| Hotline: 0983.970.780

Vì một nông thôn mới bền vững

Thứ Sáu 21/01/2022 , 07:24 (GMT+7)

THANH HOÁ “Nông thôn mới không chỉ khoác lên mình một chiếc áo mới mà phải thực sự làm thay đổi cuộc sống người dân; hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nông dân”.

Đó là chia sẻ của ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa.

Không ngại thử nghiệm

Với mục tiêu nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, ông Thông không ngại thử nghiệm, đưa cây gai lấy sợi vào trồng và mang đến triển vọng lớn. Ảnh: VD.

Với mục tiêu nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, ông Thông không ngại thử nghiệm, đưa cây gai lấy sợi vào trồng và mang đến triển vọng lớn. Ảnh: VD.

Ông Lê Công Thông, thôn 4, xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn có 6 ha đất trước đây trồng sắn, mía. Mỗi năm, trừ các chi phí, gia đình ông cũng chỉ thu về gần 100 triệu đồng.

Thanh Hóa đã có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM

Tính hết năm 2021, Thanh Hóa có 11/27 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ; 341/465 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã,  đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã. Thanh Hóa hiện có 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Riêng năm 2021, Thanh Hóa có thêm 3 đơn vị cấp huyện, 24 xã đạt chuẩn NTM; 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 89 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm 4 sao được Trung ương nâng hạng 5 sao.

Tháng 4/2021, với sự động viên của chính quyền địa phương, ông Thông mạnh dạn đầu tư hệ thống béc tưới, cải tạo đất để chuyển sang trồng gai lấy sợi. Đến cuối năm 2021, trừ chi phí đầu tư, mỗi ha gai, ông Thông thu về 10 triệu đồng. Dự tính, năm 2022, gia đình ông sẽ thu gấp 2 và những năm tiếp theo sẽ thu khoảng 70 triệu đồng/ha. Lá gai được ông sử dụng để làm phân bón xanh, cải tạo đất, bảo vệ môi trường.

Theo tính toán của ông Thông, so với trồng mía, sắn và keo thì trồng gai hiệu quả kinh tế cao gấp 7-8 lần. Nếu gia đình ông không chấp nhận thử nghiệm và chính quyền địa phương không tạo điều kiện để tích tụ đất đai, hỗ trợ từ các chương trình thì gia đình ông không có được thành quả như ngày hôm nay.

Ông Đỗ Xuân Nhạ, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn cho rằng, là một địa phương miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, khi về đích NTM, điều cốt lõi vẫn là nâng cao đời sống của người dân. Muốn vậy, ngoài cây con truyền thống, muốn tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế, người dân phải chấp nhận thử nghiệm. Rất may là thử nghiệm ban đầu tại Thọ Sơn đã cho thấy tiềm năng, triển vọng lớn.

“Thọ Sơn có khoảng 400 ha đang trồng keo và 1/3 số này có thể chuyển sang trồng gai lấy sợi. Sắp tới chúng tôi sẽ vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên kết với nhà máy gai sợi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm” – ông Nhạ cho hay.

Không chỉ ông Thông, không chỉ xã Thọ Sơn, năm 2021, các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều có những nỗ lực vượt qua những khó khăn do dịch covid-19, dịch bệnh chăn nuôi và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2021, Trung ương chưa ban hành khung văn bản thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho chương trình chưa được phân bổ. Tuy nhiên, xu thế, yêu cầu nhiệm vụ chương trình ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và chú trọng chất lượng đạt chuẩn, đảm bảo tính bền vững. Vì vậy, vừa xây dựng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới nhưng Thanh Hóa cũng đồng thời xác định nâng cao thu nhập một cách bền vững cho cư dân vùng nông thôn bằng việc tích tụ đất đai, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp hàng hóa thông qua các mối liên kết.

Đáng chú ý, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa 18 đã ban hành Nghị quyết về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, về xây dựng NTM, có 2 nội dung hỗ trợ; về phát triển sản phẩm OCOP có 2 nội dung hỗ trợ.

Thông qua tích tụ đất đai, nhiều mô hình phát triển kinh tế vùng nông thôn đã được triển khai và đã đem lại hiệu quả cao. Ảnh: VD.

Thông qua tích tụ đất đai, nhiều mô hình phát triển kinh tế vùng nông thôn đã được triển khai và đã đem lại hiệu quả cao. Ảnh: VD.

Cùng với chính sách của tỉnh, các huyện đã và đang rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Nội dung hỗ trợ tập trung chủ yếu để phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia; thưởng các địa phương đạt chuẩn; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây, con có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thiết chế văn  hóa,... để các xã, thôn, bản hoàn thiện các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu.

“Hút” doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Cũng theo ông Dương Văn Giang, năm 2021, Thanh Hóa thu hút được thêm 2 doanh nghiệp lớn thu mua chế biến lúa gạo, 9 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả nâng tổng số doanh nghiệp thu mua chế biến gạo trên địa bàn toàn tỉnh là 7 doanh nghiệp với tổng công suất 180 nghìn tấn; 25 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả.

Nhờ các chính sách khuyến khích, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: VD.

Nhờ các chính sách khuyến khích, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: VD.

Toàn tỉnh hiện có 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung. Dù dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp nhưng đến ngày 6/1, Thanh Hóa trở thành tỉnh đầu tiên của Bắc Trung bộ công bố hết dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn đạt 100% so với thời điểm trước dịch, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu thị trường Tết Nguyên Đán. Khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển đồng bộ, toàn diện gắn với chống khai thác bất hợp pháp và tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2021 ước đạt gần 202 nghìn tấn.

Trong năm, Thanh Hóa đã thu hút, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 11,7 nghìn tỷ đồng; khởi công xây dựng Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa (3.000 tỷ đồng).

Sản phẩm OCOP nâng tầm nông sản xứ Thanh và tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: VD.

Sản phẩm OCOP nâng tầm nông sản xứ Thanh và tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: VD.

Trên cơ sở Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, các sở, ban ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP. Trong năm, Thanh Hóa đã rà soát, tổng hợp được 120 sản phẩm có lợi thế và đưa vào thực hiện theo chu trình OCOP; tổ chức đánh giá 111 sản phẩm OCOP, trong đó, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 89 sản phẩm OCOP cho 69 chủ thể OCOP, trên địa bàn 61 xã, phường, thị trấn thuộc 24 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trên cơ sở khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng (khoảng 15-20%).

Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được tăng cường thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 16 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP; Các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh được thiết lập, một số sản phẩm đã phát triển thị trường trong và ngoài nước...

Nông thôn mới Thanh Hóa tạo ra một diện mạo mới cho vùng nông thôn nhưng vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống. Ảnh: VD.

Nông thôn mới Thanh Hóa tạo ra một diện mạo mới cho vùng nông thôn nhưng vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống. Ảnh: VD.

Những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 40,068 triệu đồng.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,58%, vượt 0,58% KH; sản lượng lương thực đạt 1,611 triệu tấn; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 7.732 ha, vượt 702 ha so với KH, chuyển đổi 2.174 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn...

Năm 2022 phấn đầu thêm 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM

Năm 2021, Thanh Hóa huy động 5.879,019 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách các cấp 3.701,75 tỷ đồng (62,96%); vốn lồng ghép 306,99 tỷ đồng (5,22%); vốn tín dụng 486,955 tỷ đồng (8,28%); vốn doanh nghiệp, HTX 387,304 tỷ đồng (6,59%); vốn huy động từ cộng đồng dân cư (không bao gồm nguồn lực để chỉnh trang nhà ở dân cư) 996,019 tỷ đồng (16,94%). Năm 2022 Thanh Hóa phấn đấu có thêm 2 đơn vị cấp huyện, 18 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí/xã; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 83 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, 59 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thanh Hóa quyết tâm có thêm 120 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3-4 sao, trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao.

    Tags:
Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.