| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 02/05/2022 , 15:01 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

15:01 - 02/05/2022

Văn hóa ăn uống và ăn uống văn hóa

Vụ ăn hải sản hết hơn 42 triệu đồng làm dư luận quan tâm, nhưng ngoài vấn đề chặt chém thì ít người đề cập đến vấn đề văn hóa và quản trị xã hội.

Ảnh mang tính minh họa.

Ảnh mang tính minh họa.

Tổng số thực phẩm là 37.7kg, trong đó riêng các loại không có vỏ nặng (tức gần như ăn được hết!) gồm tôm - cá - mực là 20.8kg. Như vậy, với 22 người ăn, mỗi người trung bình sẽ phải ăn hết gần 2kg, riêng loại không có vỏ là mỗi người gần 1kg. Đó là chưa tính 41 chai bia. Cả hóa đơn hơn 42 triệu đồng không một cọng rau!

Chuyện giá cả thì chúng ta chưa bàn, nhưng rõ ràng với một thực đơn “khủng” như thế thì khó mà ăn hết được, nếu không nói là không thể. “Đói con mắt” và “cả thèm chóng chán”, đó là một trong những biểu hiện trong đặc điểm ăn uống của người Việt.

Nhà văn Võ Phiến từng viết: “Trong các lãnh vực văn học, triết học, hành chánh, kỹ thuật nông nghiệp... ta phải mượn vô số tiếng của người, kho ngôn ngữ ta lổn nhổn đầy tiếng Hán Việt. Nhưng khi vào bếp thì ta ngẩng cao đầu, không cần học theo ai, không mượn tiếng nói của ai cả” (Trích, Sống và Viết). Cũng từ ngôn ngữ mà nhìn, ta sẽ thấy, từ “ăn” là từ có nhiều nghĩa nhất trong tiếng Việt, từ “ăn uống” đến “ăn ảnh” rồi sang cả “ăn nằm”. Cái này có thể coi là một đặc trưng văn hóa khó lẫn của người Việt ta.

Từ trong cái chiều sâu ấy, tiếp nối những cơn đói chưa xa hồi cuối thế kỷ vừa rồi, còn ám ảnh đến bây giờ thông qua cách ăn. Những chuyến du lịch của người Việt thường nghèo nàn, khổ sở, hành xác vì không có một đời sống văn hóa đủ dày để làm vui, và nó vốn đang là màu sắc chung. Bù lại, người ta dùng việc ăn uống và gọi món vô tội vạ để lấp vào. Thói quen vô độ, lãng phí ấy, trên thực tế, đang là một “căn bệnh” của người Việt, bên cạnh nhiều “căn bệnh văn hóa” khác.

Trên trang cá nhân của mình, tiến sĩ Nguyễn Phượng (hiện đang giảng dạy tại Hàn Quốc) viết:

Năm 2017 Chính phủ Hàn Quốc ra một nghị định đặc biệt về mức tiêu dùng ở quán ăn, nhà hàng.

Theo đó, trong các bữa tiệc chiêu đãi mỗi thực khách chỉ được phép dùng suất ăn không quá 30 000 krw tức tương đương 600 000 đồng tiền Việt.

Điều đó có nghĩa là, anh có thể được chiêu đãi ăn ở nhà hàng một suất ăn lên tới 29 999 krw thì vẫn không sao nhưng một khi đã chạm tới con số 30 000 krw là người chi tiền sẽ bị phạt hành chính thậm chí có thể bị truy tố.

Nghị định này ngăn chặn mọi hình thức hối lộ qua tiệc tùng và ăn uống lãng phí.

Thu nhập bình quân đầu người ở HQ năm 2020 là 31.755 USD/năm. Còn thu nhập bình quân đầu người của VN năm 2020 là 2.786 USD/năm.

Vậy mà 22 người Việt Nam ăn một bữa ăn ở nhà hàng như nào? 42.500.000 đồng!Tính ra mỗi người ăn hết 1.931.818 đồng/suất.

Ở Hàn Quốc là các vị toi rồi!

Rồi ông kết luận:

Mục tiêu mà Đảng và nhà nước Việt Nam đặt ra rất đẹp: "Xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh!".

Cho dù đích đến văn minh có thể xếp thứ tự cuối cùng của slogan nhưng không vì thế mà Chính phủ và nhà nước cho phép công dân của mình ăn uống một cách... man rợ như thế được!

Hơn nữa, người dân nước mình còn nghèo, thu nhập của đại đa số dân chúng còn thấp hơn rất nhiều so với thế giới, bởi vậy, theo tôi, Chính phủ nên sớm ra nghị định phạt tiền, truy tố những công dân ăn tiêu phí phạm như tất cả các nước giàu có văn minh khác.

Để kiến tạo con người và xã hội văn minh, tất nhiên còn rất nhiều việc phải làm, nhưng người dân nâng cao ý thức qua sự “tự biết mình” và nhà nước tăng cường quản lý bằng chính sách và luật pháp là hai yếu tố quan trọng bậc nhất. Trong đó, hình thành văn hóa không gì nhanh bằng sự áp dụng luật một cách nghiêm minh, câu chuyện về đội mũ bảo hiểm hiệu quả đến thế nào chắc chúng ta vẫn chưa quên.

Nguyễn Trường Tộ viết “Nếu tận dụng cái lẽ công bằng ở trong luật mà xử sự thì mọi quyền, pháp đều là đạo đức. […]. Chỉ sợ con người không tận dụng luật mà thôi. Nếu tận dụng cũng đủ đạo trọn vẹn làm người rồi, bất tất phải đi tìm cái gì khác (Trích, Bản điều trần số 27).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm