| Hotline: 0983.970.780

Không ngừng hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới

Thứ Tư 28/07/2021 , 12:26 (GMT+7)

Thời gian qua, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đã triển khai nhiều phần việc trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nâng chất cơ sở hạ tầng và cảnh quan

Từ đầu năm đến nay, Huyện ủy và UBND huyện Vị Thủy đã quan tâm chỉ đạo các địa phương trong huyện xây dựng kế hoạch và triển khai nâng chất các tiêu chí có liên quan về cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là tiêu chí giao thông.

Quán triệt tinh thần trên, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Vị Thắng, huyện Vị Thuỷ đã xem xét và phối hợp với các ngành liên quan của huyện tiến hành đầu tư, nâng chất tuyến lộ giao thông nối liền ấp 6 và ấp 7. Đây là một trong những nhu cầu bức xúc của người dân, cũng như góp phần giúp xã hoàn thiện hơn tiêu chí giao thông trong xây dựng xã NTM nâng cao. Tuyến lộ có chiều dài 5,6km. Hiện đơn vị thi công đã đắp ta-luy, bơm cát nền hạ và xe lu đang san phẳng mặt lộ để chuẩn bị lên đá. Cũng trên tuyến lộ này, cây cầu Giải Phóng cũng được bắc mới khang trang.

Vui mừng khi con lộ trước nhà đang được đầu tư mới, ông Trần Văn Khiêm, hộ dân ở ấp 6, xã Vị Thắng, chia sẻ: “Con lộ trước đây do được đầu tư nhiều năm nên đã xuống cấp và xuất hiện nhiều ổ gà nên việc đi lại khó khăn. Ngoài ra, mặt lộ thấp nên vào mùa lũ, nước dưới sông thường tràn qua mặt lộ gây ngập úng. Gần đây, nhất là trong đợt lũ năm vừa rồi, nhiều đoạn lộ bị ngập sâu trong nước. Thế nhưng lần này con lộ được đầu tư mới cao ráo, khang trang nên sẽ khắc phục được những mặt trở ngại trên. Từ đó bà con nơi đây đang rất phấn khởi”. 

Nhờ được đầu tư hệ thống đê bao khép kín đã giúp người trồng lúa của huyện Vị Thủy sản xuất đạt hiệu quả. Ảnh: Tuấn Phát.

Nhờ được đầu tư hệ thống đê bao khép kín đã giúp người trồng lúa của huyện Vị Thủy sản xuất đạt hiệu quả. Ảnh: Tuấn Phát.

Theo Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Vị Thủy, các địa phương trong huyện đã tổ chức nhiều đợt cao điểm thực hiện công tác duy tu, sửa chữa và làm mới được hơn 16,6km đường giao thông nông thôn. Qua đây, giao thông thuận tiện phục vụ nhu cầu cho người dân tốt hơn. Ngoài ra, các địa phương còn triển khai nâng cấp, sửa chữa được 10 cống và nạo vét 26 tuyến kênh thủy lợi nội đồng. Từ đó, người dân sản xuất nông nghiệp được tốt hơn, nhất là chủ động nguồn nước tưới tiêu.

Ông Nguyễn Phú Quới có hơn 2ha lúa ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Tuyến kênh Trà Sắt, Trường Học và Kênh Ngang bao quanh cánh đồng nơi đây thường xuyên được nạo vét để khơi thông dòng chảy. Nhờ vậy, việc tháo chua, rửa phèn được tốt hơn, cũng như chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất vào mọi thời điểm. Từ đó, năng suất lúa của bà con nơi đây luôn trúng mùa. Riêng vụ lúa Đông xuân này đạt hơn 1,1 tấn/công (1.300m2). Không chỉ thế, khi kênh nội đồng được nạo vét sâu, rộng, còn giúp cho việc vận chuyển lúa được dễ dàng. Ghe có trọng tải lớn của thương lái vào được tận ruộng để cân lúa cho bà con nên nông dân không bị ép giá”.

Tại xã Vĩnh Thuận Tây, hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa và cũng là điều kiện để sớm trở thành xã NTM trong năm nay. Theo kế hoạch, ngành chức năng đã tổ chức khảo sát, quy hoạch, thu hồi đất và tiến hành khởi công xây dựng các thiết chế văn hóa xã và nhà văn hóa các ấp. Đồng thời củng cố, nâng chất danh hiệu chợ văn minh đối với chợ Vịnh Chèo.

Đến thời điểm này, huyện Vị Thủy có 4/9 xã đạt chuẩn NTM, riêng xã Vĩnh Thuận Tây đạt 17/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 10 - 14/19 tiêu chí.

Bên cạnh đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn việc xây dựng cảnh quan môi trường cũng được ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Theo đó, Ban Phát triển các ấp thường xuyên vận động từng hộ dân quét dọn vệ sinh từ trong nhà ra ngoài ngõ. Đồng thời, tuyên truyền người dân thu gom, xử lý rác thải đúng quy định.

Bên cạnh đó, vận động người dân cải tạo vườn tạp và trồng hoa kiểng hai bên lề lộ để tạo cảnh quan môi trường nông thôn luôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Đang cắt tỉa hàng rào cây xanh trước nhà, bà Nguyễn Thị Mười, ở ấp 6, xã Vĩnh Trung, thông tin: “Để có được hàng rào cây xanh đẹp và bắt mắt như thế này, gia đình tôi đã chăm sóc hơn 4 năm qua. Trồng hoa và làm hàng cây xanh trước nhà không chỉ là niềm đam mê, mà còn tạo dấu ấn cho đường quê xóm ấp. Từ một vài hộ trồng ban đầu, bà con dần làm theo và bây giờ đã có được con đường hoa, cây xanh rất đẹp, tạo ấn tượng cho bất cứ ai khi đi qua tuyến ấp này”.

Đầu tư phát triển sản xuất

Nhằm nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, các Ban chỉ đạo chương NTM trong huyện Vị Thủy đã triển khai nhiều chương trình, dự án cho lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là trên cây lúa.

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho hay, ngành nông nghiệp đang xây dựng mô hình sản xuất lúa thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Vị Thủy và xã Vị Bình. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa thương phẩm theo quy trình sạch và bền vững. Trong đó, phấn đấu nâng chất sản phẩm OCOP “Gạo sạch Vị Thủy” từ 4 sao lên 5 sao trong năm nay.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện cũng đang xây dựng mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị nhằm giúp cho người dân sản xuất, liên kết chặt chẽ và bền vững hơn với doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.    

Bên cạnh cây lúa, các ngành chức năng còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng.

Hiện nông dân trong huyện đã hình thành và nhân rộng được nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả. Trong đó có thể kể đến như: mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo, nuôi lươn không bùn, nuôi cá ruộng, sản xuất rau màu an toàn...

Mô hình đặc trưng trồng trầu ăn lá của người dân xã NTM Vị Thủy đã góp phần giúp địa phương đang đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 50 triệu đồng/người/năm. Ảnh: Tuấn Phát.

Mô hình đặc trưng trồng trầu ăn lá của người dân xã NTM Vị Thủy đã góp phần giúp địa phương đang đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 50 triệu đồng/người/năm. Ảnh: Tuấn Phát.

Cụ thể, hiện toàn huyện Vị Thủy có 285 mô hình sản xuất cho thu nhập từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Trong đó có 173 mô hình cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm, 101 mô hình cho thu nhập từ 101-150 triệu đồng/năm và 11 mô hình có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Mặt khác, ngành chức năng của huyện còn quan tâm củng cố, nâng chất và phát triển mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện. Toàn huyện Vị Thủy hiện có 22 hợp tác xã nông nghiệp, 34 tổ hợp tác, 22 câu lạc bộ khuyến nông và tổ sản xuất lúa giống hoạt động có hiệu quả.

Nhờ triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp trong sản xuất, huyện Vị Thủy có 5 xã có mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, gồm: xã Vị Thanh, Vị Thắng, Vị Thủy, Vĩnh Thuận Tây và Vị Trung và tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 2,94%, tương đương 721 hộ.

Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết: Tuy phải đối mặt với không ít khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, nhưng các ngành và địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiều việc trọng tâm trong xây dựng NTM. Từ đó góp phần mang lại đời sống kinh tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng được nâng lên theo hướng tích cực.

 Thời gian tới, Ban chỉ đạo huyện tiếp tục chỉ đạo các xã củng cố, nâng chất các tiêu chí NTM. Trong đó trọng tâm là xã Vĩnh Thuận Tây hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Các xã còn lại phấn đấu đạt từ 14/19 tiêu chí NTM trở lên. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong xây dựng NTM.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.