Phê duyệt báo cáo tác động môi trường dự án hồ chứa nước Ka Pét. Ngành cao su Việt Nam thích ứng với
EUDR. Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào biên giới. Tận dụng đất trống giữa các vuông tôm để trồng rau màu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án "Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận". Đây là dấu mốc quan trọng để dự án sớm được xây dựng, hoàn thành, phục vụ công tác chống hạn của tỉnh này.
Quy mô hồ chứa nước Ka Pét gồm hồ điều tiết với dung tích 51,21 triệu m3, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 874 tỉ đồng. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là 680,41 ha. Dự án sau khi cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng các quy định pháp luật, thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận để trồng bù tối thiểu 1.845 ha rừng theo đúng quy định của pháp luật.
Tin 2
NGÀNH CAO SU VIỆT NAM THÍCH ỨNG EUDR
Trần Phi sản xuất
Ngày 3/12, tại TP.HCM Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG tổ chức lễ công bố thích ứng với các Quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR). Đây là bước quan trọng giúp ngành cao su Việt Nam đáp ứng yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm, nhằm duy trì thị trường xuất khẩu sang EU.
Ông Huỳnh Tấn Siêu, Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho biết EUDR vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Trong đó, thách thức lớn nhất là nguồn cung mủ từ cao su tiểu điền và nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, Tập đoàn đã triển khai giải pháp bền vững, như cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 120.000 ha cao su và sản xuất hơn 100.000 tấn mủ cao su có chứng nhận mỗi năm.
Từ năm 2019, VRG đã thực hiện chứng chỉ VFCS/PEFC, giúp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu EUDR. Tập đoàn cũng đã tổ chức tập huấn cho các công ty thành viên tại Việt Nam, Campuchia và Lào về quy định EUDR. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu từ các hộ tiểu điền vẫn gặp khó khăn. Do đó, VRG đề xuất hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia và hỗ trợ pháp lý về quyền sử dụng đất.
Tin 3
TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT CHO ĐỒNG BÀO BIÊN GIỚI
Tâm Phùng - Tâm Đức sản xuất
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho các bí thư, trưởng bản, già làng và nhân dân xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Chương trình thuộc đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”.
Bà con nhân dân trên biên giới được tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành; hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam - Lào; Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình. Một trong những nội dung nổi bật được tập trung tuyên truyền đậm nét là vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Tin 4
TẬN DỤNG ĐẤT TRỐNG GIỮA CÁC VUÔNG TÔM ĐỂ TRỒNG RAU MÀU
Văn Vũ sản xuất
Hiện nay, ngoài việc nuôi trồng thủy sản là nghề chính, nhiều hộ dân tại xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã tận dụng đất trống bờ bao vuông tôm để trồng rau màu kiếm thêm thu nhập.
Theo người dân, các loại rau, màu ngắn ngày được trồng nhiều tại địa phương là cải trắng, xà lách, hẹ xanh và dưa hấu… Với hơn 500 m2 bờ vuông có thể trồng 450 dây dưa hấu, sau 3 tháng trồng là có thể thu hoạch, trừ hết chi phí người trồng thu nhập khoảng 15 triệu đồng.
Ông Lê Hoàng Lân, cán bộ khuyến nông xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, hiện có khoảng 30 hộ dân áp dụng mô hình trồng hoa màu trên đất nuôi tôm, với diện tích gần 20ha, mô hình đã giúp người dân địa phương đa dạng hóa mô hình sản xuất. Những năm qua, ngành chức năng thường xuyên đã hỗ trợ người dân trong khâu kỹ thuật, cây giống và tìm đầu ra khi thu hoạch để người dân nhân rộng mô hình và yên tâm sản xuất.