| Hotline: 0983.970.780

Vay vốn quỹ khuyến nông nhìn từ huyện Hoài Đức

Thứ Tư 21/10/2020 , 10:58 (GMT+7)

Trong khi huyện thị khác có nhiều hộ được xem xét phương án vay vốn khuyến nông thì Hoài Đức năm nay chỉ có 1. Vậy, những thủ tục nào cần phải đáp ứng?

Chuyện của ông Thả

Hoài Đức là huyện có tốc độ đô thị hóa cao của Hà Nội, bởi vậy tỷ trọng cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi mạnh với thương mại dịch vụ chiếm 51,7%; công nghiệp-xây dựng 42,66%; nông nghiệp 5.62%. Trong hơn 10 năm trở lại đây địa phương này đã có trên 1.600ha đất nông nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm đô thị, giao thông, công nghiệp…hiện chỉ còn lại khoảng 1.200ha để canh tác. Bởi vậy, tái cơ cấu lại sản xuất, khai thác tối đa giá trị đất đai, nâng cao thu nhập cho người dân là một điều phải làm bởi dẫu sao nông nghiệp vẫn là kế sinh nhai của hàng vạn gia đình, liên quan đến vấn đề an sinh xã hội ở nông thôn. Thực tế hiện nay có nhiều hộ nông dân của Hoài Đức có nhu cầu vốn lãi thấp để phát triển sản xuất nhưng lại chưa được tiếp cận được nên phải vay từ nhiều nguồn khác, lãi cao hơn.  

Ông Nguyễn Đình Thả ở thôn Cát Ngòi xã Cát Quế là trường hợp duy nhất của huyện năm nay đang được xem xét phương án vay vốn từ quỹ khuyến nông. Nhà ông nuôi 3.000 gà đẻ giống Ai Cập, trước đây từng muốn vay quỹ khuyến nông nhưng không được vì mảnh đất chưa chính chủ, sổ đỏ chưa mang tên mình: “Lúc đó tôi phải vay quỹ tín dụng của địa phương 150 triệu với lãi suất hơn 1%/tháng, còn cao hơn cả lãi ngân hàng nhưng đành chấp nhận. Giờ đất đã sang tên, thế chấp được nên tôi đăng ký vay quỹ khuyến nông 200 triệu để phát triển sản xuất vì mức lãi chỉ có 0,5%/tháng”.

Ông Thả đang kiểm tra đàn gà Ai Cập. Ảnh: NNVN.

Ông Thả đang kiểm tra đàn gà Ai Cập. Ảnh: NNVN.

Thủ tục vay vốn quỹ khuyến nông rất chặt chẽ từ lúc đăng ký đến khi giải ngân thường phải chờ 1-2 tháng mới được nhận tiền vì qua nhiều vòng thẩm định lần 1, 2, 3 rồi mới duyệt làm thủ tục ra công chứng thế chấp tài sản. Trong quá trình đó cán bộ quản lý quỹ phải hỏi lãnh đạo thôn, lãnh đạo xã xem xét cả tư cách cá nhân của người vay như có chăm chỉ làm ăn, có nợ nần dây dưa, có máu đỏ đen cờ bạc không…Vướng mắc về tài sản thế chấp là khó khăn chung của nhiều hộ dân ở huyện Hoài Đức khiến cho họ e ngại.

Anh Nguyễn Quang Tuyến - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Hoài Đức cho biết cứ đầu năm và giữa năm đơn vị lại ra thông báo cho từng xã về các điều kiện vay quỹ khuyến nông nhưng có nhiều lý do khiến cho người dân khó tiếp cận: Tài sản thế chấp là đất thổ cư ở đây mỗi hộ thường có diện tích bé chỉ 100-150m2 mà áp giá theo Nhà nước chỉ bằng cỡ 1/5-1/10 giá thị trường nên không thể đủ; Quy hoạch chăn nuôi phải ra khỏi khu dân cư trong khi cả huyện lại chưa có khu chăn nuôi tập trung nào. Để tránh ô nhiễm môi trường cho làng xóm một số hộ đã xử lý phân bằng đệm lót sinh học bằng bể biogas nhưng vẫn chưa triệt để  còn phần lớn chất thải đều bị tống ra hệ thống cống rãnh rất bẩn.

Nếu vay được vốn quỹ khuyến nông ông Thả sẽ mở rộng sản xuất dễ dàng hơn. Ảnh: NNVN.

Nếu vay được vốn quỹ khuyến nông ông Thả sẽ mở rộng sản xuất dễ dàng hơn. Ảnh: NNVN.

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ hồi làm các thủ tục để chuyển đổi từ huyện lên quận trên địa bàn Hoài Đức đã có hàng trăm trường hợp người dân tự ý xây dựng công trình nhà ở, xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp nên địa phương này đã siết chặt việc quản lý. Tuy nhiên có nhiều hộ sản xuất nông nghiệp chính đáng nhưng do chưa nằm trong vùng quy hoạch cũng bị ảnh hưởng theo. Nếu như trước đây huyện có hơn 10 hộ được vay vốn quỹ khuyến nông để phát triển sản xuất thì giờ ngay từ khâu làm phương án vay, ra UBND xã để xin xác nhận cho cũng không thể được nếu chưa nằm trong quy hoạch dù trên thực tế ở đó đã hình thành cả một vùng sản xuất quy mô, khá quy củ từ lâu.

Năm nay có mấy phương án vay vốn bị hủy bỏ là vì thế, chỉ còn mỗi phương án của ông Thả là khả thi vì có diện tích thổ cư rộng đến hơn 1.000m2- một điều rất hiếm hoi ở ngoại thành Hà Nội. Anh Tuyến kiến nghị: “Theo tôi phải áp giá đất đai sát với thực tế hơn, thủ tục ủy quyền thế chấp tài sản cũng như thủ tục hành chính cần đơn giản, nhanh gọn hơn mới tháo gỡ được những khó khăn này”.

Chuyện cả làng lan

Một giò lan nhỏ cũng có thể được định giá cả trăm triệu đồng. Ảnh: NNVN.

Một giò lan nhỏ cũng có thể được định giá cả trăm triệu đồng. Ảnh: NNVN.

Với lợi thế là vùng ven của một đô thị gần 10 triệu dân, đến nay nhiều diện tích trồng lúa, trồng màu của Hoài Đức đã được người dân nhanh nhạy chuyển sang trồng hoa, cây cảnh. Trên 270 ha hoa, cây cảnh được phát triển ở hai xã Đông La và An Thượng cho thu nhập đến trên 250 triệu/sào/năm đặc biệt cao trên đối tượng trồng phong lan rừng. Bắt đầu mở nghề từ những thập niên 90 của thế kỷ trước, từ một vài nhà vườn nhỏ lẻ đáp ứng nhu cầu chơi của người dân trong xã đến nay Đông La đã có 20-25 ha lan, trên 200 nhà vườn, hình thành mạng lưới tiêu thụ rộng khắp lớn nhất nhì miền Bắc về lan.

Cái hay của hoa lan là hộ gia đình nào cũng có thể trồng được chỉ với  không gian từ 20-30 m2 trở đi là có thể sản xuất mang tính hàng hóa. Nhiều hộ đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô, nâng cao tay nghề để thuần hóa hàng loạt dòng lan rừng đặc biệt là lan đột biến độc, lạ, đắt mà điển hình là giò lan Bạch Tuyết Á Hậu được giao dịch nhiều tỉ đồng mới đây. Cách thức giao dịch giờ không chỉ bó hẹp trong không gian trực tiếp dưới đất mà còn mở rộng lên không gian trên mạng rất nhộn nhịp. Những hộ mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng là rất bình thường còn những hộ trồng quy mô lớn hơn, nhiều loại quý  hơn có thể thu nhập 1-2 tỷ đồng.

Một cơ sơ sở sản xuất lan ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Một cơ sơ sở sản xuất lan ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Khác với nhiều việc các làng nghề thủ công truyền thống càng đẩy mạnh quy mô càng đối diện với các vấn đề ô nhiễm môi trường rất nan giải từ chất thải, nước thải, khí thải, làng lan càng phát triển thì môi trường càng được cải thiện vì gần như không phải dùng đến mấy hóa chất độc hại. Trong Nghị định số 52 mới đây Chính phủ đã xác định sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh là một trong 7 nhóm ngành quan trong trong phát triển kinh tế nông thôn. Các cơ quan, ban ngành của Hà Nội cũng đã có những  khảo sát để đề xuất công nhận Đông La là làng nghề truyền thống trồng lan đầu tiên của toàn quốc. Từ một thú chơi, lan đã là một ngành kinh tế sinh thái, văn hóa đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vay vốn của bà con ở đây vẫn còn nhiều điều cần phải xem xét, tháo gỡ.  

Anh Nguyễn Đăng An-nhân viên phụ trách quỹ khuyến nông của huyện Hoài Đức cho hay nhiều hộ trồng lan do trong thôn xóm chật chội phải lập trại ở ngoài đồng nhưng khi xin xã xác nhận để vay vốn thì không được vì trên giấy tờ đó vẫn là đất lúa. Thêm vào đó  lan đột biến quý hiếm hiện giờ có thể được đẩy giá lên đến mấy trăm triệu nhưng vốn quỹ cũng chỉ cho vay tối đa được 500 triệu thì khó đáp ứng đủ cho nhu cầu...Ngược lại phía cán bộ thẩm định của quỹ cũng cảm thấy bất an trước mức giá khá bất thường đó nên cũng không dám cho vay.       

Cũng tương tự như Hoài Đức là huyện Đông Anh đang trong quá trình lên quận tuy nhiên cái khác là bình quân diện tích đất thổ cư của mỗi hộ ở đây khá rộng để thế chấp nhưng khi mang phương án sản xuất ra xã xin xác nhận thì rất khó khăn. Nguyên nhân: Thứ nhất là chưa nằm trong vùng quy hoạch; Thứ hai nằm trong vùng thổ cư, có nguy cơ ô nhiễm môi trường...

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.