* Giá bánh chưng Tranh Khúc dịp Tết từ 45-50 ngàn/chiếc
Những ngày này trời rét tê tái, nhưng đi vào làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) dường như người ta có cảm giác đỡ lạnh hơn, khi mà các lò nấu bánh chưng ở đây đồng loạt đỏ lửa.
Nhà nhà ngồn ngộn lá dong, người người tất bật công việc gói bánh. Vào nhà ông Nguyễn Trung Thanh, trưởng thôn Tranh Khúc khi ông đang chuẩn bị giao bánh chưng cho các nhà hàng, siêu thị trong thành phố. Dù bận việc, song ông Trung vẫn tranh thủ đưa chúng tôi đến thăm một số hộ làm bánh trong thôn.
Đến cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Duy Điệp, người đầu tiên trong thôn đầu tư công nghệ luộc bánh chưng bằng lò hơi hiện đại. Ông cho biết, từ khi sử dụng lò hơi, bánh chín đều hơn, ngon hơn. Vả lại không gây ô nhiễm môi trường làng nghề và tiết kiệm được thời gian trông bánh. Bởi theo ông nếu đun bằng lò than phải mất gần 2 giờ, nước trong nồi bánh mới bắt đầu sôi, trong khi sử dụng nồi hơi chỉ 10 phút. Trưởng thôn Nguyễn Văn Thanh nhận định: “Năm nay kinh tế khó khăn, nhưng nhà báo cứ nhìn vào các hộ gia đình chuẩn bị nguyên liệu thì thấy lượng bánh sản xuất sẽ không giảm”. Ông trưởng thôn cũng cho biết thêm, các hộ gia đình ở đây có truyền thống hợp tác, nếu đột xuất có cơ quan nào hợp đồng mua bánh nhiều, họ sẽ hợp sức làm, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu, thời gian giao hàng.
Bà Nguyễn Thị Hợi, chủ CSSX bánh chưng Thành Trung, đội 1 thôn Tranh Khúc cho biết, gia đình làm nghề gói bánh chưng hơn 30 năm, chủ yếu bán buôn quanh năm. Ngày thường làm vài trăm chiếc bánh nhỏ, tháng tết thì làm cả vạn chiếc. “Năm nay giá nguyên liệu tăng gần gấp đôi năm ngoái, cụ thể giá lá dong lên 17.000đ/100 lá, giá đậu xanh tăng 45.000đ/kg, gạo nếp ngon 19.000đ/kg. Ngay cả than nấu bánh năm ngoái chỉ 500 ngàn/tấn, năm nay lên 1 triệu đồng/tấn. Vì vậy mỗi chiếc bánh chưng ngon, nhiều thịt, đậu phục vụ tết này sẽ có giá từ 45.000-50.000đ/chiếc”-bà Hợi nói.
“Hiện sản phẩm bánh chưng Tranh Khúc có bao bì được bày bán hầu hết trong các siêu thị Hà Nội. Một số hộ đã kí hợp đồng vận chuyển bánh vào TP.Hồ Chí Minh qua đường hàng không; xuất khẩu sang Nga, Mỹ. Vào các ngày rằm, mồng 1 âm lịch, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán làng nghề làm không hết việc”-ông Lễ khẳng định.
Được biết nhà SX bánh chưng Thành Trung là cơ sở đầu tiên trong thôn Tranh Khúc bỏ tiền mua 1 máy hút chân không của Trung Quốc. Bình quân mỗi ngày cơ sở này cho ra lò khoảng 500 chiếc bánh hút chân không, cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm, siêu thị trong thành phố. Theo bà Hợi, dự báo tết này thời tiết rét đậm kéo dài nên các nhà hàng đặt bánh chưng tăng. “Bắt đầu từ rằm tháng Chạp cơ sở chúng tôi sẽ SX tăng tốc với hàng nghìn chiếc mỗi ngày. Hiện gia đình đã thuê thêm được 3 người chuyên rửa lá, vo gạo, nấu đậu với giá nhân công 200.000đ/ngày”. Cũng theo bà Hợi, mặc dù UBND huyện đầu tư cho HTX Văn Khúc 2 chiếc máy hút chân không để phục vụ xã viên đóng gói bao bì mang thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc, song đến nay rất ít người mang bánh ra trụ sở HTX đóng gói. Bởi vận chuyển bánh rất nặng, mang đi đóng bao bì lại phải đóng một khoản phí nhất định…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Tiến Lễ, Chủ nhiệm HTX Văn Khúc, xã Duyên Hà cho biết: Từ tháng 6/2009, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 102 hộ dân là thành viên của làng nghề. UBND huyện cũng đã đầu tư cho HTX 2 chiếc máy hút chân không để phục vụ xã viên đóng gói bánh chưng, công suất 15 giây/bánh. Bánh chưng được đóng trong túi nilon in hình chiếc lá dong màu xanh, mặt túi có ghi nguyên liệu sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng: TCCS/12/2008 BC-TK; ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã số, mã vạch.
Theo ông Lễ, toàn xã có hơn 100/200 hộ sản xuất bánh chưng truyền thống đã đăng kí sử dụng thương hiệu. Tuy nhiên rất ít xã viên đến HTX đóng gói bởi chủ yếu các hộ làm bánh bán buôn cho các chợ. Vả lại giá thành mỗi chiếc bánh đóng gói tăng 2.000 đồng sẽ làm giảm lợi nhuận…