Khuyến khích vào ngành nông nghiệp Cuba. Lượng cà phê xuất khẩu giảm trong hai tháng đầu vụ. Bệnh vàng lá đe dọa giống quýt đặc sản ở Cát Bà. Giếng nước không bao giờ cạn ở Hà Tĩnh.
Chiều nay, 9/12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với Bộ trưởng Nông nghiệp Cuba Ydael Pérez Brito về thúc đẩy hợp tác nông nghiệp nhằm giúp Cuba hướng tới tự chủ trong cung cấp lương thực thực phẩm.
Trong chuyến thăm lần này, phía Cuba mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đầu tư sản xuất nông nghiệp tại Cuba và hiện thực hóa những nội dung hai bên đã ký kết sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Cuba hồi tháng 9 vừa qua.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam có thể hỗ trợ gói sản phẩm ngoài lúa gạo cho Cuba với các mô hình tối ưu giúp giảm giống, giảm phân bón trong điều kiện Cuba còn nhiều khó khăn. Bên cạnh chương trình lúa gạo, Bộ NN-PTNT mong muốn mở rộng hợp tác cho một số lĩnh vực khác như chăn nuôi, chế biến, thủy sản nhằm khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang Cuba đầu tư theo chuỗi.
LƯỢNG CÀ PHÊ XUẤT KHẨU GIẢM TRONG HAI THÁNG ĐẦU VỤ
Quỳnh Anh khai thác
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2024 đạt 45 nghìn tấn, trị giá 262 triệu USD, giảm 0,9% về lượng, nhưng tăng 0,8% về trị giá so với tháng 10/2024. Như vậy, lượng xuất khẩu 2 tháng đầu tiên của vụ mới là tháng 10 và tháng 11 năm nay cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 36,61%.
Tính chung, 11 tháng năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này ước đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá 4,84 tỷ USD, giảm 15,4% về lượng, nhưng tăng 32,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhưng nhờ giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện đã vượt cả năm 2023 và thiết lập mốc kỷ lục mới.
Bảng
XUẤT KHẨU CÀ PHÊ THÁNG 11/2024
Khối lượng 45.000 tấn
Trị giá 262 triệu USD
XUẤT KHẨU CÀ PHÊ 11 THÁNG NĂM 2024
Khối lượng 1,2 triệu tấn
Trị giá 4,84 tỷ USD
BỆNH VÀNG LÁ ĐE DỌA GIỐNG QUÝT ĐẶC SẢN Ở CÁT BÀ
Đinh Mười sản xuất
Quýt Gia Luận, hay còn gọi là cam Gia Luận, là đặc sản bản địa có nguồn gốc từ xã Gia Luận, huyện Cát Hải, Hải Phòng đã được công nhận là một trong 18 đặc sản của thành phố, sở hữu nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể từ năm 2015. Hiện nay, diện tích trồng khoảng 25ha, do khoảng 120 hộ dân canh tác tại các vườn, thung lũng.
Thế nhưng từ năm 2012, quýt Gia Luận đối mặt với sự suy giảm diện tích, sản lượng và chất lượng nghiêm trọng do các bệnh vàng lá, bệnh Tristeza và các bệnh khác, thiếu nguồn giống chất lượng và kỹ thuật canh tác còn nhiều bất cập. Năm 2014, một dự án nghiên cứu cấp thành phố tập trung vào việc phục hồi và phát triển vùng trồng quýt Gia Luận được triển khai và cho kết quả tích cực sau 3 năm. Dù vậy, từ năm 2020 trở lại đây, bệnh vàng lá rồi chết dần lại tiếp tục diễn ra trên cây cam đe dọa sự phát triển của giống quýt đặc sản này.
KỲ LẠ GIẾNG NƯỚC KHÔNG BAO GIỜ CẠN Ở HÀ TĨNH
Thanh Nga sx
Đền Trầm Lâm, ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là một trong 3 di tích thuộc quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, được công nhận vào năm 2001. Ngôi đền này gắn liền với vua Hàm Nghi và những báu vật nhà vua ban cho người dân địa phương. Và trước điện thờ, có một giếng nước luôn đầy nước quanh năm.
Theo người trông coi đền, giếng nước có hình bán nguyệt, rộng hàng trăm m2; màu nước thay đổi theo mùa trong năm, mùa xuân nước xanh, mùa hạ nước hồng, mùa thu nước trắng, mùa đông nước đen. Dù đã trải qua nhiều trận hạn hán khốc liệt nhưng hàng trăm năm qua giếng nước ở đền Trầm Lâm chưa bao giờ cạn, các loài cá, rùa không ngừng sinh sôi tại giếng. Đặc biệt, người dân truyền tai nhau không tắm giặt, rửa chân tay tại giếng nước để bảo vệ nguồn nước.