9 nền tảng số quốc gia phục vụ ngành nông nghiệp. Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu nông sản sang Tây Phi. Đưa vải niên vụ 2022 lên sàn thương mại điện tử. Tôm hùm bông rớt giá mạnh.
9 NỀN TẢNG SỐ QUỐC GIA PHỤC VỤ NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Trong số 34 nền tảng số quốc gia vừa được Chính phủ giao phát triển trong năm 2022 để hoàn thiện hạ tầng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, có tới 9 nền tảng phục vụ cho ngành nông nghiệp như: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản, sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng…Đối với ngành nông nghiệp, chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều xu thế mới như: xây dựng nên những sàn thương mại điện tử nông nghiệp lớn, xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân, thậm chí đến từng cây, con vật với mức giá phù hợp,….Chuyển đổi số đánh giá là xu thế tất yếu, là “chìa khoá” để ngành nông nghiệp và các địa phương vừa tận dụng được những cơ hội mới sau đại dịch, vừa hướng đến sự phát triển một cách bền vững.
CẢNH BÁO LỪA ĐẢO XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG TÂY PHI
Theo ông Trần Hùng Cường - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria, hiện tượng lừa đảo trong giao dịch kinh doanh tại Nigeria nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung vẫn diễn ra tương đối nhiều.Hình thức lừa đảo của các đối tượng rất đa dạng, có thể lừa đảo trong đấu thầu, trong xuất nhập khẩu nông sản. Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo thường ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện giao 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt nhằm tạo ra sự tin tưởng. Từ hợp đồng thứ ba, đối tượng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30% - 50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng.Một điểm nữa, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán khi hầu hết các nước khu vực Tây Phi sử dụng hình thức thanh toán giao chứng từ có độ rủi ro nhất định như trong vụ lừa đảo xuất khẩu nông sản.Các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng sang đây cần cẩn trọng với hiện tượng lừa đảo núp bóng dưới nhiều hình thức và rất khó lường.
ĐƯA VẢI NIÊN VỤ 2022 LÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Với tổng diện tích gần 40 ha, năm nay mặc dù vải mới đang trổ hoa nhưng HTX Nông sản sạch Bình Nguyên tại thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã lên phương án tiêu thụ 100% sản lượng thông qua sàn thương mại điện tử.Năm 2021, HTX Nông sản sạch Bình Nguyên tiêu thụ được 300 tấn vải thông qua sàn thương mại điện tử trong tổng số 400 tấn thu hoạch được, doanh thu cũng tăng 30% so với cách bán hàng truyền thống trước đây.Năm 2022, sản lượng vải của toàn tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ đạt 160 nghìn tấn, ngoài đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường quốc tế, tiêu thụ nội địa thông qua các sàn thương mại điện tử sẽ là hình thức tiêu thụ quan trọng giúp bà con nông dân đảm bảo đầu ra.
TÔM HÙM BÔNG RỚT GIÁ MẠNH
Hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do các quy định về phòng dịch Covid-19 đang đẩy tôm hùm bông rớt giá mạnh. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, tôm hùm bông được thương lái thu mua với giá hơn 2 triệu đồng/kg nhưng hiện tại rớt giá chỉ còn 1,2-1,4 triệu đồng/kg. Tôm hùm xanh cũng chỉ còn 720.000 đồng/kg.Còn tại các cửa hàng chuyên bán hải sản tại Hà Nội, tôm hùm bông loại 1 có cân nặng 1,1kg mỗi con trước Tết Nguyên đán có giá khoảng 2,3 triệu đồng/kg thì nay chỉ còn 1,8 triệu đồng/kg, giảm khoảng 500.000 đồng/kg.