| Hotline: 0983.970.780

Vì thiếu tầm nhìn, mới thiếu điện

Thứ Sáu 25/06/2010 , 10:11 (GMT+7)

"Việc cung ứng điện không khác gì cảnh giật gấu vá vai, ăn bữa sáng lo bữa chiều. Nghịch lý càng mua nhiều càng đắt chỉ có ở mua bán điện tại Việt Nam, mà nguyên nhân chính là…thiếu điện..."

Chủ tịch HH Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi

“Việc cung ứng điện không khác gì cảnh giật gấu vá vai, ăn bữa sáng lo bữa chiều. Nghịch lý càng mua nhiều càng đắt chỉ có ở mua bán điện tại Việt Nam, mà nguyên nhân chính là…thiếu điện”, Chủ tịch HH Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nói.

Các nhà hoạch định kinh tế đều cho rằng, phải đủ điện mới có thể CNH. Tuy nhiên, thiếu điện ở Việt Nam diễn ra hết năm này qua năm khác?

Tôi nhiều lần nói, thời gian thực hiện tổng sơ đồ điện theo quy hoạch là quá ngắn. Các quy hoạch điện từ trước đến nay cũng chỉ trong vòng 5 năm. Trong khi, để xây dựng được một NM điện, nếu tính đầy đủ thời gian từ chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu và xây dựng cần rất lâu. Ví dụ xây Thủy điện Hòa Bình phải mất 20 năm; Yaly 8 năm, Hàm Thuận - Đa Mi nhanh nhất cũng 4,5 năm; Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí mở rộng mất 4- 5 năm…

Như ông nói thì cần có một tầm nhìn dài hơi. Tại sao chúng ta thiếu chiến lược này?

Do thời gian lập tổng sơ đồ ngắn nên các tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, Sông Đà…đều bị chậm trễ, không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ.

Cũng một chuyên gia ngành điện lại khẳng định chúng ta không thiếu tầm nhìn. Cái chính là có quy hoạch nhưng không chịu triển khai. Tiêu biểu là một số dự án NM nhiệt điện làm quá chậm?

Cũng có tình trạng ấy. Nói riêng 13 dự án nhiệt điện chạy than mà Chính phủ giao cho các ngành triển khai, đến nay mới chỉ có Tập đoàn Dầu khí đang làm dự án nhiệt điện Vũng Áng. Các dự án khác đều chưa triển khai. Đến nay các NM này vẫn chưa triển khai thì đến bao giờ mới xong được. Mà 13 dự án này góp tới 13.800 MW, gần bằng sản lượng điện hiện tại của VN.

Không chỉ thiếu điện mà ngành điện còn không tôn trọng khách hàng, cắt điện vô tội vạ. Việc nông dân Quỳnh Phụ (Thái Bình) vây hãm chính quyền có phải biểu hiện của mâu thuẫn giữa khách hàng và ngành điện?

Là người công tác trong ngành điện lâu năm, tôi rất thông cảm với bà con nông dân Quỳnh Phụ. Bị cắt điện đúng lúc nóng nực mấy tuần lễ qua thì đúng là bức xúc thật. Mà bức xúc nhiều quá thì người ta phản ứng, đó cũng là chuyện dễ lý giải. Còn phản ứng như thế nào cũng tùy thuộc vào tinh thần của người dân cũng như tinh thần của cơ quan quản lý, cách đó nó có hợp lý hay không thôi. Cắt điện một cách vô tội vạ, lại vẫn để điện ở nhà một số quan chức thì đương nhiên là người dân người ta sẽ không bằng lòng rồi.

Tại sao không tự do hóa thị trường điện? Tại sao nhiều DN nước ngoài không tham gia vào thị trường "béo bở" này. Đã theo dõi nhiều ngành điện ông thấy thế nào?

Chính phủ vẫn khuyến khích các DN, kể cả trong nước và nước ngoài, đầu tư vào ngành điện đấy chứ. Vấn đề là chính sách giá cả của VN bây giờ chưa cho phép thực hiện được những cái đáng lý ra phải được thực hiện. Tại vì ở VN hiện giá điện vẫn được quy định bởi Nhà nước, chứ thực sự bán điện ra không phải đúng với giá thị trường, cho nên EVN kẹt trong thế gọi là “SX ra điện giá cao nhưng lại bán với giá thấp"…

Có 2 giải pháp mà giải pháp trước mắt là mua điện của nước ngoài thôi. Nước ngoài ở đây là Trung Quốc mà nước này có bao nhiêu điện để có thể bán cho VN? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Còn nếu mà về lâu dài thì phải nghĩ đến việc khác. Hiện nay có rất nhiều công trình điện đang bị đình trệ, chậm tiến độ. Vì vậy, việc thiếu điện là đương nhiên. (ông Trần Viết Ngãi).
Chuyện nhà đầu tư nước ngoài muốn vào lập NM kiểu như Phú Mỹ 2 thì lại là chuyện khác. Muốn lập NM nhưng đầu ra chỉ có một mình ông EVN thì thị trường không phải là thị trường mở. Nếu lập ra NM điện lại bán cho ông EVN với giá nào thì phải thương lượng trước. Rõ ràng, một nhà đầu tư không thể bỏ một số tiền lớn để xây NM điện trong khi chưa biết đầu ra cho sản phẩm của mình thế nào.

Sử dụng điện hiệu quả cũng là vấn đề lớn. Theo ông chỉ kêu gọi người dân dùng điện tiết kiệm đã đủ chưa?

Đối với các gia đình thì người ta dùng rất ít, không đáng kể. Mỗi gia đình một tháng dùng vài trăm kW, vì làm gì có tiền nhiều mà mua điện, nhất là đối với các hộ gia đình ở nông thôn thì giá điện nhiều khi lên gấp đôi, gấp ba so với giá niêm yết của EVN.

Còn những DN thì khác, vốn ít, trình độ quản trị yếu kém nên thường sử dụng những công nghệ cũ, tiêu hao nhiều điện năng. Đối với các cơ quan nhà nước, lãng phí mới thực sự lớn, vì sử dụng của chùa. Còn đối với bản thân ngành điện, thì chính họ cũng đang lãng phí điện bằng việc hao tải đường dây ở mức hai con số, thậm chí có nơi còn hao tổn đến 30% điện năng.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất