Hơn 10 năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai không xác định được đối tượng là chịu trách nhiệm cho hành vi hủy hoại rừng và thu lợi bất chính từ việc khai thác mủ cao su trái phép hơn 350ha rừng thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã bị phá trắng, chiếm đất trồng cao su.
10 năm không xác định được ai phá hơn 350ha rừng để trồng cao su
Diện tích hơn 350ha cao su này nằm rải rác ở 9 tiểu khu, xen kẽ với diện tích mà các doanh nghiệp được giao đất trồng cao su theo chủ trương chuyển đổi 50 nghìn ha rừng nghèo sang trồng cao su được tỉnh Gia Lai triển khai. Mặc dù không có chủ hơn 10 năm qua, nhưng diện tích cao su này vẫn được chăm sóc, phát triển xanh tốt và việc thu hoạch mủ diễn ra thường xuyên. Điều đáng nói, cơ quan chức năng không thể xác định được danh tính bí ẩn của tổ chức hay cá nhân đang thu lợi từ những diện tích cao su này. Qua đó, gây trở ngại cho công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Phỏng vấn Ông Hoàng Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, huyện Chư Prông:
Đối với diện tích hơn 350 ha cao su lấn chiếm, trồng trên đất rừng đã được Thanh Tra tỉnh chuyển hồ sơ qua Cơ quan Cảnh sát điều tra và đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Việc này gây khó khăn cho công tác quản lý của đơn vị. Do đó, đơn vị hết sức mong muốn cơ quan chức năng sớm có kết luận điều tra.
Trước đó vào năm 2019, kết luận số 11 của Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chỉ ra các sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, cũng như sử dụng đất lâm nghiệp tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch. Theo đó, từ năm 2008 đến 2019, tổng cộng trên 1.200ha rừng bị lấn chiếm, trong đó có diện tích hơn 350ha bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cây cao su. Mặc dù, sai phạm này được phát hiện từ 5 năm trước, nhưng đến nay tỉnh Gia Lai chưa kịp thời xử lý.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai:
Toàn bộ diện tích cây cao su trồng trên đất rừng, Sở đã chỉ đạo cho phía Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và giữ nguyên hiện trạng để phục vụ tốt cho công tác điều tra. Riêng việc các cá nhân hay tổ chức thực hiện khai thác mủ cao su, Sở cũng đã giao cho Ban Quản lý rừng nắm bắt, ghi nhận để có cơ sở cung cấp thông tin cho ngành chức năng.
Vụ việc hơn 350ha cao su “vô chủ” đang trở thành dấu hỏi lớn trong dư luận, trong khi diện tích cao su này vẫn được khai thác mủ để thu lợi bất chính. Sự chần chừ trong quá trình điều tra và xử lý vụ việc không chỉ gây trở ngại cho công tác quản lý và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, mà còn tạo kẽ hở cho các hành vi vi phạm pháp luật tiếp tục diễn ra.