Chị Lý Thị Hồng Duyên đã có bước đột phá trong việc trồng lan Hồ Điệp theo hướng công nghệ cao giúp tăng năng suất so với cách trồng lan truyền thống.
Truyển đổi mô hình trồng hoa Lan từ truyền thống sang công nghệ cao thu về 7 tỷ/ năm
Chị Duyên - chủ vườn Lan Mễ Sở trồng lan hồ điệp với hiệu suất cao, đạt 7 tỷ/ năm, mô hình của chị góp phần thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao.
Tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Chị Lý Thị Hồng Duyên (1987, Công Ty CP PTNN CN Văn Giang) đã có bước đột phá trong khi phát triển hoa Lan Hồ Điệp theo hướng công nghệ cao giúp tăng năng suất so với cách trồng lan truyền thống trước kia.
Việc áp dụng công nghệ cao đã làm cho ngành nông nghiệp trở nên hiện đại và tiên tiến hơn so với phương pháp truyền thống đã giúp năng suất và chất lượng của Lan Hồ Điệp tăng lên đáng kể. Không những Chất lượng sản phẩm đã được đẩy lên cao, đồng thời chị Duyên còn tiết kiệm người lao động và tài nguyên.
Do kết hợp giữa công nghệ hiện đại nên chị chỉ cần thuê 1 nhân công chính và 2 nhân công thời vụ để chăm sóc 6 vạn cây hoa hồ điệp, so với trước đây, số lượng nhân công đã giảm đi hơn 20 người.. Điều này đã tạo ra hiệu quả kinh tế và đóng góp vào xu hướng nông nghiệp công nghệ cao đang được khuyến khích.
Chị Duyên đã bắt đầu đầu tư và quản lý vào vườn hoa lan tổng hơn 10 tỷ và hiện đã được 2 năm. Vườn lan có tổng diện tích 3000m², trong đó 2000m² đang được khai thác. Tuy mới tham gia vào thị trường hoa Lan chưa lâu nhưng sản phẩm đã tiếp cận thị trường nhanh chóng và thu hút được các nhà đầu tư lâu dài.
Với công nghệ mới này, chị Duyên khẳng định rằng: “Mặc dù việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi mức đầu tư ban đầu lớn, song lợi ích mà nó mang lại là vô cùng đáng giá. Năng suất lao động tăng lên đáng kể, và theo những tính toán của tôi, sau khoảng thời gian từ 4-5 năm, vốn đầu tư sẽ được thu hồi. Việc tiết kiệm lao động và tạo ra môi trường xanh làm đẹp cho con người, xã hội và môi trường cùng với việc tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động và sinh viên nông nghiệp đã đánh bại mọi sự hoài nghi”.
“Nếu không có việc áp dụng công nghệ cao hiện đại, quá trình trồng lan hồ điệp từng đòi hỏi sự tốn kém về nhân lực. Ví dụ, việc vận chuyển cây từ Mộc Châu, nơi có điều kiện thích hợp cho ra hoa, đến địa điểm nuôi trồng lại gặp phải nhiều khó khăn và đòi hỏi nhiều lao động”, chị cho biết thêm.
Là dự án đầu tiên của tỉnh Hưng Yên áp dụng mô hình khoa học tiên tiến này. Chị Duyên nhận được sự ủng hộ và khích lệ từ chính quyền các cấp và cộng đồng địa phương, qua đó giúp chị có thêm động lực để thúc đẩy mô hình trồng lan công nghệ cao này.
Nói về sản phẩm của mình, chị cho biết sản phẩm khi xuất ra đạt được tiêu chuẩn cao nhất, đúng như kế hoạch ban đầu, từ việc dự đoán ngày cây nở hoa đến số lượng hoa trên mỗi cây. Khi cây nở hoa, số lượng bông hoa trên một cây đồng đều đạt 95 đến 100%. Bên cạnh đó, bản thân chị cũng đã ý thức câu chuyện không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, quyết tâm cùng chính quyền địa phương bảo vệ đất đai và tài nguyên xanh sạch đẹp.
Qua mô hình trồng Lan Hồ Điệp thành công của chị Lý Thị Hồng Duyên, có thể thấy rằng việc kết hợp công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm chi phí nhân công…. Cùng với đó là việc chứng minh nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là xu hướng tương lai mà còn là con đường cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.