Sơn La cấp phép triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng gỗ tếch, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho người dân trồng rừng.
Cấp chứng chỉ rừng mang lại lợi ích cho người dân
Sơn La cấp phép triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng gỗ Tếch, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho người dân trồng rừng.
Những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã có nhiều phương án để thực hiện công tác quản lý rừng bền vững và nâng cao giá trị rừng. Hiện nay, Sơn La đã cấp phép cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng gỗ Tếch trên địa bàn các huyện Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên, qua đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 1997 gia đình ông Tá được hỗ trợ cây giống gỗ Tếch từ chương trình giao đất, giao rừng của chính phủ. Nhà ông có 6000 mét đất trồng gỗ Tếch và những năm gần đây loài cây này đã cho thu hoạch ban đầu.
Ông LÒ VĂN TÁ - Bản Lắc Phiêng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La
“Gia đình tôi tỉa làm được nhà 2 gian, ngoài ra còn bán được gỗ nữa. So với trồng cây khác thì cây này đặc điểm của nó là không cần phải chăm sóc mấy. Chỉ cần mỗi năm phát 1 lần thôi. Sau này nó lớn lên, cứ kệ nó chả sao.
Tuy nhiên, gia đình ông Tá cũng như hầu hết các hộ dân tại bản Lắc Phiêng bán gỗ hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên giá cả rất bấp bênh. Đến nay, các vườn gỗ Tếch tại đây đang được quy hoạch, để thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng. Cùng với đó, người dân cũng được tuyên truyền về lợi ích khi có được chứng chỉ.
Ông HOÀNG VĂN BÌNH - Bản Lắc Phiêng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La
Bán bên ngoài qua thương lái nên giá cá không được ổn định. Đề nghị Đảng, Nhà nước cấp chứng chỉ cho các hộ gia đình để cho đầu ra nó ổn định. Gia đình tôi cũng rất ủng hộ.
Bản chất của việc cấp chứng chỉ rừng là để thực hiện tốt hơn việc quản lý và phát triển rừng bền vững. Có nguồn gỗ lớn xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế của diện tích rừng trồng. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai cấp chứng chỉ rừng gặp không ít khó khăn như: diện tích rừng trồng phân tán; số lượng chủ rừng nhiều; thêm vào đó là nguồn lực đầu tư cho các chủ rừng, doanh nghiệp còn thiếu.
Ông DƯƠNG HỒNG HẢI - Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La
Chương trình này nó mới, nhiều cái còn bỡ ngỡ với người dân miền núi. Chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng và đặc biệt với các doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền để cho người dân hiểu lợi ích của việc rừng mình trồng mà được cấp chứng chỉ nó sẽ ra sao? Như thế người dân sẽ đồng thuận hơn”.
Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết tâm thực hiện tốt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, tập trung lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước; từ nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình triển khai thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng. Qua đó, tạo đòn bẩy để tăng giá trị sản phẩm cũng như thu nhập cho bà con nhân dân, tạo sự gắn bó và phát triển rừng bền vững.
Ông NGUYỄN HUY TUẤN - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La
Đến nay Sơn La đã phê duyệt được 8 phương án quản lý rừng bền vững với quy mô diện tích khoảng 100.000ha. Mục tiêu của tỉnh là sẽ thực hiện cấp chứng chỉ rừng cho các loại rừng trồng mà Sơn La có thế mạnh như là cây gỗ Tếch, cây Cao Su, Thông Mã Vĩ..với quy mô đến năm 2025 đạt khoảng 5000 đến 6000ha”.
Với sự vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương và Bộ NN-PTNT, việc bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Sơn La đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây cũng là tiền đề quan trọng để địa phương này phấn đấu nâng độ che phủ rừng đạt mức gần 50% vào năm 2025.