| Hotline: 0983.970.780

Hàng nghìn hộ dân có nguy cơ thiếu gạo do bệnh đạo ôn tại Hà Tĩnh

Thứ Sáu 12/05/2017 , 13:15 (GMT+7)

Tính đến thời điểm này toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 10.037ha/59.000ha lúa xuân nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó có hàng nghìn hộ dân mất trắng diện tích.

Điều này dẫn đến thực trạng sau mùa vụ dân thiếu gạo ăn, không có tiền trả chi phí đầu tư ban đầu.
 

Chưa có tiền lệ

Cách đây vài ba ngày, diện tích lúa nhiễm bệnh mới chỉ 5.291ha; trong đó, nhiễm nặng 949ha, nhưng đến ngày 11/5 đạo ôn cổ bông đã “ăn” hơn 10.000ha; trong đó, nhiễm nặng trên 5.044ha; mất trắng hơn 2.867ha. Chủ yếu tập trung tại các huyện Cẩm Xuyên (2.020ha), Nghi Xuân (2.000ha), Đức Thọ (1.968ha), Thạch Hà (1.700ha)...

16-39-09_2
Lãnh đạo Cục Trồng trọt và cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã và đang vào cuộc đánh giá diện tích lúa nhiễm bệnh để có giải pháp tham mưu hỗ trợ người dân

“Những năm qua đạo ôn cổ bông cũng gây hại nhưng chỉ mang tính cục bộ, nhỏ lẻ. Còn xảy ra diện rộng, sức phá hoại lớn như năm nay thì chưa từng có”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV vùng khu 4 cho biết, vừa qua Trung tâm đã lấy mẫu lúa nhiễm bệnh ở 3 vùng sinh thái gồm: ven biển, đồng bằng và trung du miền núi gửi Học viện Nông nghiệp Việt Nam để phân tích, xác định nòi đạo ôn hiện đang gây bệnh xem có khác với nòi đạo ôn đã xuất hiện trên đồng ruộng từ trước đến nay hay không. Kết quả đang phải chờ đến cuối tuần này mới có.

Tuy nhiên, qua theo dõi, phân tích bước đầu nguyên nhân khiến bệnh đạo ôn bùng phát diện rộng trước tiên có phần do giống lúa mẫn cảm với loại bệnh này. Tiếp đến, đặc thù thời tiết năm nay khác với các năm trước là đầu vụ không có rét đậm, rét hại; suốt thời kỳ sinh trưởng nền nhiệt độ lên xuống đột biến, ẩm độ cao; số ngày nắng trong vụ thấp, thiếu ánh sáng khiến cây lúa mất cân đối dinh dưỡng.

Dịch bệnh đang hoành hành tại Hà Tĩnh khiến hàng nghìn hộ dân có nguy cơ thiếu gạo ăn
Thống kê của Trung tâm BVTV vùng khu 4 cho biết: Diện tích nhiễm đạo ôn 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế là 11.253ha; trong đó nhiễm nặng hơn 5.243ha; mất trắng 2.879,6ha.

Đặc biệt, giai đoạn lúa trổ gặp 2 đợt gió mùa đông bắc, mưa phùn kéo dài nên ảnh hưởng lớn đến việc theo dõi đồng ruộng, công tác phun thuốc phòng trừ...
 

Chưa có chủ trương hỗ trợ

Để đánh giá đúng tình hình thực tế dịch bệnh, ngày 11/5, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Hồng Sơn, ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV vùng khu 4 và lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục BVTV Hà Tĩnh đã đi kiểm tra các vùng lúa nhiễm bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh.

Tại đây, ông Sơn khẳng định, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực của địa phương và đời sống người dân. Trước mắt, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, nếu thực sự do dịch bệnh thì có định hướng điều chỉnh trong công tác chỉ đạo sản xuất, xác định cơ cấu giống trong vụ tới, còn do các yếu tố khác thì cũng để đề xuất giải pháp hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn.

Liên quan đến số liệu “nhảy” từ 5.291ha (ngày 10/5) lên 10.037ha (11/5), ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói: “Có lẽ bên chuyên môn báo cáo số liệu kỳ trước, cách đây mấy ngày (!). Cái này sắp tới tỉnh sẽ phải đánh giá, kiểm điểm lại trách nhiệm của ngành trong việc dự tính, dự báo”. Ông Đặng Ngọc Sơn cũng cho hay, hiện tại UBND tỉnh đang giao Sở NN-PTNT thống kê thiệt hại, đánh giá khách quan nguyên nhân nên chưa có chủ trương gì cụ thể để hỗ trợ người dân.

16-39-09_5
Nông dân bức xúc vì gieo lúa phải gặt... rơm

“Về cơ cấu giống vụ hè thu 2017, tỉnh vẫn đưa Thiên ưu 8 vào cơ cấu vì vụ hè thu ít xuất hiện bệnh đạo ôn, đây lại là giống năng suất, cơm ngon, được nông dân ưa chuộng. Tuy nhiên, vụ xuân 2018 thì phải xem xét”, ông Sơn nói thêm.

Nhìn chung vụ lúa xuân năm nay dịch bệnh xuất hiện ít, ngay trên lá cũng rất ít vết bệnh đạo ôn. Tuy nhiên do một số diện tích lúa trỗ đúng vào đợt gió mùa đông bắc (từ 21-25/4), nhiệt độ thấp, mưa phùn âm u, nhiệt độ không khí vào ban đêm xuống thấp, trong khi nhiệt độ đất cao hơn nên nước đã bốc hơi từ đất, ngưng tụ trên bề mặt lá, tạo điều kiện cho nấm bệnh đạo ôn phát triển.

Với bệnh đạo ôn cổ bông, nấm gây bệnh xâm nhập đồng loạt, không có vết ban đầu như đạo ôn lá nên nông dân khó phát hiện, nhiều khi chủ quan không phun thuốc kể cả khi có sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Đặc biệt các năm trước đây giống Thiên ưu ít bị nhiễm đạo ôn lá hơn nên nông dân càng chủ quan.

(GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt)

 

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.