| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy du lịch nông thôn

Về 'miền gái đẹp' nghe bà con kể chuyện làm giàu

Chủ Nhật 24/04/2022 , 13:35 (GMT+7)

'Sơn nữ phía rừng xanh. Môi đỏ má hồng. Lưng ong dáng nguyệt. Khách tình thơ say. Em người sơn nữ. Đẹp như hoa lan rừng. Đất lành chim xây tổ.Xứ phượng hoàng thần tiên'

“Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”

Tôi đi hoang với những câu thơ của Trường Giang trong đầu. Hôm đó ở homestay Ba Ngân của Hỏa Văn Ba tại bản Nà Liềm, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) tình cờ tôi được chứng kiến buổi văn nghệ quần chúng. Những em bé, thiếu nữ hay phụ nữ trung niên quây quần tập đàn, hát, rất nhiều trong số đó mang nét đẹp hàm tiếu như một đóa hoa phạc phiền. Đẹp từ dáng người đến tiếng cười, giọng nói.

Bế Hoàng Linh - một thiếu nữ vừa độ trăng tròn, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, còn cặp mắt cứ lấp lánh như những ánh sao. Em có năng khiếu tiếng Anh và MC, thường say mê kể cho khách về vẻ đẹp của núi rừng, con người quê mình. Ngày trước, có người chị họ rất đẹp của anh Ba tên là Nông Hoài Thu còn được mời đi đóng phim “Con sóng đầu đời” nữa.

Nét đẹp của gái Thượng Lâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nét đẹp của gái Thượng Lâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Quan Văn Biện, 78 tuổi, nguyên Chủ tịch Mặt trận xã Thượng Lâm kể con gái bản không chỉ đẹp về hình thể mà còn cả nết na, thùy mị, tần tảo, yêu chồng, thương con, đẹp trong cách ứng xử khách đến không chỉ biết chào hỏi, mà còn cơm nước chu đáo, sắp xếp chăn màn giường chiếu gọn gàng. Họ còn đẹp vì biết hát then, đàn tính, biết se chỉ, dệt vải. Những cái đẹp đó trước không qua cuộc thi nhan sắc nào mà vẫn được người đời công nhận, còn gần đây xã, huyện, tỉnh thỉnh thoảng có tổ chức thi nhưng cứ sau mỗi cuộc như thế gái đẹp lại lũ lượt về xuôi lấy chồng…

Lý giải về câu “Mận Hồng Thái. Gái Thượng Lâm” ông Biện bảo ngày xưa trời cử sứ giả đi tìm vùng đất đủ 100 ngọn núi để dựng kinh đô. Có người mách Thượng Lâm có 100 ngọn núi nhưng sứ giả đếm đi đếm lại vẫn chỉ có 99 ngọn, dân biết tin mới xây giả 1 cái. Khi 100 con phượng hoàng bay về, 99 con đậu xuống, còn 1 con vẫn lượn vòng trên không vì đó là ngọn núi giả. Trời tức quá, phun nước xuống cho trôi luôn ngọn núi giả và định trừng phạt tiếp người ở đây nhưng thấy mảnh đất đẹp quá nên lại không nỡ.

Các nàng tiên thường xuống hồ Thượng Lâm để tắm. Có người đàn ông vẫn đứng trên núi Nà Tông dõi theo mỗi lần, thấy tiên đẹp quá mới ước lấy về làm vợ. Tuy nhiên, tiên thử lòng bằng cách biến thành một đàn cá, thấy đàn cá ngon quá, người đàn ông kia lại mới ước được ăn, vì thế nên không được lấy tiên, đứng mãi hóa thành tượng đá ở trên núi. Khi các nàng tiên bay đi, để lại loại hoa phạc phiền họ vẫn thường hái để tắm. Về sau, con gái Thượng Lâm học theo, cũng hái hoa phạc phiền bỏ vào nước tắm nên ai cũng trở nên xinh đẹp. Nơi đây còn có hẳn đền thờ bà chúa sơn lâm - một thành hoàng làng mà tương truyền rằng khi sinh thời cũng đẹp thuộc vào dạng nghiêng nước, nghiêng thành…

Vẻ đẹp trong trẻo của Bế Hoàng Linh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vẻ đẹp trong trẻo của Bế Hoàng Linh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhọ mặt người tôi trở về homestay Anh Thế ở Nặm Đíp đúng lúc Chẩu Đức Anh mang cái mẹt rau rừng như bò khai, lá chua, măng vầu, rau hôi vào bếp. Em cười bảo: “Hôm nay có vịt suối luộc, cá chép ruộng nướng, măng nứa nhồi thịt, măng vầu xào, rất nhiều loại rau trong đó bò khai, rau hôi cũng là những vị thuốc”.

Bụng đói nên tôi cũng chẳng khách sáo nữa mà nhiệt tình thử hết món này đến món nọ. Những con cá chép ruộng nuôi cả năm mới to bằng 3 ngón tay vậy mà ngon hết chỗ chê bởi hương thơm, vị ngọt đậm đà. Đĩa vịt suối béo ngậy, thịt dày và thơm không kém gì vịt cỏ Vân Đình quê tôi là mấy. Còn rau rừng thì mỗi thứ một vị nhưng chẳng thứ nào giống như rau dưới xuôi.

Ông của Chẩu Đức Anh là Chẩu Minh Vĩ năm nay 75 tuổi kể, lúc đầu tiên làm du lịch cùng với 5 hộ khác, họ được huyện cho đi tham quan, hỗ trợ một số vật tư rồi gia đình bỏ thêm một số tiền nữa để tu sửa nhà cửa: “Khách đến nhà ông coi như là con cháu, gặp Tây thì ông chào hello, ra về chào goodbye, see you again, còn nói chuyện thì dùng điện thoại dịch. Làm du lịch, lúc con cháu nấu cơm thì ông bà đun nước, trông trẻ, khi khách đông hơn nữa thì huy động tổ nấu ăn, tổ văn nghệ, tổ tiếp khách, tổ hướng dẫn viên của cả xóm làm. Thu nhập hàng tháng cũng được khoảng 5-7 triệu”.

Chẩu Đức Anh chủ homestay Anh Thế bê những con cá chép ruộng, măng rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chẩu Đức Anh chủ homestay Anh Thế bê những con cá chép ruộng, măng rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi được nghe lắm chuyện hay, tỉ như nhà sàn lợp bằng lá cọ nên rất dễ cháy và lan sang nhà khác. Bởi thế, ông bà truyền lại trong nhà không được chửi nhau, ra ngoài không được to tiếng hay gây thù chuốc oán vì khi người ta nóng tính thì dễ phóng hỏa. Do vậy mà người dân sống rất đoàn kết, không chỉ ở Nặm Đíp mà làng người Tày nào cũng thế.

Chị Ma Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Giáo dục Thường xuyên huyện Lâm Bình thì kể giờ các cánh đồng bông rộng mênh mông không còn, nghề dệt thổ cẩm nhiều nơi cũng đã mai một nên mới đây huyện khuyến khích các thôn, bản để mà khôi phục lại. Dự án thành lập HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình đã được giải nhì trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” Starup kite năm 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc với sự tài trợ của Nhật. Sau đó, các em học sinh đã mua các mảnh thổ cẩm cổ của bà con để làm ra khăn, áo, mũ, địu… bán cho khách du lịch.

"Huyện không có ma túy, mại dâm, nhiều nhà không có cửa hoặc có cửa nhưng cũng không khóa, nhiều năm liền không có vụ tai nạn giao chết người nào cả". Anh Nguyễn Văn Hiền - Phó Chủ tịch huyện Lâm Bình. 

Thiếu nữ bên sản phẩm của HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thiếu nữ bên sản phẩm của HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Huyện trẻ nhất toàn quốc làm du lịch

Anh Nguyễn Văn Hiền - Phó Chủ tịch huyện Lâm Bình bảo rằng dù là huyện trẻ nhất toàn quốc (thành lập năm 2011) nhưng tôn chỉ từ đó đến nay không đổi thay là giữ rừng, giữ cảnh quan, giữ bản sắc văn hóa của 12 dân tộc.

Tuy là miền núi nhưng Lâm Bình không có lũ ống, lũ quét nhờ có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nhì cả nước 78%, trong đó nguyên sinh chiếm 2/3: “Đến năm 2016 khi chúng tôi bắt đầu quan tâm đến chuyện làm du lịch mới thấy cái quý nhất của huyện là rừng, mà mất rừng là mất tất cả. Khi người dân cảm thấy rừng, cảnh quan có lợi cho mình thì họ sẽ ra sức bảo vệ.

Trước đây, tiếng nói tuy vẫn còn nhưng những ngôi nhà sàn của người Tày bắt đầu mất bởi một số bà con cảm thấy ở khá bất tiện. Nhưng lúc đó Chủ tịch, Bí thư huyện đã làm văn bản cấm mang nhà sàn ra khỏi địa bàn, đến giờ vẫn thế. Nhờ vậy, Lâm Bình đang là huyện giữ nhà sàn tốt nhất toàn quốc, khoảng 10.000 hộ thì có cỡ 7-8.000 cái nhà sàn.

Biểu diễn đàn tính. Ảnh: Dương Đình Tường.

Biểu diễn đàn tính. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đây, trang phục của người Tày, Dao cũng bị mai một, phần bởi bị Kinh hóa và phần bởi trong quá trình lao động nó không tiện, cách mặc lại phức tạp. Từ năm 2016 khi phát triển du lịch, tỉnh mới chỉ đạo huyện phát động trước trong nhà trường, mỗi giáo viên, học sinh có 1 bộ trang phục của dân tộc mình, mỗi tuần mặc 1-2 lần. Sau 2 năm phủ hết toàn huyện và giờ đã đến tận mầm non, từ đó lan tỏa đến người già, người trẻ.  

Trước đây đồng bào khi mặc quần áo của dân tộc mình họ thường hay xấu hổ bởi một số người Kinh đã tạo ra quan niệm mặc quần áo dân tộc  là cổ hủ. Nhưng ngày nay, chúng ngày càng được mặc nhiều, không chỉ trong các lễ hội mà trong cuộc sống hàng ngày xuất phát từ 2 yếu tố.

Thứ nhất là do sự tuyên truyền của chính quyền để người dân nghĩ phải trở lại với trang phục truyền thống bởi vì nó là nét đẹp văn hóa đáng tự hào. Nếu không giữ được như thế thì sau này mất đi họ có còn dám nhìn tổ tiên dưới suối vàng hay không. Huyện còn quy định cán bộ mỗi tuần phải mặc trang phục truyền thống ít nhất 1 lần.

Thứ hai là do biến các sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch, khi người dân có thu nhập thì họ lại bảo tồn, phát huy rất tốt như dệt thổ cẩm, hát then, hát cọi. Nhiều du khách đến, thấy người dân mặc trang phục truyền thống đã phản hồi rất tích cực rằng: “Bạn mặc trang phục như thế này, giữ những truyền thống như thế này thì chúng tôi mới đến Lâm Bình”.

Một góc yên bình homestay ở Nặm Đíp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc yên bình homestay ở Nặm Đíp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi đã đi một số nơi phát triển du lịch nhưng nói thật hầu hết đều là văn hóa diễn chứ ở đây không như thế. Người quản lý, từ cán bộ huyện, xã ban đầu cũng không hiểu du lịch cộng đồng là gì nên phải đi học. Khó nhất là thay đổi tư duy của nông dân, vốn chỉ quen làm kiểu tự cung tự cấp, giờ chuyển đổi sang phục vụ. Hiện huyện có khoảng 50 homestay trong đó nhiều nhất ở xã Thượng Lâm và Lăng Can.

Khi khách đến kể cả tín ngưỡng cũng chấp nhận có sự thay đổi. Như nhiều dân tộc trên này rất kiêng người lạ đến nhà. Trước đây có việc là mỗi đoàn khách đến thì chủ nhà phải báo cáo tổ tiên vì sợ. Sau vài lần bước qua rào cản tâm linh đó, cũng là báo cáo tổ tiên giờ lại trở thành nét đẹp văn hóa, kiểu như tôi trân trọng khách đến mức phải báo cáo tổ tiên thế này.

Có những đoàn khách Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha rất thích kiểu homestay cộng đồng của Lâm Bình, thậm chí còn thích ngửi mùi… phân trâu, phân bò ngai ngái. Họ bảo đi nhiều chỗ không có mùi đó, nó gợi nhớ về mùi đồng quê, có thể ngày xưa nước họ cũng như thế nhưng giờ đã mất rồi”... Chuyện mải chuyện mê, đến khi anh Hiền ra về, tôi nhìn đồng hồ thì đã gần 11 giờ tối.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.