| Hotline: 0983.970.780

Vị công chúa đại hiếu, đại tình trong lịch sử Việt Nam

Thứ Ba 18/05/2021 , 08:09 (GMT+7)

Công chúa Thiều Dương tên thật là Trần Thị Thuý, con gái thứ của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) vì thương khóc khi cha mất rồi cũng mất theo.

Miếu Nứa, nơi thờ Thiều Dương công chúa.

Miếu Nứa, nơi thờ Thiều Dương công chúa.

Công chúa Thiều Dương tên thật là Trần Thị Thuý, con gái thứ của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và và Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi nghe tin vua cha mất, bà đã xót thương, khóc lóc rồi qua đời cùng ngày hôm đó, ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch năm 1277.

Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, trước đó, khi Thượng hoàng không khoẻ, công chúa đã nhiều lần sai người đến hỏi thăm nhưng người hầu bên cạnh đều nói là hoàng thượng đã bình phục.

Chỉ đến khi nghe tiếng chuông, biết cha đã mất, bà thương khóc kêu gào mãi rồi cũng mất theo. Câu chuyện khiến người ta không khỏi đau lòng và thương xót bởi, trong thời đại phong kiến, do các quan niệm và nhiều rào cản về nghi thức, chính những người là vua, chúa... lại phải chịu nhiều mất mát về tình cảm nhất.

Cha, con, anh, em không thể tự do gặp mặt ngay cả vào những giây phút cuối cùng. Cũng chính vì vậy, công chúa Thiều Dương được ghi nhận là đại hiếu trong lịch sử.

Công chúa Thiều Dương hiện được thờ tại ngôi Miếu ở thôn Nứa, xã Liên Hiệp, Hưng Hà, Thái Bình. Ngôi miếu nhỏ bé nằm nép dưới cây đa cổ thụ, trên gò đất là nơi gặp nhau của hai con lạch, một bắt nguồn từ Nhật Tảo và một bắt nguồn từ Lưu Xá. Hai con lạch chảy qua các làng rồi hội tụ tại gò đất này và tạo ra thế “Quần Long hội tụ”.

Theo các cụ già trong thôn và một số nhà phong thuỷ thì chính thế đất này càng làm cho ngôi Miếu trở nên linh thiêng và tồn tại vững bền trong tâm khảm hậu thế cho dù vật đổi sao rời tới nay đã hơn 700 năm.

Nói về thôn Nứa, người xưa kể lại và các nghiên cứu cho thấy, thế đất thôn này được giới phong thuỷ cho là thế đất có ấn, án thư, có dòng sông Thái Sư làm yếu tố minh đường hoàng đạo. Sông Thái Sư chính là dòng sông do Thái sư Trần Thủ Độ tổ chức đào nhằm phục vụ giao thông đường thuỷ, tạo tuyến phòng vệ bao quanh hành cung Long Hưng (vùng đất được gọi là Phù Ngự, vùng đất giúp các vua Trần trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông).

Từ năm 1898 đến 1900, người Pháp đã cho đào sông Sa Lung chạy qua phía Tây của thôn. Nhìn từ trên cao, thôn Nứa nằm giữa hai con sông và hệ thống kênh rạch chằng chịt, vừa lợi về giao thông đường thuỷ vừa thuận tiện cho tưới tiêu phát  triển nông nghiệp.

Sinh thời, năm 16 tuổi, công chúa được gả cho thượng vị Văn Hưng Hầu. Tháng 10 năm Bính Dần 1226, Vua xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân lưu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn rưộng hoang.

Lúc đó, là công chúa, ngoài ruộng thế nghiệp 450 mẫu, thổ thế nghiệp 26 mẫu, công cháu còn được vua ban lộc 110 mẫu bãi dâu và 600 mẫu ruộng. Tuy nhiên công chúa không nhận mà xin về An Nữ khẩn hoang, dùng 150 người và chiêu mộ thêm dân nghèo để khai khẩn 300 mẫu cạnh sông Thái Sư.

Sử dụng tiền vua cấp để mua thêm ao đầm, lập chùa, đúc chuông, tô tượng và giúp người Chăm mở ấp Quang Chiêm, xây cầu bắc qua sông Nại (sông Thái Sư). Dưới sự lãnh đạo của công chúa Thiều Dương, vùng này đã trở nên trù phú và người dân nghèo cũng nhờ đó mà có cuộc sống ấm no.

Nghề đan võng và làm mộc là hai nghề truyền thống nổi danh tại vùng này. Đất bãi ven sông trù phú đã cho chất lượng đay vào hàng hảo hạng và võng đan của thôn Nứa khi xưa chỉ dùng cho quan lại, mãi sau này mới được phổ biến sử dụng cho mọi tầng lớp nhân dân.

Tương truyền khi nhà Trần cho xây dựng hành cung Long Hưng đã tuyển nhiều thợ mộc giỏi trên cả nước về đây. Sau khi xây dựng hành cung Long Hưng xong, họ ở lại an cư tại thôn Nứa và tạo ra nghề mộc nức tiếng gần xa.

Tới nay, nhiều nghệ nhân về mộc ở đây vẫn còn được nhắc tới như cụ Ba Nồm, Lý Thựu, Lý Nhàn, cụ Giống. Những nghệ nhân này không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn lưu dấu các tác phẩm chạm khắc ở nhiều đình đền, miếu tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên ...

Cũng chính vì những đóng góp của công chúa Thiều Dương cho vùng này mà không chỉ được coi là người đại hiếu, công chúa còn được sử sách nghi nhận hai chữ đại tình. Trong miếu Nứa hiện còn có đôi câu đối:

“Kính thiên hiếu khốc danh tại sử - An Nữ ân thâm thuỵ vĩnh tường”

Có nghĩa là:

“Tiếng khóc thương vua tên ghi trong sử - Ơn sâu thương dân An Nữ còn thơm mãi đến muôn đời”

Lễ hội thôn Nứa được tổ chức tại miếu Nứa trong ba ngày từ ngày 1/4 đến 4/4 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ ngày mất của công chúa Thiều Dương. Sáng mồng 1 tháng tư,  nhân dân làm lễ rước kiệu công chúa và làm lễ tế thần. Lễ hội cũng có các hoạt động vui chơi trong hai ngày với các trò chơi như thi đánh cờ, chọi gà và thi hát dân ca.

Lăng mộ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Lăng mộ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Xã Liên Hiệp nằm trong vùng đất được xác định là nơi phát tích và dựng nghiệp của nhà Trần. Tại đây còn có Lăng mộ và đền thờ của Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Các di tích tại xã Liên Hiệp nói trên có vị trí đặc biệt quan trọng nằm kế bên cụm di tích Đền thờ các vua Trần tại xã Tiến Đức song lại chưa được nhiều người biết tới. Trải qua gần 1000 năm, mặc dù đã được tôn tạo nhiều lần xong hiện nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Nằm trong làng, giữa các khu dân cư và đồng ruộng nên đường giao thông đi lại nhỏ hẹp và bất tiện cho du khách. Được biết, chính quyền và người dân địa phương cũng như bà con về chiêm bái, tham quan di tích lịch sử luôn mong mỏi nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý và cộng đồng hảo tâm để có thể sửa chữa con đường, tu bổ một số hạng mục của các di tích đang xuống cấp hiện nay. 

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Messi và Ronaldo vắng tên trong đội hình hay nhất năm của thế giới

2 ngôi sao nổi tiếng không có tên trong danh sách đội hình hay nhất năm 2024 của bóng đá thế giới.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.