Thủ tướng yêu cầu trữ nước trong mùa hạn, mặn. Xuất khẩu quế thu về gần 250 triệu USD. Kiên Giang: Đầu tư hệ thống cống ven biển để bảo vệ sản xuất. Hà Tĩnh: Tổng nạo vét kênh mương để sản xuất vụ xuân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tổ chức theo dõi, chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh thời vụ, tổ chức sản xuất phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là tại khu vực ĐBSCL.
Đồng thời Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.
XUẤT KHẨU QUẾ THU VỀ GẦN 250 TRIỆU USD
Quỳnh Anh khai thác
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tháng 11/2024 Việt Nam xuất khẩu được 10.754 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28,8 triệu USD, so với tháng 10 lượng xuất khẩu tăng 5,8%. Tính chung 11 tháng năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 90.270 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 249,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 10,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 3,9%.
Các thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam bao gồm: Ấn Độ đạt 31.829 tấn, chiếm 35,3%; Hoa Kỳ đạt 9.867 tấn, chiếm 10,9% và Bangladesh đạt 7.536 tấn, chiếm 8,3% thị phần.
Bảng
XUẤT KHẨU QUẾ THÁNG 11/2024
Khối lượng 10.754 tấn
Kim ngạch 28,8 triệu USD
XUẤT KHẨU QUẾ 11 THÁNG NĂM 2024
Khối lượng 90.270 tấn
Kim ngạch 249,2 triệu USD
KIÊN GIANG: ĐẦU TƯ HỆ THỐNG CỐNG VEN BIỂN ĐỂ BẢO VỆ SẢN XUẤT
Trung Chánh - Văn Vũ
Tỉnh Kiên Giang đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện tuyến đê biển Tây với chiều dài hơn 200km, nhất là hế thống cống trên đê để chủ động điều tiết thủy lợi, phục vụ sản xuất. Cùng với làm kè bảo vệ, rất nhiều cống dọc theo tuyến đê đã được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành điều tiết nguồn nước, bảo vệ sản xuất theo hệ sinh thái mặn lợ và ngọt theo mùa.
Tỉnh Kiên Giang có diện tích nằm trong vùng hưởng lợi thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là 247.400ha, chiếm 64% diện tích vùng dự án. Do đó, cần vận hành đồng bộ các công trình thủy lợi do tỉnh đầu tư thì hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé mới phát huy tối đa tác dụng. Đặc biệt, nếu hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây thuộc địa bàn huyện An Biên và An Minh chưa được đầu tư khép kín thì việc vận hành cống âu thuyền Xẻo Rô sẽ không có tác dụng điều tiết nguồn nước, bảo vệ sản xuất trong nội đồng hiệu quả.
HÀ TĨNH: TỔNG NẠO VÉT KÊNH MƯƠNG ĐỂ SẢN XUẤT VỤ XUÂN
Thanh Nga sx
Sau 20 ngày phát động ra quân làm thủy lợi nội đồng theo Chỉ thị của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đến nay toàn tỉnh đã huy động được hơn 12.800 ngày công, tổ chức nạo vét trên 800 km kênh dẫn nước các loại phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2025. Các huyện như Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc, Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh thực hiện rất tốt nhiệm vụ này.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, từ nay đến hết tháng 1/2025 các địa phương phải hoàn thành việc nạo vét bùn đất, rác thải; xới cỏ bờ kênh; vớt bèo từ các tuyến kênh chính, kênh nhánh bê tông đến hệ thống kênh đất nhằm đảm bảo khơi thông dòng chảy, phục vụ gieo cấy đúng lịch thời vụ cho gần 60.000 ha lúa.