Giá tôm nguyên liệu tăng, doanh nghiệp chế biến gặp khó. Quảng Nam sẽ phát triển ngành thủy sản thân thiện với môi trường. Khuyến nông Quảng Ninh xuất bán 15 vạn giống hàu đầu tiên. Quảng Bình: Vùng ngập lụt khẩn trương trồng rau vụ xuân sớm.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, từ giữa tháng 8 đến nay, giá tôm thương phẩm ở ĐBSCL tăng khá mạnh, đặc biệt là loại 50 con/kg, tăng khoảng 30%, lên 155.000 đồng, tương đương 6,10 USD/kg trong giữa tháng 11. Đây là lần đầu tiên giá loại 50 con chạm mức 6 USD/kg kể từ cuối năm 2021. Giá tôm tăng do sức cung giảm, trong vụ bà con nuôi ít và dịch bệnh trên tôm.
VASEP nhận định, trước tình hình tôm nguyên liệu hiện tại, nguồn cung sẽ còn thiếu hụt đến hết quý 1 năm sau. Trong khoảng thời gian này, các Doanh nghiệp chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến giảm sụt hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, năm 2025 được kỳ vọng thời tiết sẽ thuận hơn cho người nuôi để tình hình nguồn cung tôm nguyên liệu được cải thiện.
Tin 2
QUẢNG NAM SẼ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
Lê Khánh sản xuất
Tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn.
Kế hoạch nhằm mục tiêu kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa, giải quyết các sự cố môi trường. Đồng thời bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường sống, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển thủy sản bền vững.
Để thực hiện kế hoạch này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giao nhiệm vụ các cơ quan sở, ngành có chức năng điều tra, đánh giá nguồn thải, lượng thải cũng như xây dựng các giải pháp kiểm soát chất thải các hoạt động thủy sản.
Bên cạnh đó, người dân cũng được khuyến khích từng bước chuyển đổi mô hình thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; phát triển sản xuất thủy sản hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; áp dụng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tin 3
KHUYẾN NÔNG QUẢNG NINH XUẤT BÁN 15 VẠN GIỐNG HÀU ĐẦU TIÊN
Tiến Thành sản xuất
Đầu năm 2024, dự án vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn được Sở NN-PTNT Quảng Ninh giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh quản lý, sử dụng. Sau khi được giao nhiệm vụ, các cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã tổ chức đưa giống từ khu vực sản xuất (phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên) ra vùng biển Vân Đồn để ương dưỡng và tiến tới xuất bán cho bà con. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã đưa ra thị trường mẻ giống hàu đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, theo đó, đã có 15 vạn mảnh giống hàu được bán cho bà con. Trong khoảng thời gian cuối năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 100 vạn mảnh giống hàu, để phục vụ người dân nuôi trồng thủy sản trên vùng biển Vân Đồn và các khu vực lân cận. Qua đó, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh sau ảnh hưởng của bão số 3.
Tin 4
QUẢNG BÌNH: VÙNG NGẬP LỤT KHẨN TRƯƠNG TRỒNG RAU VỤ XUÂN SỚM
Tâm Phùng- Tâm Đức sản xuất
Các xã phía nam huyện Lệ Thủy được xác định là vựa rau xanh của tỉnh Quảng Bình. Do ảnh hưởng của trận mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua nên diện tích trồng rau vẫn đang bị ngập, ẩm thấp, rất khó khăn cho gieo trồng rau xanh vụ Xuân sớm.
Tranh thủ những ngày nắng, bà con nhân dân các xã vùng cát ven Quốc lộ 1A như Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy…(huyện Lệ Thủy) tranh thủ làm đất gieo trồng để có vụ rau, quả phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Theo phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy, đến nay đã có khoảng 250ha được gieo trồng. Trong đó chủ lực là rau lang, rau xanh các loại như cải, ngò, rau mầm, đậu cô ve, su hào… Các địa phương cũng đang vận động bà con thành lập các Tổ Hợp tác, Hợp tác xã sản xuất rau sạch theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng thu nhập.