Cần tầm nhìn chiến lược và tư duy đột phá trong quy hoạch cảng cá. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực chế biến nông sản. Xuất khẩu thủy sản Cà Mau tăng trưởng 3 con số. Gia Lai là địa phương có diện tích sắn lớn nhất cả nước. Nâng giá trị sản phẩm mực Hà Tĩnh thông qua chế biến sâu.
CẦN TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC VÀ TƯ DUY ĐỘT PHÁ TRONG QUY HOẠCH CẢNG CÁ
Phát biểu tại buổi làm việc với các đơn vị của Bộ về quy hoạch cảng cá, khu neo đậu trong giai đoạn mới chiều 14/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần phải có một tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá trong quy hoạch, chiến lược, để từ đó, tạo ra nguồn lực tổng hợp từ Bộ, ban, ngành, địa phương tới xã hội trong phát triển ngành thuỷ sản bền vững. Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao Tổng cục Thủy sản định vị lại các vấn đề liên quan tới việc gỡ thẻ vàng IUU, không để tồn tại những vấn đề cũ đã được chỉ ra, đồng thời hạn chế phát sinh những vướng mắc mới, đặc biệt là hoạt động rà soát trình tự đầu tư công trong đầu tư hạ tầng cảng cá, nơi neo đậu tránh trú bão. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng góp ý, các đơn vị cần tích hợp đa giá trị trong việc nâng cấp hạ tầng cảng cá, gắn với nuôi biển, chế biến, du lịch và logistics, nhằm đồng bộ các giải pháp gỡ thẻ vàng IUU.
XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CHẾ BIẾN NÔNG SẢN
Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với hơn 7.500 doanh nghiệp có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nông sản mỗi năm.Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện chưa tương xứng với tiềm năng, công nghệ chế biến chỉ đạt mức trung bình. Mặt khác, sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao tỷ lệ còn thấp, sản phẩm chế biến chưa phong phú, chỉ đạt 10 - 40%.Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình khoa học, công nghệ phục vụ chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2030, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng nông sản chế biến, nâng tầm giá trị sản phẩm, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu.Song song đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp nghiên cứu, xây dựng bộ Tiêu chí đánh giá năng lực chế biến nông sản. Tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực chế biến nông sản, đặc biệt đối với cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, các hợp tác xã chế biến nông sản.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN CÀ MAU TĂNG TRƯỞNG 3 CON SỐ
Trên đà phục hồi sau đại dịch Covid-19, quý 1/2022, lĩnh vực chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau tiếp tục giữ đà tăng trưởng mạnh so cùng kỳ năm 2021 và đem về cho địa phương 373 triệu USD, bằng 32,4% kế hoạch cả năm, tăng 104,6% so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó, chế biến thủy sản xuất khẩu với chủ lực là ngành hàng tôm ước đạt trên 276 triệu USD, tăng 68,3% và chế biến phân bón xuất khẩu ước đạt 96,7 triệu USD, tăng 433,4% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện thị trường xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau được giữ vững ổn định, tôm Cà Mau đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
GIA LAI LÀ ĐỊA PHƯƠNG CÓ DIỆN TÍCH SẮN LỚN NHẤT CẢ NƯỚC
Gia Lai là tỉnh có diện tích sắn nguyên liệu lớn nhất cả nước với hơn 81.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 1,6 triệu tấn; giá trị sản xuất hơn 1.480 tỉ đồng. Tuy vậy, diện tích canh tác không tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật còn thấp nên sản lượng bình quân không cao, chỉ khoảng 20 tấn/ha. Ngoài ra, sản phẩm chế biến còn đơn điệu chủ yếu là chế biến tinh bột sắn, chiếm 49,8%, còn lại là sắn lát khô xuất khẩu.Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, đến năm 2025, cùng với hỗ trợ từ Trung ương, Gia Lai sẽ dần thay thế nguồn giống sắn có khả năng kháng bệnh cao cho toàn bộ vùng trồng trên địa bàn tỉnh, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định.Vì vậy trong thời gian tới, địa phương sẽ từng bước giảm diện tích trồng sắn xuống khoảng 65.000 ha từ này đến 2025. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh kỹ thuật cao, để nâng cao sản lượng cây sắn trên một đơn vị diện tích.
Nâng giá trị sản phẩm mực Hà Tĩnh thông qua chế biến sâu
NÂNG GIÁ TRỊ SẢN PHẨM MỰC HÀ TĨNH THÔNG QUA CHẾ BIẾN SÂU
Tối 14/4, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Tĩnh tổ chức ra mắ sản phẩm mực ăn liền Namaika.Để tạo ra sản phẩm này, những con mực tươi sống sau khi được kiểm tra, sàng lọc kỹ sẽ được chế biến trong môi trường vô trùng tuyệt đối. Mực ăn liền Namaika hiện có 4 sản phẩm chính gồm: mực ăn liền cắt sợi; đầu mực ăn liền; mực ăn liền sushidane và mực ăn liền sugata. Khách hàng có thể dùng ngay mà không cần chế biến như: cuộn cơm, ăn kèm mù tạt, gừng hồng, rong biển.Ông Võ Tá Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên biển phong phú với nhiều loại hải sản đặc hữu có giá trị kinh tế cao. Trong đó, mực Vũng Áng xuất khẩu đã rất nổi tiếng tại thị trường cao cấp của Nhật Bản. Những con mực tại vùng biển này có hương vị rất đặc trưng: thịt dẻo, đậm, hậu vị ngọt và tươi ngon, được đanh giá là ngon nhất suốt dải biển miền Trung Việt Nam”.