7 tháng Việt Nam chi 2,7 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. 8 người chết và mất tích do mưa lũ sau bão số 2. Cây thạch đen giúp người dân vùng cao xóa đói giảm nghèo. Dừa khô Bến Tre tăng giá trở lại.
7 THÁNG VIỆT NAM CHI 2,7 TỶ USD NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU THỨC ĂN CHĂN NUÔI
Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chi gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính như ngô, đậu tương. Trong khi lượng nhập khẩu giảm thì trị giá nhập khẩu các mặt hàng này lần lượt ở mức tương đương và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.Cụ thể, trị giá nhập khẩu đậu tương 7 tháng đầu năm 2022 đạt 1,3 triệu tấn và 893,6 triệu USD, tương đương về khối lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.Với mặt hàng ngô, trị giá nhập khẩu ngô 7 tháng năm 2022 đạt 5,1 triệu tấn và 1,8 tỷ USD, giảm 21,9% về khối lượng nhưng tương đương về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.Nguyên nhân Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, điển hình như ngô, đậu tương, Bộ NN&PTNT cho biết, năng suất trồng ngô, đậu tương của Việt Nam thấp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận kém hấp dẫn so với các cây trồng khác.
8 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH DO MƯA LŨ SAU BÃO SỐ 2
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 12/8, mưa lũ do hoàn lưu bão số 2 đã làm 4 người chết, 4 người mất tích tại Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang và Hòa Bình.Ngoài ra, Hòa Bình là một trong những địa phương hứng chịu thiệt hại nặng nề về nông nghiệp khi mưa lũ khiến gần 270 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại; 230 con gia cầm bị nước cuốn trôi.Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc yêu cầu bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt, không để người và phương tiện đi qua.
CÂY THẠCH ĐEN GIÚP NGƯỜI DÂN VÙNG CAO XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO
Thạch đen là cây trồng lâu năm của bà con các dân tộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, diện tích trồng cây thạch đen được duy trì ổn định từ 1.300 đến 2.000 ha, giúp người dân nơi đây thu từ 180 tỷ đồng đến 250 tỷ đồng mỗi năm. Cây thạch đen trở thành cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định, từ năm 2021 đến nay, đã có gần 5.500 hộ trồng thạch tại 21 xã, với diện tích trồng hơn 1.800ha, sản lượng ước đạt 10,3 nghìn tấn.Về cấp mã số vùng trồng, cơ quan chuyên môn của huyện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp 104 mã tại 15 xã với diện tích hơn 505ha; hoàn thiện hồ sơ cấp mã số cơ sở đóng gói cho 58 hộ dân, doanh nghiệp hợp tác xã.
DỪA KHÔ BẾN TRE TĂNG GIÁ TRỞ LẠI
Giá dừa khô nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang tăng trở lại, với giá từ 45.000-50.000 đồng/chục (12 trái), sau hơn 5 tháng rớt giá chỉ từ 10.000-15.000 đồng/chục. Theo một số thương lái, giá dừa tăng do thị trường trong nước tiêu thụ mạnh để sản xuất bánh kẹo phục vụ tết trung thu và thị trường tết cuối năm. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu nước ngoài bắt đầu mở cửatrở lại, các công ty đang tìm nguyên liệu để duy trì sản xuất, trong khi vụ mùa dừa đang bắt đầu thời điểm treo trái. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, dự kiến từ đầu tháng 8 giá dừa sẽ cải thiện vì bắt đầu bước vào mùa dừa treo và một số doanh nghiệp tăng cường mua nguyên liệu. Dừa trái xô có giá bán tại chợ hơn 3.500 đồng/kg tăng 200 – 300 đ/kg so với trước đây; giá cơm dừa, giá nước đồng loạt tăng giúp cho giá dừa tại Bến Tre đang dần tăng lên.