| Hotline: 0983.970.780

Vì sao đạo ôn cổ bông hại nặng lúa xuân ở Hà Tĩnh

Thứ Ba 16/05/2017 , 13:39 (GMT+7)

Như NNVN liên tiếp thông tin, bệnh đạo ôn cổ bông gây hại nặng lúa xuân ở Hà Tĩnh khiến hàng nghìn hộ nguy cơ thiếu gạo. Đánh giá chung, dịch bệnh bùng phát nhanh, cơ quan chức năng, người dân, trở tay không kịp!

Ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) trao đổi với NNVN về tình hình dịch bệnh, đồng thời chia sẻ cùng bà con nông dân bị thiệt hại...

13-04-15_img_3372
Cán bộ Cục Trồng trọt kiểm tra bệnh đạo ôn ở Hà Tĩnh

Thưa ông, Hà Tĩnh là nơi ít xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông. Vì sao năm nay bệnh đạo ôn cổ bông lại gây hại nặng ở Hà Tĩnh?

Tôi vừa có chuyến công tác dọc các tỉnh Bắc Trung bộ ngay sau khi có thông tin bệnh đạo ôn cổ bông gây hại nặng trên lúa xuân ở khu vực này. Và đúng vậy, Hà Tĩnh là tỉnh bị thiệt hại khá nặng nề.

Theo dõi nhiều năm, rất ít khi đạo ôn cổ bông gây hại cho lúa xuân vùng này, có thể đạo ôn nặng nề ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đẻ nhánh tối đa thì là điều dễ hiểu và gặp thường xuyên, nhưng giai đoạn đầu tháng 5 dương lịch, khi lúa đã trổ và chín đỏ đuôi rồi mới bị trên cổ bông là hiện tượng ít gặp.

Theo quy luật thông thường, tháng 5 điều kiện thời tiết của khu vực Bắc Trung bộ đã xuất hiện nắng nóng và những đợt gió tây (gió Lào) khô; khi đó ẩm độ không khí xuống thấp, ít mưa, cường độ nắng cao thì không thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh gây hại kể cả đạo ôn trên lá và đạo ôn hại cổ bông.

Điều kiện tối thích cho nấm bệnh này phát sinh, gây hại và bung thành dịch là: Nền nhiệt thích hợp 20-25 độ C, ẩm độ cao trên 90% (là chính); trời âm u, nắng mưa xen kẽ… Và nguồn bệnh luôn tồn tại sẵn trên đồng ruộng.

Lúa xuân ở Hà Tĩnh năm nay trổ bông tập trung từ 15/4-30/4. Theo dõi trên hệ thống thu thập số liệu khí tượng từ Trung tâm khí tượng tỉnh và các trạm thu thập tự động iMetos được cung cấp bởi AgriMedia tại Hương Khê - Hà Tĩnh cho thấy có những bất thường: Trong suốt nửa cuối tháng 4/2017 khi mà lúa xuân của Hà Tĩnh đang trổ bông tập trung có tới 3 đợt tác động của không khí lạnh và rãnh thấp, nhiệt độ bình quân giảm.

Từ ngày 22-25/4, nhiệt độ bình quân là 21-22 độ C, ẩm độ rất cao lần lượt là: 93, 92 và 97%. Có 3 ngày liền đều có mưa, lượng mưa ngày 24/4 lên tới 36,4mm; ngày 28-29/4 ẩm độ đo được ở khu vực Hà Tĩnh đều đạt ngưỡng trên 90%, ngày 28/4 đạt ngưỡng 95%, đầu tháng 5 từ 4-6/5 cũng có 3 ngày mưa liên tục do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày 6/5 lượng mưa tới 14,2 mm; ẩm độ không khí giai đoạn này đạt xung quanh 90%. Rõ ràng với điều kiện nhiệt độ, ẩm độ như trên, cộng với nắng mưa xen kẽ, không thuận lợi cho phòng trừ; lúa xuân lại vừa trổ và đang vào chắc hội tụ đầy đủ điều kiện cho nấm bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, xâm nhiễm và gây hại.

Bệnh đạo ôn và giống có tương tác thế nào, thưa ông? Có phải do giống không?

Hiện tại khu vực Bắc Trung bộ đang phổ biến và lưu hành khoảng trên 40 giống lúa tẻ và 21 giống lúa lai. Mỗi vùng có những đặc thù và bộ giống khác nhau, điển hình là: Khang dân 18, Hương thơm 1, BC15, VTNA2, Xi23… và gần đây là Thiên ưu 8. Trong các nhóm giống chủ lực và phổ biến thì hầu hết các giống đều nhiễm đến nhiễm nhẹ đạo ôn, chỉ có một số giống có mức kháng trung bình, nhưng do phóng thích đã lâu nên hiện nay cũng đã bị đạo ôn tấn công (X21, Xi23).

Nấm đạo ôn có tới hàng ngàn “nòi” khác nhau và với độc lực khác nhau. Nếu đạo ôn trên lá thì còn dễ, vì vết bệnh khi xâm nhập vào lá tạo các vết hình thoi có chấm xám ở giữa, nếu vết cấp (vết mới) cũng dễ dàng quan sát thấy và ngay cả bà con nông dân được tập huấn cũng có thể biết loại bệnh này; phòng trừ sớm và giống phục hồi tốt thì không ảnh hưởng nhiều đến năng suất, nhất là bệnh chưa tấn công lên bộ lá công năng.

Đạo ôn cổ bông thì khác, khi mà thấy vết bệnh thì coi như đã “xong”, chỉ còn có héo và lép, lửng, khi đó nấm bệnh đã ăn và cắt đứt tất cả các con đường vận chuyển nước, chất khô lên hạt rồi, bệnh này nếu không phát ở cổ bông thì phát ở cổ gié và gié đó coi như lép. Đợt dịch này ở Hà Tĩnh, hầu hết các giống đều bị đạo ôn cổ bông, kể cả lúa ưu thế lai cũng nhiễm, một số giống có diện tích ít thì mức độ nhẹ hơn. Có những giống kháng được đạo ôn trên lá nhưng vẫn bị ở cổ bông như thường. Mức độ bị hại còn phụ thuộc vào sự trùng khớp về giai đoạn trổ bông, trổ bông sớm hơn hoặc muộn hơn thì tỷ lệ bị hại cũng sẽ khác nhau.

Lưu ý rằng, hiện các giống lúa được xem kháng đạo ôn, mới chỉ đánh giá lây nhiễm trên lá là chính, nhưng kháng được trên lá chưa hẳn đã kháng được nòi nấm đạo ôn trên cổ.

"Tỉnh Hà Tĩnh là một trong những thị trường truyền thống của công ty, khi nhận được thông tin về dịch bệnh đạo ôn, lãnh đạo công ty chúng tôi rất chia sẻ, lập tức có mặt cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đi thăm các vùng có dịch đạo ôn. Hiện HĐQT công ty đã có chủ trương hỗ trợ giống cây trồng để khôi phục sản xuất ngay trong vụ hè thu với bộ giống phù hợp. Khối lượng cụ thể công ty sẽ làm việc với Sở NN-PTNT Hà Tĩnh để triển khai." - Ông Đỗ Bá Vọng, PTGĐ Cty CP Giống cây trồng TW.

Còn chất lượng giống là ở các chỉ tiêu trong QCVN 01-54, như độ sạch, độ thuần đồng ruộng, hạt khác giống có thể phân biệt được bằng mắt thường và hạt cỏ dại, tỷ lệ nảy mầm, độ ẩm hạt. Không nên nhầm lẫn mức bị sâu bệnh hại trên đồng ruộng với chất lượng hạt giống.

Được biết bệnh đạo ôn trên lá xuất hiện tại Hà Tĩnh từ tháng 2, tháng 3, tháng 4 và cho đến nay bệnh đạo ôn cổ bông gây thiệt hại rất lớn, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Như đã nói ở trên, đạo ôn trên lá và đạo ôn cổ bông có những tương quan thuận; khi đã bị trên lá thì có thể sẽ bị xâm nhập vào cổ bông, nếu khi trổ mà điều kiện thời tiết thuận lợi (ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ, thừa đạm...).

Có những giống, những vụ bị đạo ôn trên lá nặng tới mức lụi đi, nhưng trổ bông lúc nắng ráo, ẩm độ thấp thì chưa chắc đã bị đạo ôn cổ bông; nhưng cũng có những vụ, những giống hoặc chân ruộng không bị đạo ôn trên lá, giai đoạn trổ bông lại hội tụ đủ điều kiện cho nấm đạo ôn (trường hợp của Hà Tĩnh vụ xuân này) thì bệnh sẽ bùng phát nhanh khó bề kiểm soát, ngăn chặn. Giới kỹ thuật chúng tôi ví một số loại sâu bệnh khó kiểm soát và phát hiện như “ma” là vậy. Thú thực tôi hết sức chia sẻ với cán bộ kỹ thuật của Hà Tĩnh. Hệ thống tổ chức ngành và chuyên môn là một chuyện, nhưng trời thì khó ai đoán định, nhất là những bất thường của biến đổi khí hậu.

Theo quy luật, Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào, cuối tháng tư đầu tháng năm mà còn lạnh, còn mưa ẩm tới 3-4 ngày liền, lại cứ sau vài ngày nóng bừng lên rồi lại mưa ẩm, lại lạnh, đạo ôn rất dễ bùng phát. Người sản xuất lúc này có tâm lý: lúa trổ rồi, chín đỏ đuôi rồi, còn lo gì nữa mà phun. Và thực tế nhiều ruộng đã chín đỏ đuôi, còn 6-7 ngày nữa hạt thóc sẽ căng mọng thì bị chặn lại và thay vì 1.000 hạt có khối lượng 24-25g, bị rồi sẽ chỉ còn 20-21g, khi xay giã sẽ bị vỡ vụn, hạt nào chưa tích lũy được coi như lép hoàn toàn.

Vậy kinh nghiệm được rút ra là gì, thưa ông?

Đạo ôn cổ bông khi đã phát hiện muộn, nhiều bông đã thiệt hại thì xem như vô phương cứu chữa, nếu có phun cũng chỉ chặn và bảo vệ được một phần nhỏ bông, gié chưa bị nấm xâm nhập. Vì vậy với bệnh này phương châm “phòng” vẫn là chủ đạo. Trong các công văn chỉ đạo sản xuất của Cục Trồng trọt, chúng tôi cũng đã thường xuyên lưu ý với các địa phương là nguy cơ của đạo ôn cổ bông, sâu đục thân, rầy cuối vụ; các trà lúa trổ sớm đều được khuyến cáo phun phòng đạo ôn cổ bông bằng các loại thuốc đặc hiệu như Beam hoặc Filia…

Sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt vốn tiềm ẩn rủi ro; cả một vụ 4-5 tháng 2 sương một nắng rồi, việc bảo vệ cuối vụ phải quyết liệt và sâu sát, nếu cần phải huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm vấn đề thực sự nóng lên thì mới kịp, mới chặn được và hạn chế thiệt hại cho nông dân, mặc dù vẫn biết là việc phun phòng trừ là phải từ người dân.

 

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.