| Hotline: 0983.970.780

Vị Đông đổi mới từng ngày bên dòng kênh xáng Xà No

Thứ Tư 17/07/2024 , 08:00 (GMT+7)

Hậu Giang Nhờ chuyển đổi sang cây trồng hiệu quả, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy đã chuyển mình và bức tranh nông thôn nơi đây tươi sáng hơn từng ngày.

 Một ngôi nhà mới xây khang trang của người dân ở ấp 2, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy. Ảnh: Hồ Thảo.

 Một ngôi nhà mới xây khang trang của người dân ở ấp 2, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy. Ảnh: Hồ Thảo.

Ngày nay, khi đến xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), ít ai nghĩ đây là một xã thuần nông bởi vị trí tiếp giáp thành phố Vị Thanh. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà khang trang và những con lộ nhựa chạy dài thẳng tắp. Cùng những hàng cây xanh cặp hai bên lộ, tất cả như tô điểm thêm vẻ đẹp cho hai bờ kênh xáng Xà No.

Hệ thống điện ở đây cũng đảm bảo, đèn đường chiếu sáng giúp đường quê sáng sủa, an toàn và thuận tiện cho việc lưu thông của người dân. Trường học và cơ sở vật chất khang trang, trạm y tế xã cũng được xây dựng mới, đảm bảo việc khám chữa bệnh phục vụ tốt nhu cầu dân sinh.

Trồng mít ruột đỏ thu về hơn 1 tỷ đồng 

Tổ hợp tác trồng mít ruột đỏ Vị Đông mỗi năm cung cấp khoảng 50.000 cây mít giống cho bà con các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: HT.

Tổ hợp tác trồng mít ruột đỏ Vị Đông mỗi năm cung cấp khoảng 50.000 cây mít giống cho bà con các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: HT.

Theo chính quyền địa phương, kinh tế của xã Vị Đông chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây, do thói quen canh tác manh mún và nhỏ lẻ, thu nhập của người dân chưa cao. Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển kinh tế tập thể, Vị Đông còn chú trọng chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Giữ ở ấp 2 là một trong những tỷ phú trong xã nhờ trúng mấy mùa mít liên tục. Trước đây, 2ha đất vườn nhà ông trồng chanh và dừa nhưng do giá cả bấp bênh, ông chuyển sang trồng mít ruột đỏ.

Ban đầu ông trồng một nửa diện tích, sau 2 năm cây bắt đầu cho trái và bán được giá cao. Ông Giữ nhận thấy hiệu quả nên nhân rộng toàn bộ diện tích còn lại. Năm vừa rồi, thương lái thu mua mít với giá trên 70.000 đồng/kg, ông thu về hơn 1 tỷ đồng. 

Ông Giữ phân tích: "Với một công (1 công = 1.000m2) đất trồng mít, tôi trồng 60 cây. Sau 2 năm, cây bắt đầu cho trái tính trung bình một cây cho 5 trái/năm, mỗi trái nặng 10 kg. Cho giá rẻ nhất là 10.000 đồng/kg, mỗi cây bán trái cũng được 500.000 đồng. Một công là 30 triệu, sau khi trừ hết chi phí, một công đất trồng mít vẫn lãi được 20 triệu đồng. Trong khi đó, trồng lúa chỉ lãi cao nhất là 10 triệu đồng mỗi năm/công, như vậy thu nhập từ trồng mít gấp đôi trồng lúa".

Không chỉ có ông Giữ, nhiều hộ gia đình khác trong xã cũng đã hưởng lợi từ việc chuyển đổi cây trồng này. Do đó, ở Vị Đông phong trào trồng mít ruột đỏ phát triển nhanh khoảng vài năm gần đây, riêng từ đầu năm đến nay diện tích chuyển đổi sang trồng mít khoảng 30ha. 

Địa phương đã thành lập Tổ Hợp Tác (THT) với khoảng 42 thành viên sản xuất đạt tiêu chuẩn Global GAP. THT mít ruột đỏ Vị Đông ngoài cung cấp trong nước còn đang hướng đến thị trường quốc tế.

Tổ hợp tác trồng mít ruột đỏ có 15ha đã đạt chứng nhận Global GAP. Ảnh: HT.

Tổ hợp tác trồng mít ruột đỏ có 15ha đã đạt chứng nhận Global GAP. Ảnh: HT.

Ông Nguyễn Minh Trắng, Chủ nhiệm THT mít ruột đỏ Vị Đông cho hay: Thị trường xuất khẩu mít hiện nay rất lớn, đặc biệt là sang Trung Quốc. Chúng tôi đang đăng ký mã số vùng trồng cho 36ha với khoảng 70 hộ, trong đó có 15ha của 17 hộ đạt chứng nhận Global GAP. Sẵn sàng cam kết cung cấp cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu nếu muốn bao tiêu đầu ra.

Cũng theo ông Trắng, để THT canh tác đạt hiệu quả như hiện nay cũng nhờ nhà nước đầu tư, xây dựng các cống ngăn mặn đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, lộ nông thôn cũng được bê tông phủ kín thuận tiện cho thương lái đến thu mua tận vườn nên bán được giá cao. Vì vậy đời sống của bà con trong xóm ông ngày một đi lên.

Theo UBND xã Vị Đông, đến nay địa phương được đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn, 44 cống hở và 5 trạm bơm điện. Đồng thời tăng cường thực hiện nạo vét kênh thủy lợi nội đồng, sẵn sàng phục vụ bơm tưới, tiêu chủ động đảm bảo cho các vụ sản xuất trên địa bàn xã.

Nông thôn xã Vị Đông đổi mới từng ngày. Ảnh: HT.

Nông thôn xã Vị Đông đổi mới từng ngày. Ảnh: HT.

Sử dụng nguồn vốn hợp lý và đúng mục đích

Nói về cách làm của xã Vị Đông, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Nguyễn Công Duy cho rằng mọi chủ trương, chương trình, kế hoạch khi triển khai đều phải đặt lợi ích và nhu cầu của người dân lên hàng đầu. Đồng thời giải quyết những nhu cầu cấp thiết và dựa vào thực tế của người dân.

Để phát triển bền vững, xã cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh mương, đường giao thông và điện. Đồng thời, công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng cần được tăng cường. 

Theo chính quyền địa phương qua rà soát, đánh giá hiện xã Vị Đông đã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Ảnh: HT.

Theo chính quyền địa phương qua rà soát, đánh giá hiện xã Vị Đông đã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Ảnh: HT.

Theo Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Nguyễn Công Duy, qua rà soát và đánh giá, xã Vị Đông cơ bản đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), nhờ sử dụng nguồn vốn hợp lý và đúng mục đích. Các tiêu chí khó như thu nhập, nhà ở dân cư, lao động, hộ nghèo, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn đã đạt theo kế hoạch đề ra.

Để tiếp tục duy trì và củng cố các tiêu chí đã đạt, ông yêu cầu xã cần nâng cao chất lượng môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Đồng thời phát triển đời sống văn hóa nông thôn, nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức chính trị - xã hội và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức xã. Vận động nhân dân nâng cấp và bảo quản hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng của từng khu vực.

Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy tin tưởng rằng với những bước đi chiến lược và nỗ lực không ngừng, xã Vị Đông sẽ tiếp tục phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

"Chúng tôi cũng đặt mục tiêu xã Vị Đông sẽ hoàn thành các tiêu chí NTM và trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2024. Đồng thời phấn đấu đến hết năm 2024, xã Vị Thắng hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao và trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định. Ngoài ra, xã Vĩnh Tường cũng được đặt mục tiêu hoàn thành các tiêu chí NTM vào cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung chỉ đạo xã Vĩnh Trung cố gắng đạt từ 15 tiêu chí NTM trở lên trong năm 2024 theo kế hoạch của tỉnh. Các xã còn lại sẽ phấn đấu theo lộ trình đến năm 2025 đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí mới của UBND tỉnh ban hành", ông Nguyễn Công Duy thông tin.

Ông Bùi Minh Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Đông cho biết, địa phương xác định lấy sản xuất nông nghiệp là trọng tâm. Các mô hình hiệu quả kinh tế cao như: lúa chất lượng cao, mít ruột đỏ, sầu riêng... Từ đó thu nhập đầu người năm 2023, đạt gần 56 triệu đồng/người/năm, tăng 25 triệu đồng so với năm 2011. Hộ cận nghèo trên địa bàn xã còn 81 hộ và hộ nghèo là 78/2057 hộ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.