Theo đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc, họ yêu cầu phải để nguyên cả túi mật chứ không được bóc tách…
Như NNVN đã đưa tin, ngày 5/5 vừa qua, Trạm CSGT 4.1- Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra xe ô tô 92C-067.08 do ông Phạm Tiến Thông (trú tại khối 3, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam) điều khiển.
Tại hiện trường, phát hiện trên xe có 21.000 kg mực khô, lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô hàng nên tổ công tác đã bàn giao số mực nói trên cho Đội QLTT số 9 – Chi cục QLTT Thanh Hóa để xử lý theo quy định.
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến lô hàng “khủng” lần này. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa.
Ông Hùng nói: “Toàn bộ 21 tấn hàng đúng là mực khô. Thời điểm kiểm tra, nhận thấy mực bị biến đổi màu sắc và xuất hiện nấm mốc trên bề mặt nên cơ quan chức năng đề nghị lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu về VSATTP để làm căn cứ xử lý”.
Được biết, sau khi lô hàng bị tạm giữ, ngày 6/5, chủ hàng là ông Nguyễn Thanh Tự, trú tại thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi đã có mặt tại đội QLTT số 9 để làm việc.
Tại đây, ông Tự đã xuất trình một số giấy tờ liên quan như: Giấy chứng nhận kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; biên lai thuế GTGT và thuế TNDT; đơn xin xác nhận nguồn gốc mực PP da đen ngày 6/5/2016; đơn xin xác nhận thu mua mực với các chủ tàu ngày 9/5/2016…
Trong bản báo cáo gửi Đội QLTT số 9 – Chi cục QLTT Thanh Hóa, ông Tự khẳng định toàn bộ số mực trên được thu gom từ các ngư dân tham gia đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, mực phơi nắng tự nhiên và không hề có chất bảo quản.
Theo đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc, họ yêu cầu phải để nguyên cả túi mật chứ không được bóc tách. Ông Tự cũng đề nghị cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, trong thời gian chờ kết quả nếu hàng hóa bị hư hỏng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trước tình hình đó, vào 8h ngày 14/5/2016, các đơn vị chức năng đã tổ cuộc họp liên ngành tìm hướng giải quyết. Dựa trên kết quả kiểm nghiệm, đoàn liên ngành đã đi đến kết luận: Toàn bộ số mực trên được phơi khô để làm nguyên liệu, trong thành phần có chứa muối nên dễ hút ẩm, nếu bảo quản không tốt sẽ xuất hiện nấm mốc, nấm men.
Tuy nhiên, hiện tượng này trên mực khô không tạo ra độc tố Aflatoxin, do đó ít ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng và động vật. Còn chỉ số nấm mốc, nấm men và tổng số vi khuẩn hiếu khí của lô mực vượt ngưỡng cho phép nhưng không quá lớn (3,6 x 106 CFU/g), 3 chỉ tiêu còn lại là vi khuẩn E.coli; S.aureus và Salmonella không có trong lô hàng.
Áp dụng khoản 1 Điều 26 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, Chi cục QLTT Thanh Hóa quyết định xử phạt vi phạm hành chính lô hàng số tiền 45.000.000 (bốn lăm triệu đồng chẵn), đồng thời bàn giao lại toàn bộ 21 tấn mực khô cho ông Nguyễn Thanh Tự.