“Tiếng lành đồn xa...”. Cái gốc của “tiếng lành” chính là chất lượng và giá cả sản phẩm. Với bất cứ nhà sản xuất nào, khi có sản phẩm tốt, giá bán phù hợp thì việc tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức đa cấp vẫn là sự lựa chọn tối ưu.
>> Đa cấp, sinh ra từ cuộc sống
Nhiều nhà sản xuất, tuy không chọn nhưng cuối cùng sản phẩm của họ lại vẫn cứ chịu sự điều chỉnh của hình thức tiêu thụ này, bởi chia sẻ thông tin, trong đó có thông tin tiêu dùng, đã trở thành một nhu cầu của xã hội, và vì thế nên chúng vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà sản xuất. Những “lời đồn”, tức là đa cấp, có những ưu thế mà quảng cáo không thể nào có được.
Thứ nhất, là khi chia sẻ với ai về chất lượng và giá cả của một sản phẩm theo hướng “tiếng lành”, thì người chia sẻ chính là những người đã sử dụng sản phẩm, đã cảm nhận được tính ưu việt của sản phẩm đó.
Thứ hai, những người được chia sẻ thường là người nhà, họ hàng hay bạn bè thân... của người chia sẻ, những thông tin chia sẻ được đón nhận qua lòng tin, qua tình thân, nên hiệu quả hơn nhiều. Không ai phủ nhận lợi thế của quảng cáo qua truyền thông, với trình độ ngày càng cao của những nhà quảng cáo chuyên nghiệp. Nhưng trình độ cao, quảng cáo hấp dẫn với chất lượng và giá cả sản phẩm có phù hợp với nhau hay không lại là chuyện khác. Quãng năm 1970, tình cờ tôi được một người bạn đưa cho một quyển “Truyện Kiều”, in vào quãng đầu thế kỷ XX.
Đọc, tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy nhiều đoạn trong đó đã bị người ta sửa để quảng cáo cho một loại sữa của một công ty. Rằng chị em Thuý Kiều - Thuý Vân chỉ vì uống sữa của họ “còn các sữa khác chẳng thèm ngó qua” nên mới xinh đẹp đến mức “Một hai nghiêng nước nghiêng thành/Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” như vậy. Khi xẩy cơn gia biến, bọn sai nha “đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” kéo đến nhà Vương Ông, nhưng chúng chẳng để ý gì đến “đồ tế nhuyễn, của riêng tây” mà chỉ chăm chăm lục tìm xem trong nhà có thứ sữa của họ không để “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”... Quảng cáo đến thế là siêu giỏi, nhưng không hiểu sao loại sữa đó vẫn chưa chiếm được vị thế cao trong “thế giới sữa”.
Xin lỗi bạn đọc vì tôi đã làm mất thì giờ của bạn quá nhiều. Xin trở lại chủ đề chính. Thời gian gần đây, tôi bị chinh phục hoàn toàn bởi những sản phẩm của công ty A. Đó là một công ty ngoại quốc, có tuổi đời trên 50 năm, có mặt ở hơn 100 nước trên địa cầu. Tại Việt Nam, những sản phẩm của họ mới vào được trên 5 năm, nhưng sức chinh phục của sản phẩm đó thì rất lớn.
Muốn tìm hiểu về những sản phẩm của họ qua sự quảng cáo ở truyền thông, thì ta sẽ thất vọng, bởi công ty này không bao giờ chi một đồng vào việc đó. Tự tin vào sản phẩm của mình là “vàng mười”, nên nhà sản xuất quyết không đem “bán rao” (vàng mười ai nỡ bán rao - Ca dao). Họ chọn hình thức tiêu thụ đa cấp thông qua hệ thống các nhà phân phối sản phẩm. Từ chỗ chính mình bị chinh phục bởi chất lượng và giá cả sản phẩm, những nhà phân phối đi chia sẻ thông tin, xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình và được hưởng tiền công tùy theo mức độ lớn nhỏ của hệ thống mà anh ta xây dựng được. Không một ai khi trở thành nhà phân phối của họ phải nộp một khoản tiền hay phải mua một loại sản phẩm nào nếu chưa muốn mua. Điều kiện để trở thành nhà phân phối rất đơn giản: chỉ cần làm một cái thẻ mua hàng với mức phí 250 ngàn đồng.
Bù lại, nhà phân phối sẽ được giảm giá 15% khi vào siêu thị của hãng mua hàng, được phát mỗi tháng một cuốn tạp chí của hãng trong một năm và được đào tạo miễn phí nếu có nhu cầu học. Bán bất cứ một sản phẩm nào của hãng cho khách, nhà phân phối đa cấp cũng phải ghi hóa đơn. Và nhà sản xuất sẽ kiểm soát qua hệ thống hóa đơn đó. Chỉ cần hãng phát hiện nhà phân phối bán một loại hàng vượt giá hay thấp hơn giá quy định của hãng là sẽ bị tước vĩnh viễn quyền phân phối. Một trong những ưu việt nữa của nhà sản xuất này là họ đưa sản phẩm của họ trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị và điểm giao hàng miễn phí của chính họ. Hiện tại ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, họ đã có siêu thị riêng, và 47/63 tỉnh, thành trên cả nước đã có điểm giao hàng miễn phí. Điểm ưu việt thứ hai là hãng có cả một học viện ở Hà Nội, những nhà phân phối của hãng sẽ được đào tạo miễn phí tại học viện này từ phương pháp kinh doanh đến những kiến thức về sản phẩm...
Đội ngũ các nhà phân phối của công ty A rất đông, và rất phong phú về nghề nghiệp cũng như vị trí xã hội. Giảng viên các trường đại học, cao đẳng có, giáo viên các trường từ tiểu học đến PTTH có, công nhân, nông dân, người buôn bán nhỏ, chủ cửa hàng nhỏ, chủ doanh nghiệp có. Tiến sỹ, thạc sỹ ở các cơ quan nghiên cứu có, công chức có, quan chức có. Thậm chí một vị đứng đầu một tỉnh cũng bị chinh phục bởi những sản phẩm của hãng và trở thành nhà phân phối...
Từng theo chân “nhà phân phối” của một số công ty hay nhóm người đa cấp lừa (tạm gọi là nhà phân phối X để dễ phân biệt) với mục đích điều tra, và nay lại theo chân một số nhà phân phối của công ty A (xin gọi là nhà phân phối Y) với mục đích chứng kiến cách chia sẻ thông tin của họ, tôi thấy hai cách làm việc khác hẳn nhau. Do mục đích không trong sáng nên những nhà phân phối loại X thường rất đại ngôn, đưa ra những mức thù lao rất hấp dẫn, quảng bá sản phẩm rầm rộ và hoành tráng. Ví như để bán một số loại thực phẩm chức năng ở nông thôn, có nhà phân phối loại X đã về xã tổ chức hẳn một chiến dịch khám bệnh miễn phí cho dân.
Đội ngũ bác sỹ do họ thuê tất nhiên đã phối hợp với họ rất nhịp nhàng trong quá trình khám. Kết quả hầu như ai cũng được bác sỹ tư vấn là nên dùng loại thực phẩm chức năng này, thực phẩm chức năng khác do họ chuẩn bị sẵn. Đến đâu, các nhà phân phối loại X cũng ra sức chèo kéo người khác mua hàng hay nộp tiền để cũng trở thành nhà phân phối như mình. Trái lại, những nhà phân phối loại Y có cách làm việc lặng lẽ hơn. Nội dung của những buổi chia sẻ đó thường được chia làm mấy phần chính.
Có thể nói đa cấp là một nhu cầu tự thân của mỗi con người, với mục đích chia sẻ và được chia sẻ thông tin, để lựa chọn cho mình những hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ tốt nhất, “đáng đồng tiền bất gạo” nhất. Chính vì là nhu cầu tự thân của mỗi con người, nên nó đã trở thành một nhu cầu của xã hội. |
Đầu tiên, họ giới thiệu về hãng, về chiến lược phát triển của hãng, với mong muốn tạo cho người được chia sẻ một cơ hội kinh doanh để thay đổi cuộc sống của chính mình. Tiếp theo là nói về sản phẩm. Do tự tin vào chất lượng, giá cả và nguồn gốc rõ ràng của những sản phẩm của mình nên sau khi giới thiệu tính năng, nguồn gốc... sản phẩm, họ chỉ minh họa sản phẩm để cho người được chia sẻ thấy tận mắt tính ưu việt những sản phẩm đó và tư vấn cách sử dụng, rồi để người nghe tự quyết định chứ không nài nỉ người được chia sẻ phải mua hàng.
Cuối cùng là giải đáp những thắc mắc hay những câu hỏi sâu của đối tác. Khi người được chia sẻ thực sự có nhu cầu sử dụng sản phẩm, họ sẽ tạo điều kiện cho đối tác làm thẻ mua hàng, tấm thẻ mua hàng của hãng ghi rõ là “thẻ bán hàng đa cấp”, đối tác sẽ tự về siêu thị của hãng mua hàng để được hưởng nhiều ưu đãi, hoặc hướng dẫn đối tác cách đặt hàng qua mạng, chuyển tiền vào tài khoản của hãng rồi đến điểm giao hàng miễn phí nhận hàng, chứ rất ít khi họ bán hàng trực tiếp. Những buổi chia sẻ của những nhà phân phối loại Y thường chỉ có một nhà phân phối và dăm ba người được chia sẻ, với không khí thân tình, tâm sự. Cũng có khi họ tổ chức giao lưu giữa nhiều nhóm, tổ khác nhau, với mục đích để các nhà phân phối trao đổi kinh nghiệm, nhưng những buổi giao lưu đó cũng không quá đông người. (Hết)