Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành nông nghiệp cần xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu xứng tầm để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển.
Năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm trước; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế… Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận tổng thể năm 2022 là kết quả của một năm với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, toàn ngành đã có nhiều chuyển biến từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Năm 2023, tình hình thế giới được dự báo sẽ ngày càng khó đoán. Nhiều cảnh báo cũng đã được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế. Do đó, toàn ngành nông nghiệp luôn “nêu cao tinh thần sẵn sàng” để xử lý trong mọi tình huống.
Ông LÊ MINH HOAN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Điều chúng ta có thể chủ động chính là tâm thế sẵn sàng và sự chuẩn bị để thích ứng cho các điều kiện và tình huống khác nhau trong năm mới. Bộ NN-PTNT sẽ nhanh chóng cụ thể hoá những quyết sách quan trọng như nghị quyết về nông nghỉệp, nông dân, nông thôn; chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững với tầm nhìn dài hạn, tiếp cận xu thế của thế giới, tiếp cận những không gian phát triển mới. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thức quốc gia, tăng trưởng xuất khẩu, các công việc chính sẽ xoay quanh việc xác định thị trường, định hướng quy hoạch các vùng nguyên liệu phù hợp gắn với chứng nhận vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Trong đó, Bộ NN-PTNT đã thực hiện tốt việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Và trong giai đoạn mới, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT và toàn ngành nông nghiệp, nông thôn phải tự tin bản lĩnh, và linh hoạt, chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện.
Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH
Xây dựng thương hiệu, quan trọng lắm. Khi tôi xuống địa phương việc đầu tiên là tôi làm quy hoạch, thứ 2 là tôi làm thương hiệu. Bởi xây dựng thương hiệu thì mới thâm nhập thị trường được… Thứ 2 là quy hoạch vùng nguyên liệu ngang tầm với sự phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị ngành nông nghiệp phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp.