| Hotline: 0983.970.780

Về Sa Huỳnh xem nhúng nước lưới

Thứ Tư 25/01/2023 , 06:07 (GMT+7)

“Nhúng nước lưới” là tên gọi của một lễ hội miền biển, được truyền tụng từ đời này sang đời kia ở Sa Huỳnh.

Lễ nghinh thần ngoài biển.

Lễ nghinh thần ngoài biển.

Bên cạnh đó, lễ hội còn có các tên gọi lễ hạ nghệ (xuống nghề), lễ cúng nghề, lễ ra nghề, lễ khai lạch... Tất cả các tên gọi này đều mang chung ý nghĩa biểu trưng cho việc bắt đầu vào nghề trong năm mới.

Nội dung chính của lễ hội bao gồm 2 phần là nghi lễ và vui hội. Nếu nghi lễ là cách thức ứng xử của con người trần thế với thế giới tâm linh, thì phần hội vui hội là sự thể hiện con người trong mối quan hệ với cộng đồng và thiên nhiên đang chung sống.

Suốt dọc biển vùng duyên hải miền Trung, đặc biệt là từ vùng tiệm cận dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang) trở vào, hầu như ở đâu cũng có lễ hội Cúng Bà - Cầu ngư đầu năm, một sinh hoạt tín ngưỡng – văn hóa mang đậm dấu ấn dung hợp văn hóa Việt Chăm. Tuy nhiên, chỉ duy nhất ở ở Sa Huỳnh (cực nam tỉnh Quảng Ngãi) lễ hội diễn ra đúng vào dịp tết Nguyên đán.

Thực tế, mùa đánh bắt cá (cá cơm, cá chuồn, cá nục...) ở các ngư trường miền Trung chỉ bắt đầu sớm nhất vào khoảng trung tuần tháng Hai âm lịch. Cuối tháng chạp qua đầu tháng giêng, mặt dù gió đông nam đã xuất hiện, nhưng tiết trời chưa thật ấm áp, phiêu sinh vật chưa nhiều, các đàn cá chưa quây tụ đông đúc. Thời gian từ đầu năm (sau tết Nguyên đán) đến giữa tháng Hai âm lịch, ngư dân lo việc mua sắm, sửa chữa ngư cụ, tàu thuyền, chuẩn bị lương thực, thưc phẩm và các vật dụng thiết yếu khác cho chuyến ra khơi dài ngày.

Hát múa bả trạo (Thạch Bi, Sa Huỳnh).

Hát múa bả trạo (Thạch Bi, Sa Huỳnh).

Vì vậy, trong lễ hội Nhúng nước lưới Sa Huỳnh, ngày xuống nghề, ra nghề chỉ mang tính tượng trưng (nhúng nước lưới) mà chưa phải là ngày thực sự bắt đầu giong buồm ra khơi đánh cá. Nói rõ hơn, lễ Nhúng nước lưới ở Sa Huỳnh chính là lễ cúng đầu năm, xuống lưới lấy ngày của cư dân ven biển làm nghề đánh bắt cá mà không phải là lễ Cúng mùa.

Cũng vì đây là một lễ tiết cúng và dịp đầu năm, cho nên trong lễ Tiên thường (tiến hành vào canh ba đêm mùng 2, sáng ngày mùng 3 tết), người ta tiến hành nghi thức “cáo” ở lăng Ông, miếu Bà (Thiên Y, Thủy Long), miếu Thổ thần, Nghĩa tự và trước bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình ngư dân để bẩm báo thần linh, tiên linh việc khai lạch đầu năm, chuẩn bị ra khơi bắt cá và cầu xin ơn trên gia hộ, độ trì.

Tương truyền, cách đây khoảng trên 200 năm, trong làng chài có một ngư dân tên là Phò chuyên nghề mành đánh cá cơm, trong lúc kéo lưới đã vớt được một tượng Phật bà bằng gỗ quý. Ông Phò mang tượng Phận Bà cúng cho làng. Người làng chài Sa Huỳnh vui mừng lắm, họ bàn nhau góp tài lực xây dinh thờ Phật Bà trên núi Cấm để đặt tượng vào đó, tục gọi là Dinh Bà. Từ đó dinh Bà trở thành một điểm tựa tâm linh của những người đi biển.

Miếu bà Thủy Long (Sa Huỳnh).

Miếu bà Thủy Long (Sa Huỳnh).

Tinh mơ ngày mùng 3 tết ông chủ vạn chài Thach Bi mang lễ vật sang Dinh Bà để làm lễ tế trời đất, thần linh, trong khi đó, tất cả thuyền làm nghề đánh cá của các vạn, tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡ, bàn soạn hương đăng, lễ vật cùng các loại ngư cụ ngay trên thuyền. Ngư dân đứng ở mũi thuyền, ăn mặc đẹp, chít khăn màu đỏ trên đầu, mặt người sáng tươi như hoa sớm...

Sau một vài nghi thức đơn giản của đại diện chức sắc làng xã, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ Nhúng nước lưới bắt đầu. Đoàn thuyền tiến ra khơi, dẫn đầu là chiếc thuyền được ban vạn bầu chọn từ hôm trước. Đó là con thuyền gặp nhiều may mắn trong năm đánh bắt đã qua, gia đình chủ thuyền trên thuận, dưới hoà.... Tiếp sau đó là hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp hướng về biển lớn phía trời Đông. Ra đến cách bờ chừng vài hải lý, đoàn thuyền dừng lại thực hiện nghi thức tế cáo thần linh, xin thần linh đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên.

Sau khi vớt mẻ lưới lên, các thuyền quay đầu lại, nối đuôi nhau vào bờ trong tiếng hò reo, đón tiếp của những người dự lễ đứng trên bờ và trên những chiếc thuyền con, thuyền thúng. Chứng kiến cảnh tượng vừa thiêng liêng, vừa sinh động này, những người dự lễ vừa ngỡ ngàng xúc động với vẻ đẹp của  biển cả quê hương, vừa dâng trào một niềm tin về ngày mai ấm no, hạnh phúc.

Khi tất cả các thuyền đã vào bờ cũng là lúc các trò diễn như đua thuyền, thi bơi bộ, thi lắc thúng bắt đầu. Kết thúc các trò chơi trên biển lại chuyển qua phần hát múa. Gánh hát bội được mời cùng các nhóm múa hát hát múa Sắc bùa, bả trạo từ nhiều nơi trong tỉnh (Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa) và ngoài tỉnh (Tam Quan, Bồng Sơn thuộc tỉnh Bình Định) cùng nhau phô diễn tài năng để phục vụ bà con. Trong khi gánh hát bội nổi trống vào tuồng ở sân khấu tại chỗ thì các nhóm Sắc bùa lại đến từng nhà theo lời mời của gia chủ, mang theo giọng hát, câu hò chúc mừng năm mới.

Nhóm Sắc bùa từ xã Đức Phong (huyện Mộ Đức) tham gia lễ hội.

Nhóm Sắc bùa từ xã Đức Phong (huyện Mộ Đức) tham gia lễ hội.

Diễn ra trong dịp tết Nguyên đán nên khách thập phương, người quê gốc ở Sa Huỳnh, Đức Phổ đi làm ăn nơi xa về dự lễ Nhúng nước lưới khá đông, tạo nên không khí hân hoan, sôi nổi khắp một vùng quê ven biển.

Lễ hội Nhúng nước lưới của cư dân các làng chài duyên hải miền Trung nói chung, cư dân Sa Huỳnh nói riêng, ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa biển bội thu, cá mực đầy khoang, đem lại cuộc sống ngày càng no đủ hơn, còn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề. 

Phong cảnh biển Sa Huỳnh.

Phong cảnh biển Sa Huỳnh.

Trong quá trình phát triển chung của đất nước, đời sống người dân dần dần được cải thiện, công việc làm ăn xuôi chèo mát mái, lễ hội Nhúng nước lưới được chuẩn bị khá chu đáo, có sự tác động tích cực của chính quyền địa phương, tàu thuyền dự hội trang trí công phu, người dự hội ăn mặc đẹp, nghi thức tiến hành khá chu đáo trên cơ sở duy trì tập quán cổ truyền của cha ông và có những biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh đời sống mới.

“Di phong hoán tục”, âu cũng là việc cần làm, cốt là phải giữ cho được thần thái của lễ hội và nhất là giữ gìn, bồi đắp ý nghĩa nhân văn cao cả thể hiện ý thức tri ân, khát vọng no đủ, thanh bình của người dân miền duyên hải.

Lễ hội Những nước lưới đã trở thành một nét phong tục đẹp, diễn ra vào dịp đầu xuân, vừa tạo được không khí vui tươi, sôi nổi vừa góp phần làm giàu truyền thống văn hóa của người dân vùng biển Quảng Ngãi.

Lê Hồng Khánh

Xem thêm
Phim 'Queen of Tears' đứng số 1 Hàn Quốc

Bộ phim 'Queen of Tears' của Hàn Quốc sẽ xoa dịu sự tiếc nuối sau khi phim kết thúc của người xem bằng việc phát sóng tập đặc biệt trong hai ngày 4-5/5.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất