Thay vì canh tác theo phương pháp truyền thống, người dân tại huyện Lục Ngạn đã ghép cam Canh trên gốc bưởi Diễn trồng theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị. Phương pháp này giúp tăng năng suất, bền cây, sức chống chịu sâu bệnh tốt hơn.
Trồng cam canh trên gốc bưởi thu 2,5 tỷ đồng mỗi năm
Thay vì canh tác cam canh theo phương pháp truyền thống, người dân tại Lục Ngạn, Bắc Giang đã ghép cam canh trên gốc bưởi diễn để nâng cao giá trị. Phương pháp này giúp tăng năng suất, bền cây, sức chống chịu sâu bệnh tốt hơn.
Đây là những gốc bưởi diễn đã trên 10 năm tuổi, nhưng trên cành lại là những quả cam đường canh sai trĩu. Sau hơn 10 năm canh tác bưởi diễn không đạt hiệu quả như mong đợi, gia đình ông Lê Thanh Định tại Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã tận dụng những gốc bưởi to khỏe để ghép mắt cam canh thay vì chặt bỏ. Học tập bà con tại địa phương, trên diện tích vườn 1,7ha ông Định đã thành công ghép mắt cam lên gần 1 nghìn gốc bưởi. Theo ông Định, bưởi diễn và cam canh đều thuộc cây có múi, thân gỗ và rễ chùm. Sau 2 vụ thu hoạch, ông đánh giá, gốc bưởi lâu năm có sức chống chịu với sâu bệnh tốt hơn, những cành cam vì thế cũng cho quả sai hơn. Mỗi vụ, vườn cam cho gia đình ông thu trên 30 tấn quả.
PV: ông Lê Thanh Định - Thôn Thông, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang
“Cây cam là 1 trong những cây có múi khó tính, nhưng mà giá trị kinh tế cao, giá cây cam đường ổn định 50-60k/kg, so với các loại cây có múi khác cho hiệu quả kinh tế rất cao”
Để nâng cao chất lượng, ông Định canh tác cam đường canh ghép trên gốc bưởi theo phương thức hữu cơ, toàn bộ phân bón sử dụng phân vi sinh, phân bò ủ hoai mục. Không sử dụng thuốc trừ cỏ mà sử dụng phương pháp phát dọn cỏ quanh gốc, phương pháp này làm cho đất trồng tơi xốp, tạo 1 lớp mùn giữ đất ẩm lâu hơn, rễ cây phát triển khỏe mạnh hơn.
PV: ông Lê Thanh Định - Thôn Thông, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang
“Gia đình chăm sóc vườn cam chủ yếu dùng phân bò ủ hoai mục, và phân tưới hữu cơ, áp dụng quy trình thuốc bảo vệ thực vật nghiêm ngặt cho đối tượng rầy, rệp. Đặc biệt, không sử dụng thuốc cỏ mà thuê người phát dọn hoàn toàn để không hủy hoại rễ cây, tạo ra 1 lớp mùn dưới gốc giúp cây giữ được độ ẩm trong thời tiết nắng.”
PV: ông Lê Bá Thành - PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang
“Bắc giang nói riêng và cả nước nói chung đang ứng dụng khoa học kỹ thuật vào để tăng năng suất để mà khai thác năng suất cũng như giá trị gia tăng của nông nghiệp. Hiện nay nếu chỉ tập trung gia tăng năng suất mà không thì không tăng được giá trị sản xuất nông nghiệp mà nguy cơ còn ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên đất… từ đó đặt ra vấn đề là làm sao chuyển hình thái sx sang mô hình có giá trị gia tăng hơn mà vẫn bảo vệ được môi trường, tài nguyên đất, tài nguyên nước là các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn”
Áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ cao đã giúp năng suất cam nhà ông Định tăng hơn từ 15-20% so với cây cam canh thuần. Đây là mô hình điển hình áp dụng biện pháp kỹ thuật mới trong sản xuất đem lại giá trị tăng thêm trên 1 đơn vị diện tích. Ông Định luôn mong muốn những kiến thức có được từ thực tế của mình không chỉ giúp ích cho bà con tại địa phương, ông sẵn sàng chia sẻ cho bất cứ ai muốn học tập và làm theo mô hình.