Hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cá tra. Giá cà phê tiếp tục tăng. Hình thành thị trường sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn. Giảm dần diện tích sản xuất thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Vasep, mười tháng đầu năm nay, có 448 Doanh nghiệp của Việt Nam tham gia xuất khẩu cá tra sang các thị trường.
Hiện tại, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Cuộc đua xuất khẩu cá tra sang thị trường này có đến 119 doanh nghiệp tham gia. Trong đó có đến 4 trong top 5 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu vào thị trường này.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cá tra sang các thị trường. Điều này tỷ lệ thuận với việc nhiều quốc gia trên thế giới cùng đang dần gia tăng nuôi cá tra để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Nhiều năm qua Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sản phẩm cá tra phile đông lạnh, cũng vì nhu cầu lớn cho sản phẩm này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi cá tra không còn “một mình một chợ”, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa các sản phẩm, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, quảng bá các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng để giữ vững vị trí số 1 về xuất khẩu cá tra toàn cầu.
GIÁ CÀ PHÊ TIẾP TỤC TĂNG
Sau khi giảm nhẹ vào hôm qua, hôm nay 11/12, giá cà phê trong nước tiếp tục quay đầu tăng trở lại tại phiên thứ 3 trong tuần với mức tăng khoảng 2.000 đồng/kg. Hiện giá thu mua cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 124.000 đồng/kg.
Giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai ở mức 124.000 đồng/kg; giá cà phê thu mua tại tỉnh Đắk Nông là 124.000 đồng/kg và Đắk Lắk ở mức giá cao nhất là 124.000 đồng/kg; cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng có giá 123.500 đồng/kg.
Phân tích về giá cà phê trên thế giới và trong nước hiện nay, các chuyên gia cho rằng, giá cà phê tăng mạnh là do nguồn cung ngày một hạn chế, nhu cầu ngày một cao. Một số quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, như Việt Nam, Brazil… bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
HÀ NỘI: HÌNH THÀNH THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện “Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030” trên địa bàn Hà Nội. Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Từng bước hình thành và tham gia thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn.
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tăng cường nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn.
GIẢM DẦN DIỆN TÍCH SẢN XUẤT THU NHẬP DƯỚI 50 TRIỆU ĐỒNG/HA/NĂM
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương này đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng mạnh các sản phẩm có lợi thế, giá trị kinh tế cao, giảm dần diện tích sản xuất có hiệu quả thấp, dưới 50 triệu đồng/ha/năm. Năm 2024, toàn tỉnh đã chuyển đổi trồng mới được trên 17.600 ha, đạt 106,5% kế hoạch, góp phần giảm diện tích canh tác có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha còn hơn 21.700 ha, chiếm 6,6% tổng diện tích canh tác.