Ngay từ đầu tháng Chạp, làng bánh chưng Tranh Khúc đã nhộn nhịp khắp các hộ gia đình bên những cuộn lá dong, rổ gạo trắng, mâm đậu vàng...
Làng bánh chưng Tranh Khúc rộn ràng ngày cuối năm
Làng bánh chưng Tranh Khúc, từ đầu tháng Chạp, sân nhà các hộ gia đình trong thôn có phần chật chội hơn ngày thường bởi những cuộn lá dong, rổ gạo trắng, những mâm đậu vàng.
Tại thôn Tranh Khúc, từ đầu tháng Chạp, không khí Tết đã rộn ràng. Sân nhà của các hộ gia đình trong thôn dường như có phần chật chội hơn ngày thường bởi những cuộn lá dong, rổ gạo trắng, những mâm đậu vàng.
Trên khoảng sân chừng 60m2, từng thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Yên, phối hợp nhịp nhàng, mỗi người một tay thành thục gói bánh. Năm nay xưởng nhà bà dự tính gói 5000 chiếc bánh.
Bà NGUYỄN THỊ YÊN - Thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội
Những ngày này tập trung làm đến đâu bán đến đấy, họ hàng con cháu, anh em là về trong 10 ngày này để gói bánh chưng. Làng nghề những ngày này tất bật, nhộn nhịp, ai bước chân vào cổng làng là thấy mùi thơm của bánh rồi.
Không phải ngẫu nhiên mà bánh chưng Tranh Khúc trở thành thương hiệu nổi tiếng, theo nhiều người dân làng Tranh Khúc, để làm ra một chiếc bánh chưng Tranh Khúc, phải kĩ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu tươi ngon, tỉ mỉ trong cách làm.
Bà NGUYỄN THỊ YÊN - Thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội
Chúng ta chuẩn bị lá dong, sau đó chọn nguyên liệu đỗ, thịt. Lá với thịt phải ngon thì bánh mới thơm. Thịt sơ chế, sạch sẽ, thái và ướp tẩm, đỗ thì cho vào hấp, đánh nhuyễn. Bánh muốn để được lâu thì lá phải rửa sạch dấp nước cho ráo, xếp lên.
Với 40 năm kinh nghiệm làm bánh, bà Lý Thị Lịch cũng đang hoàn tất đơn hàng bánh để kịp giao ra chợ truyền thống, siêu thị.
Bà LÝ THỊ LỊCH - Thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội
Những ngày này, thì phải thuê thêm người làm, chứ làm một mình vất vả lắm. Độ những ngày 27,28 làm phải 1000 chiếc.
Những chiếc bánh nóng hổi được vớt ra sau 8 giờ đồng hồ luộc trên bếp củi. Những ngày giáp Tết, nhiều khách hàng đã vào tận làng Tranh Khúc mua bánh. Chiếc bánh cỡ vừa có giá từ 30.000 - 40.000 đồng, bánh to hơn thì khoảng 50.000 - 70.000, có loại lên đến 100.000 - 120.000 đồng tùy theo khối lượng khách đặt.
Anh NGUYỄN VĂN NAM - Khách hàng
Năm nào tôi cũng vào tận đây mua bánh, vì làng nghề Tranh Khúc quá nổi rồi, chất lượng khỏi bàn. Tôi đặt mua phải 20-30 chiếc đi biếu nữa.
Bà TRẦN THỊ HOA- Khách hàng
Tôi là người làng dưới năm nào cũng lên đây mua bánh trưng, tôi mua cho con cháu, đi biếu người thân.
Hiện nay, làng Tranh Khúc đã được UBND thành phố Hà Nội cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống làm bánh chưng.
Hằng năm, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, tổ chức các lớp tập huấn, vận động bà con đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ nghề truyền thống của ông cha. Chính vì thế, những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm ngon không chỉ được người dân Hà Nội ưa chuộng, mà còn được người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc biết tiếng. Đặc biệt trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, bánh chưng làng Tranh Khúc góp phần làm phong phú thêm danh sách món ngon đất Hà thành.