Nhật Bản tăng kiểm dịch hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam. Hạn hán tại Trung Quốc tác động lớn tới lũ sông Mê Kông. Thuỷ lợi góp phần giúp nông thôn Bình Thuận khởi sắc. Thái Nguyên đầu tư 108 tỷ đồng xây mới, nâng cấp công trình nước sạch.
310 LÔ HÀNG THỰC PHẨM VIỆT NAM XUẤT KHẨU VÀO NHẬT BẢN VI PHẠM KIỂM DỊCH
Theo Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Osaka – Nhật Bản, từ 5/4 - 12/8/2022, đã có 310 lô hàng thực phẩm của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản vi phạm kiểm dịch qua quá trình kiểm dịch. Hiện, Nhật Bản đang tăng cường kiểm dịch các lô hàng thực phẩm nhập khẩu,vi phạm kiểm dịch đặc biệt là với tất cả các lô hàng quả vải tươi và sản phẩm chế biến từ vải của Việt Nam.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang Nhật Bản, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Osaka khuyến cáo doanh nghiệp Việt cần duy trì ổn định chất lượng, vi phạm kiểm dịch cải tiến mẫu mã bao bì, chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, kinh doanh để giữ uy tín và phát huy tiềm năng đối với các sản phẩm đã thâm nhập được vào thị trường này.
HẠN HÁN TẠI TRUNG QUỐC TÁC ĐỘNG LỚN TỚI LŨ SÔNG MÊ KÔNG
Nhiều ngày qua, phần thượng nguồn sông Mê Kông phía Trung Quốc đang gặp hạn hán với nhiệt độ rất cao. Do đó, các đập thủy điện đang tăng cường tích nước gây ảnh hưởng lớn đến dòng chảy mùa lũ sông Mê Kông.
Việc các đập thủy điện tích nước làm cho mùa lũ bị chậm lại. Theo các chuyên gia nhận định, trong tương lai, mùa lũ sẽ luôn bị muộn; ngoại trừ những năm lũ lớn khi hồ đầy từ đầu mùa. Năm nay, do ảnh hưởng của La Nina kéo dài nên khả năng mưa trong lưu vực sông Mê Kông vẫn còn nhiều. Do vậy, năm nay mùa nước nổi sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ khoảng giữa hoặc cuối tháng 10.
THUỶ LỢI GÓP PHẦN GIÚP NÔNG THÔN BÌNH THUẬN KHỞI SẮC
Để khắc phục tình trạng hạn hán, sa mạc hóa, những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn định hướng đầu tư thủy lợi là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách.
Nhờ đầu tư tốt các công trình thủy lợi, đặc biệt là sáng kiến làm kênh nối mạng thủy lợi, đến nay tỉnh Bình Thuận đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hằng năm, xấp xỉ 75% diện tích đất lúa theo quy hoạch, cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới toàn tỉnh.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, nhờ chú trọng phát triển hệ thống thủy lợi, ngành nông nghiệp tỉnh đã phát triển nhanh, tạo đà phát triển nông nghiệp nông thôn. Qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, tăng nhanh số hộ nông dân làm giàu chính đáng, nhiều vùng nông thôn đã khởi sắc.
THÁI NGUYÊN ĐẦU TƯ 108 TỶ ĐỒNG XÂY MỚI, NÂNG CẤP CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH
Nhằm cải thiện và nâng cao đời sống người dân nông thôn, từ nay đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên đầu tư Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn với số vốn hơn 108 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa 23 công trình cấp nước, đưa tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 98%.
Để nâng cao hiệu quả, trước khi phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư, các cơ quan chức năng của tỉnh đã khảo sát thực tế từng vị trí, công trình, thực trạng sử dụng nước sinh hoạt của người dân và quyết định lập danh mục xây mới 6 công trình, sửa chữa 17 công trình để cấp nước bền vững và ổn định cho gần 11 nghìn hộ dân.
Cùng với việc thực hiện Dự án, tỉnh Thái Nguyên tiến hành rà soát 250 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn, chỉ đạo chính quyền cơ sở khắc phục khó khăn, hạn chế về năng lực quản lý; tạo nguồn thu từ công trình cấp nước để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo quản công trình và sử dụng nước.