Ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về tình hình sản xuất công nghiệp, cung ứng hàng hóa thiết yếu và kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản của địa phương trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh này.
Theo báo cáo của Bắc Giang, tính đến 17h30 phút ngày 24/5, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.024 ca Covid-19, chủ yếu là công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu. Do đó, Bắc Giang đã tạm dừng hoạt động 4/5 Khu công nghiệp, 340/344 doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp tạm đóng cửa với 172.000 công nhân ngừng việc.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, về vấn đề nông sản hiện có nhiều sản phẩm đến kỳ thu hoạch, lớn nhất là vải thiều đã vào vụ thu hoạch sớm.
Ước tính, năm nay trái vải thiều được mùa, khả năng đạt 180.000 tấn, trong đó 45.000 tấn đã vào vụ tiêu thụ và từ 10/6 sẽ vào chính vụ với khoảng 135.000 tấn. Ngoài ra, còn khoảng 9.000 tấn dứa cũng đang vào vụ thu hoạch, gà khoảng 1.700 tấn, lợn 5.600 tấn, với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.
Do một số địa bàn bị giãn cách để đảm bảo an toàn phòng dịch nên rất khó khăn cho tiêu thụ tất cả các mặt hàng này.
Thông tin thêm, ông Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang cho hay cùng với sự nỗ lực của địa phương trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch để sớm đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động, tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ hàng hóa nông sản trên các các kênh truyền thống và thương mại điện tử.
“Tỉnh Bắc Giang kiến nghị có sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để lưu thông hàng hóa được tốt hơn,” ông Dương Văn Thái Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang nói.
Trước các vấn đề hiện nay, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ tăng cường các biện pháp để đồng hành và hỗ trợ Bắc Giang cũng như các địa phương có dịch trong chức năng, nhiệm vụ của mình.
Cụ thể, về xuất khẩu trái vải, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi đề nghị Bắc Giang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua thương mại điện tử; đảm bảo vùng trồng không Covid. Ngoài ra, địa phương cần theo dõi tâm lý người tiêu dùng và kịp thời các biện pháp truyền thông để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Trong bối cảnh dịch bệnh, để đảm bảo hàng hóa đầy đủ phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt người dân tại các khu cách ly, Bộ Công Thương sẵn sàng là cầu nối để điều phối hàng hóa thiết yếu hỗ trợ nếu Bắc Giang có nhu cầu. Lực lượng quản lý thị trường cũng đang theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ nhu cầu đối với quả vải Bắc Giang vẫn rất cao, nhưng một phần khó khăn đang ở các cửa khẩu. Bộ Công Thương sẽ làm việc với các địa phương biên giới để phối hợp, hỗ trợ hàng hóa nông sản được vận chuyển từ Bắc Giang lên khu vực cửa khẩu.
Tuy vậy, ông đề nghị Bắc Giang cần làm đúng theo hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch theo công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 1/3/2021 mà Bộ Công Thương đã gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa.
Trong khi đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Bắc Giang làm việc với Bộ Y tế để cấp các chứng nhận đảm bảo chất lượng về y tế của sản phẩm, tạo lòng tin về số lượng, chất lượng, quy cách đối với các thương nhân không thể đến thu mua trực tiếp vì dịch bệnh.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh 3 mục tiêu lớn trong thời gian tới mà ngành Công Thương cần khẩn trương vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ Bắc Giang vượt qua khó khăn dịch bệnh là: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt sản phẩm vải thiều; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu; khôi phục sản xuất đi đối với đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Bộ Công Thương và Bắc Giang thống nhất thị trường trong nước là quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại, theo đó “những năm trước chỉ 50% thì giờ phải lên gấp rưỡi” đồng thời nhấn mạnh khó khăn từ dịch bệnh cũng sẽ chính là cơ hội để thực hiện các giải pháp tối ưu hóa thị trường 100 triệu dân.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối cung cầu, tận dụng nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử để đưa sản phẩm tiêu thụ trong, ngoài nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, cửa khẩu để bảo đảm thông quan dễ dàng, thuận lợi hơn nữa, ưu tiên luồng xanh ở các cửa khẩu chính ngạch cho sản phẩm vải thiều…