Australia tài trợ 250.000 USD thúc đẩy thương mại nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Xuất khẩu năm 2024 phấn đấu tăng trên 6%. Áp lực vẫn đè nặng ngành thủy sản năm 2024. Bình Định phát triển đàn heo ứng dụng công nghệ cao.
Australia tài trợ 250.000 USD thúc đẩy thương mại nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
Nguyen Thuy sx
Trong 4 ngày từ mùng 8 đến 11/1, Mekong Organics phối hợp Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Việt Hà tổ chức khóa tập huấn về “Sản xuất, chứng nhận, chế biến và thương mại thực phẩm hữu cơ” tại Nông trại Việt Hà (tỉnh Bình Phước) cho gần 30 HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã, đang và sẽ có nhu cầu chuyển đổi, chứng nhận, chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ thuộc khu vực phía Nam.
Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường thương mại và đầu tư nông nghiệp hữu cơ giữa Australia - Việt Nam” thuộc chương trình tài trợ “Tăng cường hợp tác kinh tế giữa Australia và Việt Nam" vòng 2 do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ, với tổng kinh phí là 250.000 đô la trao cho Mekong Organics quản lý. Dự án gồm 4 hoạt động như đào tạo sẵn sàng cho xuất khẩu; diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Nông nghiệp hữu cơ Úc-Việt; tập huấn về sản xuất, chứng nhận, chế biến và thương mại thực phẩm hữu cơ. Đặc biệt là tổ chức chuyến thăm quan các nông trại hữu cơ tại Úc kéo dài 10 ngày cho 19 nông dân, doanh nghiệp, đại diện các nhóm hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ vào tháng 3/2024. Qua đó thúc đẩy thương mại nông nghiệp hữu cơ Australia - Việt Nam trong thời gian tới.
Xuất khẩu năm 2024 phấn đấu tăng trên 6%
Phạm Huy khai thác
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ước đạt 683 tỉ USD, giảm 6,6 % so với năm trước. Dù chưa phục hồi mạnh nhưng mức suy giảm về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa được thu hẹp sẽ là tiền đề hướng đến sự khởi sắc trong năm 2024. Năm nay, Bộ Công thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6 % so với năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định cam kết liên kết thương mại mới, ký kết các hiệp định thương mại để đa dạng hóa thị trường sản phẩm, chuỗi cung ứng. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau, quả khác của Việt Nam.
Áp lực vẫn đè nặng ngành thủy sản năm 2024
Phạm Huy khai thác
Theo thống kê của Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt gần 9,3 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước.
Tuy nhiên, các thị trường hầu hết sụt giảm mạnh. Trong 10 tháng năm 2023, thị trường Mỹ sụt giảm mạnh nhất, với 32%; thị trường Trung Quốc giảm 15%; các thị trường còn lại như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều giảm từ 10-20%. Các thị trường chính sụt giảm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản.
Dưới tác động chung của nền kinh tế, các ngành hàng chủ lực tương tự toàn ngành thuỷ sản cũng gặp những khó khăn nhất định, nhất là vào nửa đầu năm 2023.
Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 - 10 tỷ USD năm 2024.
Bình Định phát triển đàn heo ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Năm 2023, ngành chăn nuôi heo của tỉnh Bình Định đối mặt hàng loạt khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là số lượng đàn vẫn được đảm bảo gần 700 ngàn con, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Xác định heo là 3 loại vật nuôi chủ lực, năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định đặt ra mục tiêu nâng đàn heo lên trên 800 ngàn con. Địa phương tập trung phát triển đàn heo theo hướng tập trung, quy mô lớn và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gắn với cơ sở giết mổ tập trung; chú trọng công tác tiêm phòng, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ… Trong đó, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát, An Nhơn… là các vùng nuôi tập trung của tỉnh. Ngành nông nghiệp Bình Định sẽ tập trung hỗ trợ người chăn nuôi heo ở các vùng chăn nuôi tập trung “chuẩn hóa” chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm chăn nuôi, mở ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho hoạt động chế biến sâu./.