| Hotline: 0983.970.780

Vì sao vi phạm tại mỏ than Minh Tiến được nương nhẹ?

Thứ Năm 06/06/2019 , 16:44 (GMT+7)

Với những lỗi vi phạm nghiêm trọng của mỏ than Minh Tiến về bảo vệ môi trường, đáng lẽ phải xử lý quyết liệt, thậm chí yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục sai phạm, thế nhưng cơ quan chức năng chỉ xử phạt và nhắc nhở.

Sau trận mưa vào đêm 28, rạng sáng ngày 29/5 đã làm cho đất đá vùi lấp nhiều hecta ruộng đất của gần 40 hộ dân ở xóm Ao Soi và Cây Thổ của xã Na Mao (huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Nguyên nhân cũng đã được người dân, chính quyền địa phương khẳng định là do chất thải của mỏ than Minh Tiến tràn xuống gây ra (NNVN đã thông tin).

Qua tìm hiểu, hậu quả của sự việc, có một phần đến từ việc không chấp hành các quy định bảo vệ môi trường (BVMT) của doanh nghiệp (DN) khai thác, sự thiếu kiên quyết trong xử lý và nương nhẹ trong việc xử phạt của cơ quan chức năng, mà cụ thể là Sở TN-MT Thái Nguyên và cơ quan chuyên môn của địa phương.

Bùn đất tràn ra từ mỏ than Minh Tiến vùi lấp ruộng đất của người dân Na Mao

Theo như kết luận kiểm tra số 46 ngày 26/4/2019 của Sở TN-MT về việc chấp hành pháp luật về BVMT và khoáng sản đối với mỏ than Minh Tiến - Công ty CP Yên Phước đã nêu rất rõ: Bản kế hoạch BVMT mà DN được UBND huyện Đại Từ xác nhận tại văn bản số 243 ngày 16/3/2016 là không đúng thẩm quyền, mà phải do UBND tỉnh phê duyệt; DN đưa một số hạng mục vào chưa có trong cam kết BVMT như khu vực sàng tuyển than, dung tích hồ lắng chưa đúng…; DN chưa thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ; không thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện sự cố môi trường; chưa có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bể lắng nước mưa khu vực bãi chứa và sàng tuyển than đầy bùn, có nguy cơ tràn ra bên ngoài…

Sở TN-MT đã ban hành Quyết định 321 xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Yên Phước số tiền 200 triệu đồng với các hành vi vi phạm trên. Đồng thời yêu cầu DN chấp hành xử phạt, thực hiện các biện pháp nạo vét, gia cố khu vực bãi chứa và các hoạt động khác; khẩn trương lập phương án BVMT theo quy định tại Thông tư số 31/2016 của Bộ TN&MT; lập lại phương án cải tạo phục hồi môi trường trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt; thực hiện quan trắc môi trường…

Kết luận kiểm tra của Sở TN-MT Thái Nguyên chỉ xử phạt và mang tính nhắc nhở

Dù mới chỉ ra được một phần nhỏ những vấn đề còn tồn tại ở mỏ than Minh Tiến, nhưng với những lỗi vi phạm nghiêm trọng về vấn đề BVMT thì đáng lẽ ra phải xử lý quyết liệt, thậm chí yêu là yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục sai phạm, thì kết luận của Sở TN-MT lại chỉ dừng lại ở mức xử phạt và nhắc nhở. Hậu quả của nó là để hàng ngàn m3 đất đá chất thải vùi lấp ruộng của người dân Na Mao, làm nhiều hecta lúa chuẩn bị thu hoạch bị mất trắng.

Rất nhiều vấn đề được đặt ra là trách nhiệm của Sở TN-MT như thế nào khi không kiên quyết xử lý những vi phạm của mỏ than Minh Tiến? Nguy cơ về tương lai sẽ không chỉ là ruộng đất, mà có thể là xoá sổ nhà dân của 2 xóm Ao Soi và Cây Thổ nếu cả quả núi ở mỏ than đổ ụp xuống.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm