã không còn nữa. Sau gần 20 năm bỏ bẵng, những hoa văn của dân tộc Tày vẫn hiện ra sống động qua bàn tay phải khuyết hết ngón của chị Ỷ, khiến chị Phin cầm tấm vải mà cảm động rơi cả nước mắt.

"Thổ cẩm của người Tày lúc đầu dùng có thể thấy thô và cứng nhưng chỉ sau một thời gian là vải mềm lại, bởi tất cả đều đồ tự nhiên, ngay cả màu sắc cũng được nhuộm từ vỏ cây tràm, cây sấu". Chị Ngô Thị Phin Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm của Thượng Lâm.

Tổ dệt thổ cẩm của những người yếm thế

Thấy chị Ỷ dệt thổ cẩm, có chút tiền, mọi người mới bảo chị Phin: “Thế mày cho tao làm với, tao cũng hoàn cảnh, chồng bị ung thư” hay: “Con ốm đau mà tao chẳng có việc gì làm cả”. Người này đến, rồi người kia đến. Đó là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong đó có 5 chị chồng ung thư chết hay chồng bệnh nặng. Chị Phin làm Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm của Thượng Lâm từ đó.

Tuy nhiên, lúc đầu sản phẩm làm ra tiêu thụ rất khó khăn. Chị phải đi vận động những người bắt đầu chuẩn bị gả chồng cho con gái, đầu tiên là mời chính ông Chẩu Công Đoàn-Chủ tịch xã hồi ấy: “Anh mua giúp em 2 mặt chăn cho cái Thùy làm quà hồi môn đi lấy chồng. Anh mua để kích cho mọi người cùng mua nhé”. Bộ mặt chăn hồi ấy rất rẻ, chỉ có 300.000đ nhưng khi đắp ngoài đẹp ra, nó còn ấm tình của người mẹ Tày dành cho đứa con gái.

Chị Phin và chị Ỷ đang kiểm tra tấm vải vừa dệt xong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Phin và chị Ỷ đang kiểm tra tấm vải vừa dệt xong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cửa hàng của chị Phin ở nhà chuyên bán đồ sơ sinh, đồ đám cưới nên hễ thấy có gia đình nào chuẩn bị bắc rạp là mời mua. “Chăn của người Tày làm rất bền, đắp cả đời mình truyền sang đời con cháu được lại còn rất dễ chịu vì thấm hút mồ hôi, đỡ bị ốm”. Khi đám cưới xong, có con, chị đến mời tiếp: “Cái chăn giáy (chăn trẻ con) đắp cho trẻ con không bao giờ sưng phổi bởi nhuộm bằng chất chàm, rất tốt đấy”. Phong tục của người Tày là hễ cháu ngoại đầy tháng thì bà ngoại thường tặng 1 cái địu để cõng đi chơi, chị lại làm ra cái địu bằng thổ cẩm để mà tiếp thị. Hay gần đây chị làm các túi thổ cẩm để thay thế cho túi nylon, đảm bảo vệ sinh môi trường. Không chỉ người ở Thượng Lâm mà còn ở cả xã Khuôn Hà, Lăng Can gần đó cũng dần dần tìm đến mua.

Từ năm 2014, khi các homestay ở Lâm Bình bắt đầu được mở ra, chị Phin lại mang thổ cẩm đi giới thiệu cho khách du lịch. Người Tây mua để kỷ niệm, người Ta mua để dùng, để làm quà tặng cho các đối tác gần, xa. Những cái túi nhỏ có giá 50.000đ/cái, địu 200.000đ/cái, chăn giáy dành cho trẻ 400.000đ/cái, gối 400.000đ/đôi, màn 900.000đ/cái, chăn người lớn 1,5-1,8 triệu chưa có ruột, nếu lót bông thì 2,2 triệu.  

Tổ dệt thổ cẩm của Thượng Lâm hiện có 37 thành viên, hơn 20 người trong đó có hoàn cảnh rất éo le, với nghề phụ, họ có thêm bình quân 1,7 triệu/tháng. Thổ cẩm có thể dệt tranh thủ được mọi nơi bởi đi đến nhà nào trông người ốm thấy khung cửi họ lại hộ nhau dệt, còn mọi lúc là tranh thủ khi rảnh rỗi, nhất là lúc mưa, lúc tối ăn cơm xong, lúc 4-5 giờ sáng không ngủ được, có khi vợ vừa ngồi dệt vừa hát còn chồng thì thổi sáo.

Tuy tay phải không có ngón nhưng chị Ỷ lại rất khéo léo trong công việc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy tay phải không có ngón nhưng chị Ỷ lại rất khéo léo trong công việc. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Tôi vẫn đang hoàn toàn giúp không công cho những phụ nữ yếu thế của quê mình, khi bán được bao nhiêu thì trả nguyên tiền cho họ. Tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn đôi chút khó khăn. Dù sức khỏe hạn chế vì bị tai biến nhưng tôi vẫn còn đi khắp nơi để quảng bá cho nhiều người biết đến bản sắc văn hóa Tày qua mặt hàng thổ cẩm”. Chị Phin tâm sự.

Còn chị Ỷ, năm nay đã 59 tuổi, hiện sống cùng đứa cháu trong ngôi nhà sàn của bố mẹ khuất núi để lại cho. Trong các thành viên của Tổ thì chị làm được nhiều thổ cẩm hơn cả vì ít đi giao lưu, ít có bạn bè nên suốt ngày ngồi bên khung cửi.

Chị kể, bị tàn tật như thế nhưng trước đây xuống xã năm lần bảy lượt để làm chế độ, người ta dứt khoát không cho, bảo vẫn còn lao động được, cực chẳng đã chị mới phải xuống tỉnh. Họ hỏi: “Sao chị gần chết rồi mới ra làm chế độ?”.

Chị đành kể rõ sự tình, nghe xong cán bộ tỉnh phẫn nộ quá mới bảo rằng: “Một bàn tay cụt hết ngón rồi thì thử hỏi xem chúng nó có lao động bình thường được nữa hay không?”. Vậy là 2 năm nay chị đã có chế độ hỗ trợ, mỗi tháng cũng được thêm mấy trăm ngàn, cộng thêm 2-3 triệu nhờ nghề dệt thổ cẩm, đủ để lo cho lúc tuổi già xế bóng.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.