| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng mô hình vải chuẩn hữu cơ đầu tiên của Bắc Giang

Thứ Bảy 26/11/2022 , 08:35 (GMT+7)

Là vựa vải lớn nhưng Bắc Giang chưa có diện tích vải nào được cấp chứng nhận hữu cơ. Tỉnh này đang phấn đấu có 3 mô hình vải được cấp chứng nhận hữu cơ.

Vải GlobalGAP như “muối bỏ bể”

Đến năm 2022, Bắc Giang có diện tích vải trên 28 nghìn ha. Trong đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, chiếm 54% tổng diện tích; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc có diện tích 218 ha; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản có diện tích gần 270 ha. Mặc dù vậy đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa có diện tích vải nào chính thức được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Là vựa vải lớn, nhưng Bắc Giang vẫn chưa có diện tích vải đạt tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận hữu cơ. Ảnh: Lê Bền.

Là vựa vải lớn, nhưng Bắc Giang vẫn chưa có diện tích vải đạt tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận hữu cơ. Ảnh: Lê Bền.

Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang, ngoài yêu cầu mã số vùng trồng, bắt buộc phải có chứng nhận GlobalGAP. Những năm trước, Bắc Giang mới chỉ có 83 ha vải được cấp chứng chỉ GlobalGAP, tuy nhiên, do hiệu lực của chứng chỉ này chỉ trong vòng 1 năm phải cấp lại, nên năm 2022 này, toàn tỉnh chỉ còn 20ha vải có chứng nhận GlobalGAP còn hiệu lực.

“Trong khi đó vụ vải năm nay, số lượng các doanh nghiệp đăng ký thu mua vải để xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản rất nhiều. Mặc dù giá vải các doanh nghiệp đăng ký thu mua xuất khẩu cao, ở mức 35 nghìn đồng/kg, tuy nhiên chỉ với 20ha vải được cấp chứng nhận GlobalGAP, chúng tôi đang rất đau đầu để làm sao phân chia sản lượng cho các doanh nghiệp bởi nguồn hàng rất ít ỏi”, ông Đặng Văn Tặng cho biết.

Những năm qua, vựa vải Bắc Giang đã có sự vượt bậc trong việc sản xuất vải theo hướng an toàn, bền vững. Tuy nhiên, nhìn chung mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP và theo hướng hữu cơ, diện tích được cấp chứng chỉ GlobalGAP mới chỉ “như muối bỏ bể” so với nhu cầu xuất khẩu.

Vụ vải năm 2022, Bắc Giang đã khởi động triển khai trước mắt 2 mô hình với diện tích thí điểm 1ha/mô hình tại Tân Yên và Lục Ngạn để tiến tới cấp chứng nhận hữu cơ. Ảnh: Nhật Quang.

Vụ vải năm 2022, Bắc Giang đã khởi động triển khai trước mắt 2 mô hình với diện tích thí điểm 1ha/mô hình tại Tân Yên và Lục Ngạn để tiến tới cấp chứng nhận hữu cơ. Ảnh: Nhật Quang.

Trước hạn chế đó, cuối năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển cây ăn quả bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới đạt tiêu chuẩn và được cấp các chứng nhận GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ. Xây dựng 4 mô hình (ít nhất 10ha/mô hình) cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, bao gồm: 03 mô hình vải (huyện Lục Ngạn 2 mô hình, Tân Yên 1 mô hình) và 1 mô hình bưởi tại huyện Lục Ngạn.

“Đối với các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản…, ngoài chứng nhận GlobalGAP, mã số vùng trồng, các lô vải trước khi xuất khẩu còn bắt buộc phải lấy mẫu kiểm tra rất kỹ về tồn dư hóa chất. Vì vậy vì lâu dài, chỉ có sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, mới có thể đáp ứng tốt nhất về các yêu cầu của thị trường xuất khẩu”, ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang chia sẻ.

Mục tiêu 4 mô hình vải được cấp chứng nhận hữu cơ

Bắc Giang hiện đang tích cực phối hợp với địa phương, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào nhằm xây dựng một số mô hình hạt nhân, phấn đấu năm 2023 có 2ha vải đầu tiên đạt chuẩn để cấp chứng nhận hữu cơ, qua đó nhân rộng ra sản xuất.

Vườn vải sản xuất theo quy trình hữu cơ của bà Vi Thị Oanh ở thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên) cho kết quả rất khả quan trong vụ đầu triển khai mô hình. Ảnh: Lê Bền.

Vườn vải sản xuất theo quy trình hữu cơ của bà Vi Thị Oanh ở thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên) cho kết quả rất khả quan trong vụ đầu triển khai mô hình. Ảnh: Lê Bền.

Vụ vải năm nay, hộ gia đình bà Vi Thị Oanh ở thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) đã được Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang lựa chọn làm mô hình điểm để thực hiện sản xuất vải hữu cơ với diện tích hơn 1ha.

Tham gia mô hình này, Công ty Cổ phần New AG. Technologies Việt Nam (Công ty New AG) được chọn để cung ứng toàn bộ vật tư gồm chất xử lý đất, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học.

Trước khi triển khai, Công ty New AG lấy mẫu đất phân tích tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa để đánh giá thực trạng, từ đó áp dụng quy trình xử lý đất nhằm đáp ứng các yêu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Qua kiểm tra đánh giá, do đặc thù cũng như canh tác vô cơ lâu năm, đất trồng vải đa số đều chua, có độ pH xung quanh 4. Sau khi xử lý đất, độ pH được nâng lên khoảng 6,5, phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây vải.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Tổng Giám đốc Công ty New AG cho biết: Toàn bộ các sản phẩm áp dụng vào mô hình đều là sản phẩm hữu cơ cao cấp thế hệ mới, được Công ty nhập khẩu từ Mỹ. Công ty cũng cử chuyên gia trực tiếp đề ra quy trình sản xuất, giám sát chặt chẽ quy trình tại các mô hình.

Áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, vườn vải bà Oanh quả đều chằn chặn, sáng mã, năng suất dự kiến đạt khoảng 9 tấn/ha. Ảnh: Lê Bền.

Áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, vườn vải bà Oanh quả đều chằn chặn, sáng mã, năng suất dự kiến đạt khoảng 9 tấn/ha. Ảnh: Lê Bền.

Đối với sản phẩm chất xử lý đất, được Công ty hỗ trợ miễn phí cho mô hình, chỉ cần xử lý một lần là có thể đảm bảo điều kiện đất để sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nhiều năm.

Vùng vải Phúc Hòa (Tân Yên) với giống vải chín sớm, thường thu hoạch từ 25 – 30/5 hàng năm, sớm hơn giống vải thiều chính vụ ở Lục Ngạn khoảng 20 – 25 ngày.

Những ngày này, vải thiều Lục Ngạn vẫn đang vào cùi thì vải chín sớm Phúc Hòa đã ngả màu đỏ ứng, thương lái đã bắt đầu đổ về thu mua ở những vườn chín bói. Năm nay, những vườn vải ở Phúc Hòa quả khá sai, tương đối được mùa. Nhưng nổi bật nhất ở Phúc Hòa có lẽ là vườn vải của mô hình sản xuất hữu cơ của hộ bà Vi Thị Oanh ở thôn Phúc Lễ.

Vườn vải hơn 1ha của gia đình bà Oanh quả sai lúc lỉu, tán dày, những chùm quả nặng trĩu, sà sát xuống mặt đất. Đã gần thu hoạch quả nhưng bộ tán lá vẫn còn xanh đậm, lá dày, cứng, khỏe.

Bà Oanh phấn khởi: “Mọi năm, vườn vải gia đình tôi được mùa cũng chỉ 5-6 tấn, nhưng năm nay thương lái vào xem, chắc mẩm đạt 8-9 tấn. Mặc dù mới vụ đầu làm theo quy trình hữu cơ, nhưng vườn vải đã khác biệt một trời một vực: Vải ra lộc, ra hoa, đậu quả đồng loạt một trà, không còn kiểu ra lộc rải rác. Vì vậy quả rất đều, chín cùng trà, không còn hiện tượng cây sai quả, cây ít quả hay quả to quả nhỏ và chín không đều, rải rác như trước đây”.

Không chỉ năng suất vượt trội, mẫu mã đẹp, độ ngọt tăng, điều làm bà Oanh yên tâm nhất là không còn phải tiếp xúc với thuốc BVTV độc hại, môi trường trong vườn vải rất trong lành. Ảnh: Nhật Quang.

Không chỉ năng suất vượt trội, mẫu mã đẹp, độ ngọt tăng, điều làm bà Oanh yên tâm nhất là không còn phải tiếp xúc với thuốc BVTV độc hại, môi trường trong vườn vải rất trong lành. Ảnh: Nhật Quang.

Cũng theo bà Oanh, khó khăn nhất khi sản xuất vải hữu cơ là phải mất công hơn khi phun chế phẩm bảo vệ thực vật, bởi các chế phẩm này không phải như thuốc hóa học, mà chỉ có tác dụng xua đuổi côn trùng nên cứ 5-6 ngày lại phải phun một lần. Tuy nhiên, làm theo quy trình hữu cơ thấy yên tâm nhất là sức khỏe của mình do không còn phải tiếp xúc với thuốc BVTV độc hại.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang đã về đo độ ngọt (độ Brix), quả vải đều đạt trên 18%, đây là độ Brix đã hoàn toàn đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Bên cạnh đó, quả vải to đều, rất sáng mã, vỏ săn cứng, là điều kiện mà các thương lái cũng như doanh nghiệp xuất khẩu rất “khoái” khi thu mua vải để bảo quản thời gian dài và vận chuyển đường xa.

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang phân tích: Cái khó nhất của cây vải đó là thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa đậu quả đôi khi phải khống chế bộ lá thưa, cây phải gầy guộc, lá ngả vàng một chút. Tuy nhiên điều này lại khiến bộ lá, vốn là yếu tố đặc biệt quan trọng để nuôi cây, nuôi quả đôi khi lại bị yếu.

“Qua theo dõi 2 mô hình vải hữu cơ tại Tân Yên và Lục Ngạn vụ vải năm nay, vườn vải vừa đảm bảo được bộ tán lá dày, xanh đậm, khỏe khoắn để đảm bảo nuôi cây, nuôi quả, đồng thời tỉ lệ ra hoa, đậu quả lại vẫn rất sai và đều.

Bộ tán lá vườn vải hữu cơ rất dày, xanh đậm, khỏe, đủ sức sống nuôi cây, nuôi quả cho tới lúc thu hoạch. Ảnh: Lê Bền. 

Bộ tán lá vườn vải hữu cơ rất dày, xanh đậm, khỏe, đủ sức sống nuôi cây, nuôi quả cho tới lúc thu hoạch. Ảnh: Lê Bền. 

Đối với sâu bệnh, tại mô hình đã được kiểm soát rất tốt, đặc biệt là gần như không còn sâu đục cuống quả. Đây có thể nói là “bí quyết” rất tuyệt vời mà quy trình sản xuất cũng như các sản phẩm phân bón hữu cơ do Công ty New AG mang lại”, ông Tặng vui mừng đánh giá.

Tại Lục Ngạn, mô hình trồng vải hữu cơ, đã được cấp chứng chỉ GlobalGAP do Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang phối hợp với Công ty New AG thực hiện trên diện tích 1 ha của hộ anh Vũ Văn Mến ở xã Qúy Sơn.

Theo anh Mến, đối với sản xuất vải hữu cơ, sở dĩ nhiều mô hình đến nay chưa thể theo đuổi được tới cùng để đạt tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận hữu cơ một phần khó khăn do chi phí sản xuất còn cao.

Tuy nhiên bù lại, vải hữu cơ lại được các doanh nghiệp tranh nhau đặt hàng xuất khẩu với giá cao, từ 35.000 đ/kg trở lên (so với giá vải đại trà mọi năm khoảng 20.000 – 25.000 đ/kg. Tính ra, bên cạnh nhiều lợi ích về sức khỏe, môi trường, lợi nhuận mô hình làm vải hữu cơ vẫn không thua kém so với sản xuất thông thường.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Tổng Giám đốc Công ty New AG cho biết, với định hướng dài hơi đồng hành cùng Bắc Giang trong phát triển vải hữu cơ, Công ty sẽ tiếp tục có các giải pháp, chính sách nhằm đảm bảo cung ứng vật tư phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học nhập khẩu chất lượng cao ở mức chi phí phù hợp, đảm bảo không tăng quá nhiều so với sản xuất thuần vô cơ hoặc quy trình sử dụng phân bón hữu cơ truyền thống trong nước, giúp nông dân tham gia mô hình luôn đảm bảo lợi nhuận cạnh tranh nhất.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.