Ngành chế biến chỉ đáp ứng 10 - 17% sản lượng rau quả trong nước. Năng suất gieo trồng lúa mùa miền Bắc giảm từ 8 - 10%. Giá cà phê tăng mạnh trong năm 2024. Kiên Giang: Xây dựng nông thôn mới giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo một huyện xuống còn 1,2%.
NGÀNH CHẾ BIẾN CHỈ ĐÁP ỨNG 10-17% SẢN LƯỢNG RAU QUẢ TRONG NƯỚC
Quỳnh Anh khai thác
Theo Bộ NN-PTNT, rau quả Việt Nambứt phá với kim ngạch đạt 6,6 tỷ USD sau 11 tháng, tăng 28,2% so với năm trước. Toàn ngành tự tin cán mốc kỷ lục 7,2 tỷ USD năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, chiếm tới 66,5% tổng kim ngạch. Điều này tiềm ẩn rủi ro nếu có thay đổi về chính sách nhập khẩu. Gần đây, các sản phẩm chế biến đang tăng trưởng mạnh, đạt giá trị 1,1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm. Thế nhưng, theo các chuyên gia, ngành chế biến mới đáp ứng 10-17% sản lượng rau quả một năm. Phần lớn vẫn được xuất khẩu dưới dạng tươi hoặc sơ chế, với tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 20%.
Để xuất khẩu bền vững, các nhà chức trách cho rằng, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến nghiêm ngặt. Điều này không chỉ nâng cao uy tín sản phẩm mà còn tạo cơ hội tiếp cận bền vững với các thị trường quốc tế.
NĂNG SUẤT GIEO TRỒNG LÚA MÙA MIỀN BẮC GIẢM TỪ 8 - 10%
Quỳnh Anh khai thác
Tính đến 20/11/2024, Việt Nam thu hoạch được 1,4 triệu ha lúa mùa, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ thu hoạch lúa mùa năm nay muộn hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của bão số 3 nên những diện tích lúa hồi phục sau bão có thời gian sinh trưởng kéo dài hơn trung bình hằng năm. Theo báo cáo đánh giá của các địa phương, năng suất gieo trồng lúa mùa của hầu hết các tỉnh miền Bắc đều giảm từ 8 - 10% so với cùng kỳ năm trước. Do năng suất giảm sâu nên sản lượng lúa mùa miền Bắc ước tính đạt 7,86 triệu tấn, giảm 535.900 tấn so vụ mùa năm 2023.
Bảng
SẢN XUẤT LÚA MÙA NĂM 2024
Diện tích: 1,4 triệu ha, giảm 4,3%
Sản lượng: 7,86 triệu tấn, giảm 535.900 tấn
GIÁ CÀ PHÊ TĂNG MẠNH TRONG NĂM 2024
Quỳnh Anh khai thác
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, trong năm 2024, cà phê là mặt hàng nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tháng 11/2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân ước đạt 5.818 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Tính chung 11 tháng năm nay, giá cà phê xuất khẩu bình quân ước đạt 4.838 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.
11 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê ước đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá 4,84 tỷ USD, giảm 15% về lượng, nhưng tăng 33% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhưng giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện đã vượt kỷ lục đạt được trong năm 2023 và đang hướng tới mốc kỷ lục mới là 5 tỷ USD.
Giá cà phê tăng được cho là do nhu cầu lớn và nguồn cung hạn chế, dù đang vào mùa thu hoạch cao điểm. Trong 2 tháng kể từ vụ thu hoạch mới bắt đầu, hiện nông dân ở Tây Nguyên mới thu hoạch được khoảng 20% sản lượng cà phê.
KIÊN GIANG: XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIÚP GIẢM TỶ LỆ HỘ NGHÈO MỘT HUYỆN XUỐNG CÒN 1,2%
Trung Chánh – Văn Vũ
Theo Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, những năm qua huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nhân dân. Đến nay, huyện có 23 sản phẩm OCOP, thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ hơn 15% vào năm 2010, xuống còn 1,2% vào cuối năm 2024. Đại diện huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết, từ năm 2011 đến nay toàn huyện làm mới và nâng cấp mở rộng hơn 100 tuyến đường giao thông, trên 100 cây cầu. Đến nay hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được kết nối thông suốt, an toàn, sạch đẹp, giúp người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng. Cùng với hệ thống trường học, trạm y tế cũng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương