| Hotline: 0983.970.780

Vì sao DN "chạy làng"?

Thứ Tư 03/08/2011 , 10:44 (GMT+7)

Một nền nông nghiệp với nhiều tiềm năng. Vậy nhưng, càng kêu gọi thì nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp càng teo dần. Vì sao lại như vậy?

Một nền nông nghiệp với nhiều tiềm năng. Hệ thống chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào khu vực cũng không hề ít. Vậy nhưng, càng kêu gọi thì nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp  càng teo dần. Vì sao lại như vậy?

DN nông nghiệp: "Giật giải" bét về đầu tư 

Ở Hải Dương - đầu tư vào nông nghiệp được ưu tiên khuyến khích hàng đầu. Thế nhưng đáng buồn là DN đầu tư vào nông nghiệp lại đang "giật giải" chót so với tất cả các lĩnh vực SX khác.  

Những con số buồn trong các KCN

Theo BQL các KCN tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 20/7/2011, Hải Dương có tổng cộng 12 KCN, thu hút 138 DN trong và ngoài nước đầu tư ở 145 dự án (DA). Trong đó, chỉ có 5 DN đang hoạt động SX và đầu tư ở 6 DA SX có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp (một DA đang triển khai) là vật tư nông nghiệp và chế biến nông sản, không có bất kỳ một DA nào đầu tư vào SX trực tiếp trong nông nghiệp (nuôi hoặc trồng). Nghĩa là nếu so sánh với tổng số DN và số DA trong các KCN của tỉnh này, số DN có liên quan đến nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng số DN và hơn 4% về số DA mà thôi. Đáng chú ý là trong số 6 DA của 5 DN đầu tư về nông nghiệp này, thì có tới 5 DA 100% vốn đầu tư nước ngoài, và chỉ có một dự án có 100% vốn trong nước với số vốn đầu tư khoảng 47 tỉ đồng.

Trong 6 DA về nông nghiệp kể trên, tổng vốn đầu tư của 5 DA đầu tư nước ngoài chỉ đạt 43,03 triệu USD. Trong khi đó theo tính toán của chúng tôi, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào 12 KCN trên toàn tỉnh Hải Dương tính đến thời điểm này đã lên tới 1.587,567 triệu USD. Tính ra, lĩnh vực nông nghiệp chỉ thu hút khoảng 2,7% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN tại Hải Dương.

Tình hình đầu tư trong nước vào lĩnh vực nông nghiệp tại các KCN ở Hải Dương cũng eo sèo không kém. Cụ thể, đến tháng 7/2011, tổng nguồn vốn đầu tư trong nước vào 12 KCN ở Hải Dương đạt 7.898,937 tỉ đồng. Nếu lấy tổng số vốn đầu tư ở 2 DA của Cty CP Thức ăn chăn nuôi VINA (dự án về nông nghiệp duy nhất có 100% vốn trong nước) so sánh với tổng vốn đầu tư trong nước thì chỉ đạt tỉ trọng khoảng... 0,6%! Còn nếu tính chung (quy ra tỉ đồng), thì tỉ trọng vốn đầu tư vào các dự án nông nghiệp (cả trong và ngoài nước) chỉ chiếm chưa tới 2,3% tổng số vốn đầu tư vào các KCN ở Hải Dương.

Về tình hình thu hút lực lượng lao động, trong khi tổng số lượng lao động thu hút trong các KCN của Hải Dương hiện nay lên tới gần 46.300 người, thì trong đó, tổng số lao động trong các Cty hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ khoảng 1.000 người – tương đương khoảng 2%. Đối chiếu giữa tỉ trọng vốn đầu tư với tỉ trọng về số lượng DN và số lượng DA đầu tư vào nông nghiệp (3,5 – 4%), dễ thấy sự chênh lệch theo hướng: bé tỉ trọng đầu tư, lớn tỉ trọng DN và DA. Điều này chứng tỏ, không chỉ “vắng bóng” các DA và DN đầu tư vào nông nghiệp trong các KCN ở Hải Dương, mà quy mô vốn đầu tư tư lẫn số lượng lao động thu hút của một số dự án nông nghiệp cũng vô cùng nhỏ bé so với các DA phi nông nghiệp.

Khi được hỏi về tình hình đầu tư của các DN trong các KCN của Hải Dương, ông Nguyễn Anh Đức – Trưởng phòng Quản lý DN (BQL các KCN Hải Dương) sau một hồi nhẩm tính đã lắc đầu kết luận: “Số DA nông nghiệp lèo tèo lắm”.

Còn theo ông Phạm Minh Sơn – Trưởng phòng Quản lí quy hoạch (BQL các KCN) thì từ lâu tỉnh Hải Dương đã có chủ trương kêu gọi và tạo nhiều ưu tiên về chính sách đầu tư cho các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều KCN vẫn còn quỹ đất trống khá lớn chờ các DN. Nhưng khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, chỉ có duy nhất một DA về nông nghiệp đầu tư mới. Còn lại, hầu hết những DN ít ỏi về nông nghiệp hiện đang hoạt động đều xây dựng từ những năm 2004 – 2005. Trong khi đó, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm Hải Dương vẫn tằng tằng đón khoảng 70 DA mới, thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp vào đầu tư.

Lý do của sự vắng bóng các DN nông nghiệp, ông Sơn cho rằng bên cạnh đặc điểm chậm quay vòng vốn, hiệu quả thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư, thì ở khía cạnh môi trường, DN về nông nghiệp thường có lượng chất thải rất lớn. Trong khi đó, yêu cầu về xử lý chất thải, đặc biệt là nước thải hiện nay trong các KCN phải rất cao, phải đạt loại A nên đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất hiện đại. Bản thân các DN về nông nghiệp vốn đã nhỏ bé, nên hầu như không đủ năng lực để đầu tư vào các KCN. Ngay như một số NM sản xuất TĂCN hay chế biến nông sản trong tỉnh hiện nay vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về nước thải (chỉ đạt loại B), nên đáng ra phải bị xử lí.   

“Hữu danh, vô thực”

Bức tranh đầu tư vào nông nghiệp trong các KCN, đòi hỏi đầu vốn lớn và công nghệ hiện đại là vậy, còn các DN nhỏ và vừa (DNNVV) đầu tư vào nông nghiệp tại các cụm công nghiệp và rải rác trên phạm vi toàn tỉnh thì sao? Chúng tôi đã làm việc với Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương và được biết, tỉnh này hiện có 31 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên dưới 300 DNNVN. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý các cụm công nghiệp là Sở Công thương Hải Dương thì tới thời điểm này, mặc dù chưa có rà soát cụ thể nhưng nhìn chung, gần như không có, hoặc rất ít các DN có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp hoạt động. Trong khi đó, tình hình đầu tư của các DNNVN về nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh cũng ảm đạm không kém.

Lật lại lịch sử xét duyệt các DA đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong vòng 5 – 7 năm gần đây, ông Hùng ngán ngẩm cho biết: về nông nghiệp thì cả chục năm nay hình như chỉ thấy có 3 - 4 DA gì đó trình Sở KH-ĐT, và đều được duyệt ngay. Có điều sau đó đa số những DA này đều “chết yểu”. Đầu tiên là DA về trồng hoa hồng ở huyện Gia Lộc, phê duyệt từ những năm 2000, ban đầu nghe rất hoành tráng nhưng sau đó tàn lụi. Đến năm 2006, có một dự án nữa của một nhà đầu tư người Ba Lan, về xin được 1,5 hecta đất ở huyện Cẩm Giàng, nghe bảo là để thu mua thịt lợn SX xúc xích gì đó, và “dọa” là sẽ đủ cho thị trường tỉnh Hải Dương ăn xúc xích thoải mái. Nhưng không hiểu sao sau đó chỉ thấy nhà đầu tư này san xong mặt bằng thì nhượng đất lại cho nhà đầu tư khác, rồi chuồn về Ba Lan.

Rốt cuộc, bây giờ toàn tỉnh cũng chỉ có lèo tèo vài DN thu mua, chế biến nông sản ở Kinh Môn, và nuôi đà điểu ở Chí Linh là còn tồn tại mà thôi. Nhưng nghe đâu cũng đang “bèm” lắm rồi. 

Theo một cuộc rà soát vào đầu năm 2009 của Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương dựa trên danh sách các DN đăng ký kinh doanh trên toàn tỉnh cho thấy, tại thời điểm điều tra, Hải Dương có tổng cộng khoảng 650 DNNVN đã đăng ký kinh doanh. Trong đó, số lượng DNNVN có đăng ký kinh doanh các mặt hàng liên quan đến SX, chế biến và kinh doanh hàng nông sản chỉ khoảng 130 DN – chiếm khoảng 20% tổng số DNNVN trên toàn tỉnh. Trên thực tế, số lượng DN đăng ký trên toàn tỉnh Hải Dương hiện được đánh giá là đã lên tới trên dưới 4.000, nên tỉ trọng DN về nông nghiệp còn nhỏ hơn nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng phòng Thẩm định Dự án (Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương) cho rằng, dựa vào đăng ký kinh doanh thực chất không nói lên được điều gì về tỉ trọng của DN đầu tư vào nông nghiệp. Bởi trên thực tế, đa số các DN mặc dù có đăng ký SX, kinh doanh về nông nghiệp, nhưng vì việc đăng ký kinh doanh không bị giới hạn, cũng chẳng ai rà soát kiểm tra xem DN đó có hoạt động hay không, nên đa số các DN này hoặc đăng ký mà không hoạt động, hoặc “đăng ký một đằng, SX kinh doanh một nẻo”, hoặc đăng ký mang tính chất “dự phòng” mà thôi. Còn trên thực tế, số lượng các DN hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp trong tỉnh cho ra hồn thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để thẩm định lời ông Hùng nói, chúng tôi đã thử lần theo một DN trong danh sách đăng ký kinh doanh, đó là DN tư nhân nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản Hùng Cường (thôn An Điềm, xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng). Mặc dù DN này trong đăng ký kinh doanh ghi "rất oách” là: nuôi trồng, mua bán, chế biến, XNK nông, lâm, thủy hải sản. Thế nhưng khi chúng tôi tìm về địa chỉ trên thì chẳng thấy bóng dáng Cty này ở đâu.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm