Xuất khẩu thủy sản tiến sát mục tiêu 10 tỷ USD. Người trồng dứa ở Kiên Giang thu lời hơn 100 triệu đồng/ha. Mô hình lúa-tôm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Giá cà phê tại Bà Rịa - Vũng Tàu cao gấp đôi năm ngoái.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau khi đạt mức đỉnh 1 tỷ USD trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản tháng 11 tuy chững lại nhẹ nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng, với giá trị đạt 924 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.
Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023. Trong đó, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công này, với tôm dự báo đạt 4 tỷ USD và cá tra có thể cán mốc 2 tỷ USD.
Tin 2
NGƯỜI TRỒNG DỨA Ở KIÊN GIANG THU LỜI HƠN 100 TRIỆU ĐỒNG/HA
Quỳnh Anh khai thác
Giữa tháng 11/2024 đến tháng 1/2025 là thời điểm nông dân tỉnh Kiên Giang thu hoạch rộ dứa. Từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi, năng suất trái đạt khá và giá dứa duy trì ở mức khá cao đã mang lại niềm vui trọn vẹn "trúng mùa được giá" cho bà con. Theo các hộ trồng dứa ở Kiên Giang, năm nay trung bình mỗi ha dứa thu hoạch được từ 19.000-20.000 trái, sau khi trừ các khoản chi phí nông dân lợi nhuận từ 120-140 triệu đồng/ha, cao gấp 4 lần so với trồng lúa trước đây.
Số liệu của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 7.200ha diện tích trồng dứa. Những năm gần đây ở các địa phương cũng hình thành một số cơ sở chế biến, sản xuất các sản phẩm từ dứa. Qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ dứa ổn định, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân.
Tin 3
MÔ HÌNH LÚA TÔM CHO LỢI NHUẬN HÀNG TRĂM TRIỆU ĐỒNG MỖI VỤ
Văn Vũ sản xuất
Theo phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, mô hình lúa - tôm được xem là những mô hình thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập ổn định cho người nuôi tại địa phương. Với diện tích khoảng 1 ha khi thu hoạch lúa đạt khoảng 4,5 tấn ha, lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha, còn tôm thì lợi nhuận gần 200 triệu đồng/ha. Hiện tổng diện tích lúa - tôm toàn huyện là trên 2.800 ha, nuôi tập trung ở các xã Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hải và Khánh Hưng.
Phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, Trước những tác động bất lợi từ thiên nhiên, mô hình lúa - tôm, không chỉ giúp môi trường trong lành, ứng phó thiên tai mà ở đó có sự phát triển kinh tế ổn định nhờ thu nhập từ con tôm, cây lúa và nhiều loài thủy sản dưới cây lúa.
Tin 4
GIÁ CÀ PHÊ TẠI BÀ RỊA - VŨNG TÀU CAO GẤP ĐÔI NĂM NGOÁI
Quỳnh Anh khai thác
Thời điểm này, các hộ trồng cà phê tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang bước vào vụ thu hoạch. Cà phê năm nay tuy không được mùa nhưng giá đang ở mức cao, khoảng 115.000 - 120.000 đồng/kg, gấp đôi vụ năm 2023.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu như năm 2022, diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh là 3.826 ha; năm 2023, giảm còn hơn 3.643 ha, thì đến nay, diện tích cà phê trên địa bàn chỉ còn hơn 2.552 ha. Mặc dù là cây trồng dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều nhưng những năm trước giá bán cà phê lại ở mức thấp khiến nhiều người không “mặn mà”. Do đó, nếu cà phê ở mức giá như hiện nay thì người dân có lãi và có động lực rất lớn để duy trì, phát triển loại cây trồng này.