Dưới góc độ sinh lý, dù ở vai trò là thành phần cấu trúc của nhiều loại enzyme hay là yếu tố kích hoạt, kẽm (Zn) đều tham gia vào hầu hết các quá trình biến dưỡng phức tạp và quan trọng trong tế bào thực vật như quang hợp, sinh tổng hợp protein, biến dưỡng chất điều hòa sinh trưởng auxin…
Về hiệu quả sử dụng phân bón, kẽm (Zn) giúp cho việc tăng cường khả năng sử dụng đạm và lân trong cây. Thiếu kẽm có thể làm giảm năng suất tới 50% mà không biểu hiện triệu chứng gì.
Mặc dù kẽm (Zn) có vai trò quan trọng là vậy nhưng thực tế việc đảm bảo đủ cho nhu cầu của cây trồng vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, hầu hết đất nông nghiệp nói chung, sau thời gian dài canh tác cộng với việc bón phân mất cân đối, nếu không được cải tạo sau mỗi mùa vụ sẽ dẫn đến tình trạng cằn cỏi, chua hóa làm ảnh hưởng khả năng hấp thu của cây đối với các yếu tố dinh dưỡng thiết yếu trong đó có kẽm (Zn).
Thứ hai là việc sử dụng các loại phân bón kẽm thông thường tan trong nước sẽ dễ bị thất thoát do rửa trôi, trực di hoặc cố định dẫn đến phải tăng lượng bón nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ thực tế đó, việc nghiên cứu đưa vào sử dụng nguyên liệu kẽm thông minh trong sản xuất phân bón được xem là hướng cải tiến mang ý nghĩa thiết thực.
Kẽm thông minh có ưu điểm gì?
Sự khác biệt so với các loại kẽm thông thường dạng muối (ZnSO4.H2O, ZnCl2…) hay chelate (Zn-EDTA), kẽm thông minh thực chất là một dạng polymer vô cơ được tạo thành từ hỗn hợp của nguyên tố Zn và axit phosphoric theo tỷ lệ nhất định và ở điều kiện nhiệt độ, áp suất thích hợp. Ưu điểm của hợp chất này là đặc tính bền vững trong môi trường nước và chỉ tan trong môi trường axit yếu do rễ cây tiết ra trong quá trình hấp thu dinh dưỡng từ môi trường đất.
Hay nói cách khác, sau khi bón vào đất kẽm thông minh sẽ không mất đi theo các con đường thất thoát của kẽm thông thường mà tồn tại ổn định quanh vùng rễ và chỉ được cây trồng “chủ động” hấp thu khi cần. Điều này giúp cho việc đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vi lượng kẽm cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Bên cạnh đó, trong thành phần kẽm thông minh còn chứa cả lân (P) và Ma-nhê (Mg) theo tỷ lệ 18,8% Zn, 14,9% P, và 8,4% Mg. Do đó, khi rễ cây tiết axit để hấp thu kẽm sẽ đồng thời được cung cấp cả P và Mg là các yếu tố dinh dưỡng đa lượng và trung lượng rất cần thiết cho cây.
Trong các thí nghiệm nông học chính quy và diện rộng nhằm mục đích đánh giá hiệu quả sinh học của smart zinc trên cây lúa được tiến hành tại Khu thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP Phân bón Bình Điền và một số tỉnh ĐBSCL đã cho kết quả mang tính thuyết phục cao.
Theo đó, các công thức phân bón được bổ sung smart zinc với hàm lượng 2 kg/ha và 4 kg/ha cho hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng tốt được thể hiện qua việc cải thiện các chỉ tiêu số nhánh, số bông/m2, số hạt chắc/bông, trọng lượng 1000 hạt và nhất là năng suất thực tế tăng 9 – 16 % so với công thức đối chứng. Đánh giá hiệu quả kinh tế ở các thí nghiệm diện rộng cũng cho thấy công thức phân bón sử dụng smart zinc giúp tăng lợi nhuận so với đối chứng từ 17 – 33%.
Cùng với rất nhiều kết quả thử nghiệm trên các đối tượng cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, thanh long… Công ty CP Phân bón Bình Điền đã đẩy mạnh ứng dụng kẽm thông minh vào các sản phẩm phân bón NPK để thương mại hóa như với cây ăn trái là các sản phẩm Đầu Trâu AT1, AT2, AT3, Đầu Trâu Nuôi trái
Với cà phê là các sản phẩm Đầu Trâu tăng trưởng, Đầu Trâu chắc hạt, Đầu Trâu mùa khô và Đầu Trâu mùa mưa… nhằm góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân nhất là trong bối cảnh ngành trồng trọt chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH như hiện nay.